Điện Biên rét đậm, người dân chủ động bảo vệ đàn gia súc

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:52, 13/01/2018

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, rét đậm rét hại đã xảy ra diện rộng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Khu vực vùng núi cao nhiệt độ xuống thấp từ 2 đến 4 độ C, có khả năng xuất hiện băng giá. Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, người dân đã chủ động các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, vật nuôi.
Điện Biên rét đậm, người dân chủ động bảo vệ đàn gia súc
Đốt lửa sưởi ấm cho vật nuôi và chủ động gia cố chuồng trại đảm bảo chắn gió.

Thời điểm sáng sớm tại các xã biên giới lòng chảo Mường Thanh, huyện Điện Biên như: Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông… nền nhiệt ngoài trời giảm sâu dao động từ 5 đến 7 độ C. Trời buốt lạnh có nhiều sương muối bao phủ. Hoạt động sinh hoạt ngoài trời của người dân đều hạn chế tối đa bởi cái lạnh buốt bao trùm. Tuy nhiên do được dự báo sớm về những ảnh hưởng của khối không khí lạnh tăng cường, nên người dân trên địa bàn đã pháp chủ động phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, giảm thiệt hại có thể gây ra.

Anh Lò Văn Luấn ở bản Phai Đin, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết gia đình có nuôi đàn trâu 4 con. Đây là những tài sản rất lớn và có ý nghĩa với người gia đình nên trong những ngày xảy ra rét đậm, rét hại, gia đình anh chủ động nhốt gia súc lại trong chuồng. Để giữ ấm nhiệt độ cơ thể cho vật nuôi, anh còn dùng quần áo, chăn cũ và bao bì để quấn lên thân trâu giữ ấm và đốt lửa cho trâu sưởi. Đồng thời cũng không quên gia cố lại chuồng trại, phủ thêm bạt, tránh gió lùa, hằng ngày luôn đảm bảo thức ăn đầy đủ cho gia súc không bị đói.

Anh Luấn chia sẻ: “Mấy ngày trước không rét thì cũng đi thả ở rừng, đi chăn ở ngoài đồng. Giờ mấy ngày mưa rét thì đi buộc trâu, phủ bạt, đốt rơm ủ ấm cho trâu, mặc cho nó những cái vỏ bao, quần áo rách quấn cho nó đủ ấm. Cho rơm buộc ở nhà cho nó ăn ở nhà không đi chăn nữa”.

Không chỉ riêng anh Luấn, nhiều hộ dân khác trong bản cũng đã có ý nhận thức thực hiện công việc phòng chống đói, rét cho đàn gia súc từ nhiều ngày trước lúc rét đậm, rét hại xảy ra. Gia đình chị Lò Thị Kim ở Phai Đin, xã Thanh Chăn có nuôi 5 con trâu. Vì gia đình ở gần mé rừng, vào những hôm trời nắng, khô chị hay thả rông trâu lên rừng, ra bãi để khỏi phải tốn công cắt cỏ. Nhưng đợt rét đậm rét hại này, sợ trâu bị chết do lạnh, chị không thả rông gia súc nữa mà luôn cột, nhốt trâu ở chồng trại kín đáo, kiên cố. Chị Lò Thị Kim cho biết: “Rét thì cứ nhốt trong chuồng, nắng lên thì mới đuổi lên rừng đi chăn. Gia đình cũng tích được một ít rơm cho nó ăn mấy hôm. Thỉnh thoảng đi chăn về thì cũng cho một nắm muối pha vào bể nước cho nó uống cho nó ấm người”

Chủ động tích trữ thức ăn cho vật nuôi trong giá rét, người dân Điện Biên đã dần nâng cao nhận thức trong phòng, chống đói rét cho gia súc trước rét đậm rét hại.
Chủ động tích trữ thức ăn cho vật nuôi trong giá rét, người dân Điện Biên đã dần nâng cao nhận thức trong phòng, chống đói rét cho gia súc trước rét đậm rét hại.

Trao đổi với ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết, hiện xã có gần 1.000 con gia súc, trâu, bò. Trước diễn biến của thời tiết cực đoan, chính quyền xã đã chỉ đạo các thôn bản tuyên truyền với người dân không chăn thả gia súc trong thời tiết rét đậm, rét hại. Hướng dẫn người dân các biện pháp che chắn, vệ sinh chuồng trại đảm bảo đủ ấm, tích trữ thức ăn khô và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi.

Ông Tiệp nhấn mạnh: Trong đợt rét đậm này, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền và vận động người dân luôn luôn phải đảm bảo giữ sức khỏe khi tham gia sản xuất. Những ngày thời tiết xuống quá thấp cũng không nên ra đồng sản xuất. Đối với đàn gia súc thì không nên chăn thả và phải có kế hoạch giữ ấm cho đàn gia súc tại gia đình.

Hiện tại, tổng đàn gia súc của tỉnh Điện Biên đạt hơn 580.000 con. Để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Điện Biên cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh, thông tin kịp thời để người dân, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa chủ động phòng tránh. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Điện Biên thì hiện nay phần lớn các hộ chăn nuôi đều đã nâng cao nhận thức trong dự trữ thức ăn, chủ động các biện pháp chống rét cho vật nuôi khi có rét đậm rét hại xảy ra. Tuy nhiên để công tác phòng, chống rét cho gia súc đảm bảo hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn sẽ tích cực cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét ở các địa phương. Đồng thời giao trách nhiệm cho chính quyền xã và người đứng đầu thôn bản bám sát địa bàn, chủ động các phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân khi xảy ra rét đậm rét hại kéo dài.