Quảng Bình: Dân vùng lũ trồng tre ngăn sạt lở giữ làng

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:30, 29/03/2018

(TN&MT) - Những rặng tre được người dân trồng bao bọc quanh làng giúp giữ đất, chống sạt lở, đặc biệt vào mùa mưa làm giảm tốc độ dòng chảy nước của lũ, hạn chế sự nguy hiểm và thiệt hại về tài sản. Việc trồng trồng tre là cách duy nhất mà người dân vùng trũng xã miền núi Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa trồng từ xưa để chống chọi lại mưa bão, lũ lụt hàng năm.

Văn Hóa là xã miền núi có địa hình trong vùng thấp trũng, do vậy cuộc sống người dân nơi đây luôn phải đối mặt với lũ lụt, sạt lở đất xảy ra hàng năm, khiến cho diện tích đất, tài sản cứ thế cuốn trôi theo dòng Gianh và đe dọa đến tính mạng của họ. Với điều kiện khó khăn người dân đã nghĩ tới việc trồng tre và thật bất ngờ cây tre lại có thể ngăn sạt lở, cản dòng chảy. Lũy tre ngày càng được trồng nhiều hơn, tạo thành lá chắn bao bọc quanh làng.
 

Người dân xã Văn Hóa trồng tre ngăn sạt lở, bão lũ
Người dân xã Văn Hóa trồng tre ngăn sạt lở, bão lũ

Đến với xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa điều đầu tiên khiến chúng tôi không thể rời mắt đó là những rặng tre xanh được bao bọc quanh làng. Những dãy tre trồng sát nhau, tạo thành hàng dài tạo thành một “bức tường xanh”, đặc biệt là dọc bờ sông Gianh. Thấy chúng tôi xuất hiện gần hàng tre ông Trần Văn Luận thôn Hà Thâu, xã Văn Hóa, chia sẻ: “Từ bao đời nay người dân luôn phải sống chung với lũ nên đã trồng rất nhiều tre để ngăn lũ, chống sạt lở, bảo vệ xóm làng. Gần đây nhất là năm 2016, trận lũ kép kinh hoàng làm nước sông Gianh hung dữ cuồn cuộn đổ về từ thượng nguồn. Chính nhờ những lũy tre làng mà bà con chúng tôi còn giữ được đất đai, nhà cửa. Đấy các chú thấy ở trong nhà tôi các cây tre còn nguyên những cây gỗ, rác từ thượng nguồn trôi theo lũ về mắc vào đó. Không có tre chắn chắc nhà tôi và các nhà khác ở đây trôi theo sông nước rồi”
 

Những rặng tre được trồng từ thời xưa đến nay
Những rặng tre được trồng từ thời xưa đến nay

Với diện tích hơn 2.500 ha và trên 3.500 khẩu, nhờ có hàng tre bao bọc, che chắn mà người dân nơi đây yên tâm sinh sống làm ăn hơn. Trải qua hàng trăm năm, những rặng tre được người dân gìn giữ nên ngày càng phát triển. Dọc các đường làng ngõ xóm đều rợp bóng tre, cuộc sống của bà con luôn quây quần bên các lũy tre.
 

Tre được trồng bao bọc quanh làng tạo thành bức tường ngăn thiên tai
Tre được trồng bao bọc quanh làng tạo thành bức tường ngăn thiên tai

Tâm sự với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương thôn Hà Thâu, xã Văn Hóa, cho biết: “Đối với chúng tôi tre giống như người bạn thân thiết, cây tre được bà con trong xã trồng, chăm sóc và bảo vệ rất nghiêm ngặt và xem như là “bức tường tre”để bảo vệ xóm làng. Nhờ những rặng tre mà mùa bão, lũ giúp hạn chế về thiệt hại và cũng an tâm hơn khi mùa bão lũ về, ngoài ra tre cũng cho chúng tôi có một phần thu nhập nho nhỏ khi bán tre già cho các thương lái.”
 

Những khúc gỗ vướng lại bụi tre sau những trận lũ lớn
Những khúc gỗ vướng lại bụi tre sau những trận lũ lớn

Xã Văn Hóa có tất cả 10 thôn, hiện chỉ còn 2 thôn chưa được trồng tre còn lại các thôn khác hầu hết tre đã được trồng bao quang từ bờ sông cho đến đường làng, ngõ xóm. Đây là một vùng đất thường xuyên bị ảnh hưởng do lũ lớn, mưa bão mạnh. Có những năm lũ lớn, không ít nhà cửa, tài sản, vật nuôi của bà con đã bị lũ cướp mất, thậm chí cả tính mạng người. Nên việc trồng tre đã giúp cho bà con hạn chế mất mát về người và tài sản. Đây là mô hình cần được chú trọng đầu tư để có thể phát triển thêm, tạo cho làng một “vỏ bọc thép” mỗi khi mùa lũ ùa về và đây cũng là phương án duy nhất có hiểu quả để ngăn sạt lở, bão lũ.
 

Hiện vẫn còn hơn 2 km chưa thể trồng tre nên tình trạng sạt lở vẫn xảy ra
Hiện vẫn còn hơn 2 km chưa thể trồng tre nên tình trạng sạt lở vẫn xảy ra

Ngoài việc trồng tre, những năm gân đây các bờ kè vẫn được xây dựng nhưng do nước lũ lớn nên các bờ kè này cũng chỉ được một thời gian là bị nước cuốn trôi. Hiện nay xã Văn Hóa, vẫn còn khoảng 2km tại thôn Sơn Hạ chưa trồng tre, cũng như chưa xây dựng được bờ kè nên hàng năm tình trạng sạt lở vẫn diễn ra.
 

Bờ kè được xây dựng nhưng cũng đã có dấu hiệu xuống cấp
Bờ kè được xây dựng nhưng cũng đã có dấu hiệu xuống cấp

Trao đổi với PV, ông Đinh Xuân Thương- Chủ tịch UBND xã Văn Hóa cho biết: “Với địa thế và một bãi bồi bên dòng sông Gianh nên bà con ở làng này luôn hứng chịu những trận lũ lớn. Trồng tre đã trở thành phong trào từ xưa đến nay. Sống chung với lũ bao đời nên người dân đã có truyền thống trồng tre để giữ đất, giữ làng. Tre trồng lên nơi nào tốt thì tỉa bớt để bán, còn nơi nào thưa thì trồng dặm vào. Hiện chúng tôi có giao cho hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội người cao tuổi trồng và chăm sóc những rặng tre. Dịp Tết trồng cây xã cũng huy động bà con trồng mới thêm nên tạo được cho làng một bức tường tre kiên cố để chống lũ, giữ đất cho làng.”
 

Trồng tre ngăn sạt lở, che chắn cho làng mỗi mùa mưa bão là cách hữu hiệu nhất của người dân nơi đây
Trồng tre ngăn sạt lở, che chắn cho làng mỗi mùa mưa bão là cách hữu hiệu nhất của người dân nơi đây

“Về lâu dài xây dựng bờ kè là cần thiết, tuy nhiên, nguồn kinh phí lớn, do đó cần sự quan tâm của ban ngành để xây dựng bờ kè. Còn thời điểm hiện tại phương án trồng tre là hữu hiệu nhất có thể giữ đất, che chắn cho làng và ngăn sạt lở”, ông Thương chia sẻ thêm.