90% người Việt Nam ăn quá mặn, nguy cơ tai biến

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:54, 28/03/2018

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất thêm các chính sách, kế hoạch liên quan đến can thiệp giảm muối như: dán nhãn công bố hàm lượng muối trong thực phẩm; quy định hàm lượng muối tối đa có trong 100g thực phẩm (đối với thực phẩm bao gói sẵn); hạn chế quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm chứa nhiều muối; cung cấp thực phẩm có lợi cho trẻ em, học sinh, sinh viên...
(TN&MT) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo báo chí về truyền thông vận động giảm ăn muối để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và các bệnh không lây nhiễm khác do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 27-3 tại Hà Nội.

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch (như: Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...). Hiện tại ở Việt Nam, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp. Và cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não. 

Thậm chí, ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hoá, đặc biệt là ung thư dạ dày.
 
Toàn cảnh hội thảo diễn ra ngày 27-3
Toàn cảnh hội thảo.
 
WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gram muối/ngày (tương đương một thìa cà phê) để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh không lây nhiễm khác.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra toàn quốc của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vào năm 2015, có tới 90% dân số Việt Nam ăn thừa muối nhưng chỉ 16% trong số đó nhận thức được rằng bản thân có ăn mặn. Trung bình mỗi người dân tiêu thụ khoảng 9,4g muối/ngày (năm 10,5g và nữ 8,3%), cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thêm một điều đáng lo ngại, 70% lượng muối ăn được tiêu thụ ở Việt Nam đến từ các bữa ăn trong gia đình. Còn đối với các loại thực phẩm chế biến sẵn, con số này chỉ ở mức 20%, trái ngược hoàn toàn so với các quốc gia phát triển.

Theo Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 – 2015 đề ra chỉ tiêu là giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày vào năm 2025. Đặc biệt tại các hộ gia đình, người dân nên giảm từ từ lượng muối trong vòng 2 – 3 tuần để chống sốc, dung hoà vị giác, giảm thèm muốn vị mặn.