Vụ cá chết ở Lăng Cô (Thừa Thiên Huế): Hỗ trợ một vụ nuôi cho các hộ dân
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:49, 10/02/2018
Liên quan đến sự việc cá lồng bất ngờ chết hàng loạt tại khu vực đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong thời gian qua mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định hỗ trợ 1 vụ nuôi cho các hộ cá lồng, bè...
Cố gắng hỗ trợ trước Tết cho dân
Ông Hồ Trọng Cầu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Lộc cho hay, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã thành lập các tổ khảo sát, tổ thẩm định để kịp thời tham mưu và sớm phê duyệt phương án hỗ trợ. Qua thống kê, có 157 hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng, với kinh phí hỗ trợ là 7,9 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Phát triển Qũy đất huyện Phú Lộc, mức giá hỗ trợ với lồng lưới (giai) 311.000 đồng/m3 và lồng sắt 1.110.000 lồng/m3. Mức hỗ trợ này dựa trên cơ sở khảo sát thực tế nuôi cá lồng nước lợ tại vùng đầm Lập An của Sở NN&PTNT, với mức thu nhập bình quân cho hai loại lồng nuôi cá. Lồng lưới có giá thấp hơn là do chi phí đầu tư thấp và loại lồng này tận dụng mặt nước nhiều hơn so với lồng sắt.
Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, để đảm bảo tính chính xác, minh bạch, lãnh đạo thị trấn đã phối hợp với các tổ trưởng tổ dân phố tiến hành kiểm tra, thống kê từng hộ dân. Hiện tại danh sách các hộ được hỗ trợ đang được niêm yết công khai tại trụ sở UBND thị trấn. Khi kinh phí được chuyển về thì thị trấn sẽ thông báo người dân đến nhận ngay, dù có cận Tết Nguyên đán.
Đầu tháng 2 vừa qua, lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc đã tổ chức buổi đối thoại với người dân nhằm nghe ý kiến phản hồi từ người dân. UBND huyện đã trao đổi với người dân số tiền này là để hỗ trợ việc ngừng vụ thả nuôi năm 2018. Do đó, nếu hộ nào vẫn tiếp tục nuôi mà có sự cố xảy ra thì phải tự chịu trách nhiệm...
“Hầu hết người dân đồng tình với phương án và mức hỗ trợ. Riêng có một số hộ cho rằng thống kê chưa chính xác thì huyện sẽ thành lập ngay đoàn phúc tra lại, trên tinh thần hỗ trợ đúng, không để người dân chịu thiệt...”, ông Cầu thông tin.
Ông Lê Văn Thọ, một hộ nuôi cá lồng sẽ được nhận hỗ trợ chia sẻ: “Tôi có tất cả 6 lồng cá bằng sắt, mỗi lồng 6m3. Mọi người nhận tiền hỗ trợ như thế nào thì gia đình tôi cũng như thế. Nếu cho người dân chúng tôi nhận trước Tết thì vui hơn”.
Thực hiện nghiêm các quy định về môi trường
Ông Hồ Trọng Cầu thông tin, quá trình thống kê và niêm yết cho đến ngày 6/2 đã hoàn tất, khi chủ đầu tư chuyển tiền sẽ tiến hành chi trả ngay. Trước mắt có 131 hộ thống kê đợt 1 đã đồng ý thì có thể tiến hành chi trả trước. Các hộ có khiếu nại, thắc mắc, nếu quá trình phúc tra chưa kịp thì có thể ra Tết tiến hành hỗ trợ...
Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân cho biết, nhà đầu tư luôn sẵn sàng chuyển tiền khi các thủ tục đã được UBND huyện Phú Lộc triển khai và phê duyệt. Khi huyện gửi công văn lên ban đầu tư thì 1- 2 ngày ban sẽ chuyển tiền để hỗ trợ sớm cho người dân. “Ban đầu tư cũng mong muốn hỗ trợ nhanh, một phần giúp người dân có thêm kinh phí tiêu Tết, một phần muốn sớm nhận mặt bằng để tiếp tục thi công, không ảnh hưởng đến tiến độ”, ông Đức nói.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, huyện yêu cầu chủ đầu tư dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân dù có hỗ trợ cho người dân nhưng đơn vị thi công phải thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trong quá trình thi công dự án. Tích cực phối hợp với Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế và Công nghiệp tỉnh trong việc tăng cường công tác quan trắc môi trường, giám sát thực hiện cam kết môi trường của dự án...
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường trước đó đã phản ánh, từ đầu tháng 10, cá lồng bất ngờ chết hàng loạt tại khu vực cửa biển đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến người dân đứng ngồi không yên, thiệt hại nặng nề...
Có mặt tại hiện trường, PV nhận thấy cá chết trắng xóa khắp mặt nước, bốc mùi, nổi lờ đờ trên và bên trong lồng. Cá chết ở đây là các loại cá có giá trị thương phẩm cao như: cá bớp, cá vẩu, cá hồng đỏ... có giá bán từ 170- 180 nghìn/kg.
Người dân nghi ngờ trong quá trình thi công đường công vụ trên đầm Lập An phục vụ thi công cầu vào hầm Hải Vân (giai đoạn 2), đơn vị thi công đã sử dụng thuốc nổ, chất xika và những chất này chảy ra đầm Lập An. Sau đó, khi thủy triều lên thì các chất này đi vào các lồng cá khiến cá chết...
Sau đó, Sở TN&MT Thừa Thiên Huế đã về lấy mẫu nước. Kết quả phân tích chất lượng nước đầm Lăng Cô, chất lượng nước thải phát sinh từ quá trình thi công hầm cầu đường bộ Hải Vân, tất cả các mẫu nước có các thông số đo đạc đều nằm trong giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước quy định theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngày 15/01/2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý phối hợp UBND huyện Phú Lộc kiểm tra tình hình cá chết, lấy mẫu gửi Chi cục thú y vùng III xét nghiệm tìm nguyên nhân. Một tuần sau, Chi cục thú y vùng III có công văn trả lời kết quả xét nghiệm, khẳng định cá chết không phải do bệnh truyền nhiễm...
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.