Quảng Nam: Cảnh báo nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:18, 06/04/2018

(TN&MT) - Quảng Nam là cửa ngõ giao thông của cả nước, có đường sắt Bắc - Nam, đường Trường Sơn và Quốc lộ 1A đi qua nên dễ lan truyền mầm bệnh. Vì vậy vấn đề...
(TN&MT) - Quảng Nam là cửa ngõ giao thông của cả nước, có đường sắt Bắc - Nam, đường Trường Sơn và Quốc lộ 1A đi qua nên dễ lan truyền mầm bệnh. Vì vậy vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) của Quảng Nam luôn có những biểu hiện đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đoàn kiểm tra liên nghành 389 Quảng Nam kiểm tra ATTP tại chợ Điện Bàn
Đoàn kiểm tra liên nghành 389 Quảng Nam kiểm tra ATTP tại chợ Điện Bàn
UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch an toàn thực phẩm và tháng hành động vì ATTP năm 2018 để đánh giá đúng thực trạng công tác bảo đảm ATTP hiện nay trên địa bàn tỉnh.
 
Quảng Nam hiện có hơn 18.000 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong vài năm gần đây, tại Quảng Nam đã xảy ra hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 300 người ngộ độc. Trong đó, phần lớn trường hợp ngộ độc là do sử dụng các sản phẩm nông - lâm - thủy sản bị nhiễm độc làm thực phẩm.
 
Theo Sở Y tế Quảng Nam cho biết thì, năm 2017 ngành Y tế của tỉnh này đã tăng cường triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP, đặc biệt trong các dịp diễn ra các sự kiện lớn, lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP đã thanh, kiểm tra được 18.700 cơ sở, qua đó phát hiện  2.600 cơ sở vi phạm, 96 cơ sở vi phạm phải phạt tiền trên 127 triệu đồng. Một số cơ sở thực phẩm còn bán hàng đã quá hạng sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ với 556 loại sản phẩm bị tiêu hủy của 420 cơ sở, với các mặt hàng như: bánh, kẹo, sữa, nước ngọt, rượu...
Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở sản xuất chả giò có chứa chất hàn the tại TP. Tam Kỳ
Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở sản xuất chả giò có chứa chất hàn the tại TP. Tam Kỳ
Mới đây, vào ngày 12/3/2018, một số người dân thôn Pà Pằng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam mua rượu tại một tiệm tạp hóa về uống. Sau khi uống rượu, những người này có triệu chứng nôn mửa, đau đầu, đỏ mắt, hôn mê. Sau đó, 3 người đã tử vong, 2 người nguy kịch phải chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện miền núi Bắc Quảng Nam cấp cứu.
 
Ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn  Quảng Nam cũng cho biết, năm 2017, ngành NN&PTNT đã tiến hành lấy 518 mẫu bao gồm: thủy sản khai thác, thủy sản nuôi, thịt lợn, rau, trái cây để phân tích các tiêu chí ATTP. Qua đó đã phát hiện 01 mẫu hành tại huyện Thăng Bình có dự hàm lượng Cypermethrin vượt giới hạn cho phép, 06 mẫu thủy sản khai thác tại TP. Hội An có kháng sinh cấm Chloramphenicol, 5 mẫu chả tại thành phố Hội An có Natri benzoat. Riêng về thịt tươi có đến 190 mẫu có tổng số vi khuẩn hiếu khí vượt giới hạn cho phép.
 
Nguyên nhân chủ yếu được các cơ quan chức năng xác định là do ý thức chấp hành quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa cao, còn chạy theo lợi nhuận, làm ảnh hưởng tới quyền lợi cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
Tại chợ Hội An cơ quan chức năng đã phát hiện 06 mẫu thủy sản khai thác có kháng sinh cấm Chloramphenicol, 5 mẫu chả có Natri benzo
Tại chợ Hội An cơ quan chức năng đã phát hiện 06 mẫu thủy sản khai thác   có kháng sinh cấm Chloramphenicol, 5 mẫu chả có Natri benzo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho rằng: Trước hết phải đánh giá đúng thực trạng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh. Qua đó mới đưa ra được những giải pháp quyết liệt, căn cơ có tính bền vững, lâu dài góp phần thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2018, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 17/5/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu về an toàn thực phẩm.
 
Thực hiện tháng hành vì ATTP 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, Quảng Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, 80% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về ATTP; tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép dưới 6%... nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng.