Nhịp sống mới sau cơn lũ dữ

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:13, 24/01/2018

(TN&MT) - Hơn 3 tháng đã trôi qua từ sau trận lũ lịch sử tàn phá huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, đời sống người dân đang dần được ổn định trở lại. Nhiều diện tích...
(TN&MT) - Hơn 3 tháng đã trôi qua từ sau trận lũ lịch sử tàn phá huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, đời sống người dân đang dần được ổn định trở lại. Nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được nhân dân khôi phục, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những nếp nhà mới đang được chính quyền và nhân dân nỗ lực xây dựng, đảm bảo cho người dân có nơi ở mới trước Tết Nguyên đán.
Nhịp sống mới sau cơn lũ dữ
Điểm tái định cư bản Sọc, xã Mường Bang, huyện Phù Yên
Tích cực xây dựng các điểm tái định cư
 
Kim Bon là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, cách trung tâm huyện gần 40km. Nơi đây có 2 dân tộc anh em cùng chung sống là dân tộc Mông, Dao. Đợt mưa lũ vừa qua đã gây ảnh hưởng tới 34 ngôi nhà của người dân, trong đó, 10 hộ phải di chuyển khẩn cấp; tổng thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.
 
Ông Bàn Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Kim Bon cho biết: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, xã đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên tham gia ứng cứu, giúp các hộ dân bị ảnh hưởng di chuyển đến nơi an toàn, để ổn định sản xuất và chuẩn bị đón Tết. Hiện đã dựng lại được 9/10 nhà cho 19 hộ phải di dời khẩn cấp. Hệ thống điện, thủy lợi, giao thông, nước sinh hoạt… đã khắc phục được, đảm bảo phục vụ đời sống người dân.
Những nếp nhà sàn đang được tập trung xây dựng, đảm bảo người dân có một nơi ở mới yên ấm đón Tết Nguyên đán
Những nếp nhà sàn đang được tập trung xây dựng, đảm bảo người dân có một nơi ở mới yên ấm đón Tết Nguyên đán
Còn tại Mường Bang, xã bị thiệt hại nặng nhất trong đợt thiên tai vừa qua, với 15 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi hoàn toàn, 61 hộ phải di dời, trong đó 45 hộ phải di dời khẩn cấp. Để bố trí đất ở cho người dân, chính quyền địa phương nơi đây đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân cho nhau mượn đất, nhượng lại đất cho các hộ có nhà bị sập đổ làm lán tạm, đồng thời khẩn trương bố trí điểm tái định cư. Tới nay, đã bố trí, sắp xếp ổn định nơi ở cho 51 hộ xen ghép nội bản và điểm tái định cư, 13 hộ gia cố lại nhà cửa. Còn các hộ chưa dựng xong nhà đang được bố trí ở nhờ nhà họ hàng.
 
Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên thông tin: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, huyện Phù Yên đã kịp thời huy động lực lượng vũ trang huyện tham gia ứng cứu, giúp các hộ bị cuốn trôi dựng nhà tạm ổn định cuộc sống và di dời các ngôi nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng. Kêu gọi toàn thể nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham ra khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên khắc phục thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, thành lập tổ thẩm định, đánh giá mức độ thiệt hại do mưa lũ, tổ chức công khai thiệt hại đến các bản, xã.
Màu xanh đã trở lại trên nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Phù Yên.
Chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng ngô vụ đông tại xã Gia Phù, huyện Phù Yên
Tới nay, sau hơn 3 tháng thiên tai qua đi, 262 nhà đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ. Trong đó, 57 nhà đổ sập cuốn trôi hoàn toàn được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, 205 nhà thuộc diện di chuyển khẩn cấp hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Hiện đã dựng được 139 nhà, đang chuẩn bị dựng 27 nhà, ở lán tạm 47 nhà, đang ở nhờ nhà người thân 32 nhà, chưa di chuyển vẫn ở nhà cũ 17 nhà. Nguyên nhân các hộ chưa dựng được nhà và chưa di chuyển là do một số hộ đi làm ăn xa hoặc ghép ở chung với bố, mẹ đẻ chưa có điều kiện làm nhà ở tại địa phương.
 
Bên cạnh đó, huyện đang tích cực triển khai 3 dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, gồm: bản Sọc, xã Mường Bang; bản Thín, xã Tường Tiến và bản Trùng, bản Bang, xã Mường Bang. Các dự án đã hoàn thành quy hoạch; phê duyệt nhiệm vụ phương án kỹ thuật khảo sát và nhiệm vụ, phương án thiết kế; đang trình thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật; Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đang tiến hành đo đạc, kiểm đếm giải phóng mặt bằng. Tại điểm bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Sọc, xã Mường Bang, 17/44 hộ dân đã tự san ủi mặt bằng và di chuyển đến điểm tái định cư. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị chuyên môn khảo sát, xây dựng tờ trình và trình cấp có thẩm quyền bổ sung thêm 4 điểm tái định cư tập trung sau thiên tai.
 
Màu xanh đã trở lại trên nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Phù Yên.

Tập trung khôi phục sản xuất, ổn định đời sống
 
Song song với công tác xây dựng các điểm tái định cư, công tác khôi phục đồng ruộng cũng được quan tâm thực hiện. Kết quả, đã khôi phục được 90 ha diện tích ruộng bị vùi lấp nhẹ. Hơn 264ha diện tích đất ruộng bị thiệt hại nhân dân đã trồng cây vụ 3 như hành, tỏi, rau, đậu đỗ các loại…
 
Công tác phòng, chống và xử lý dịch bệnh, tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra sau lũ, đặc biệt các bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da… được triển khai kịp thời. Đã tổ chức phun tẩy hóa chất khử khuẩn môi trường, thau rửa giếng nước, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt bằng thuốc Cloramin B được 731 giếng nước, 38 bể chứa nước tập trung và nhiều nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân các xã, thị trấn.
Tiếp tục triển khai thi công các tuyến đường
Tích cực xây dựng kè suối chống sạt lở tại cầu xã Gia Phù
Về hệ thống điện, đa số các xã, bản đã được cấp điện trở lại sau khoảng 1 tuần xảy ra thiên tai. Hệ thống đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi nhanh chóng được khôi phục. Riêng địa phận xã Nam Phong, do đường giao thông bị chia cắt, gây ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển cột, vật tư nên phải đến ngày 20/12/2017, các đơn vị thi công mới vận chuyển cột bằng đường sông để thi công tuyến này. Đến ngày 16/01/2018, 223 hộ dân nơi đây đã được cấp điện trở lại sau hơn 3 tháng mất điện vì mưa lũ.
 
Phù Yên sau cơn lũ dữ, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, cùng sự chung sức, chung lòng của nhân dân, cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Trên những thửa ruộng, màu xanh đang dần phủ kín. Gần 550 hộ dân với hơn 2.400 nhân khẩu thiếu lương thực đã được kịp thời hỗ trợ. Những nếp nhà sàn đang được tập trung xây dựng, đảm bảo người dân có một nơi ở mới yên ấm sau những tháng ngày vất vả.