Đẩy mạnh truyền thông y tế và dân số trong giai đoạn mới

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:24, 30/12/2017

(TN&MT) - Ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; công tác dân số trong tình hình mới. Hội nghị đã đưa ra những định hướng đối với báo chí trong cách tiếp cận lĩnh vực y tế, dân số.

Hội nghị đã tập trung phổ biến 2 Nghị quyết 20-NQ/TW và 21-NQ/TW được ban hành tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác dân số trong tình hình mới, nhằm tập trung làm sáng tỏ những nội dung mới về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác dân số trong tình hình mới, trong đó nêu bật thực trạng truyền thông về công tác y tế và dân số trong thời gian qua.

Việt Nam đang nỗ lực đảm bảo quy mô dân số 104 triệu người đến 2030
Việt Nam đang nỗ lực đảm bảo quy mô dân số 104 triệu người đến 2030

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, Bộ xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về y tế; tuyên truyền, vận động toàn xã hội cùng chung tay, tạo sự thống nhất, đồng thuận vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số trong tình hình mới là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đề nghị Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về báo chí (Cục Báo chí, Cục Thông tin cơ sở, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục thông tin đối ngoại...) cần quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết 20-NQ/TW và 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương để tham mưu, quản lý, định hướng công tác tuyên truyền có hiệu quả cao nhất. Các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền về công tác y tế, dân số, kịp thời, chính xác, đặc biệt khi có những vấn đề ảnh hưởng rộng đến sức khỏe cộng đồng. Đội ngũ phóng viên thực hiện công tác tuyên truyền về y tế, dân số, ngoài đạo đức nghề nghiệp, cần nâng cao các kiến thức về y tế để thực hiện việc tuyên truyền chính xác, trung thực, phù hợp, tránh gây hiểu nhầm tạo dư luận không tốt trong xã hội, thậm chí gây kích động dân chúng.

Việc quán triệt các Nghị quyết cũng nhằm xây dựng chương trình truyền thông phù hợp theo vùng miền, địa phương; mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thông tin và truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân với quan điểm “Sức khỏe cho mọi người” và “Mọi người vì sức khỏe”; tăng cường thông tin và truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân về lối sống, hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe, giúp người dân có các kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh tật, có lối sống lành mạnh, tự rèn luyện để giữ gìn và nâng cao sức khỏe...
 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân chia sẻ, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ 10 năm trước, số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người không trong độ tuổi lao động. Để tận dụng được thế mạnh này, cần phải nâng cao chất lượng dân số theo hướng tăng thể lực, thể chất, nâng cao trình độ tay của lực lượng lao động và tạo ra nhiều việc làm. Có như vậy, gia tăng dân số mới không trở thành gánh nặng của xã hội.

Ông Tân khẳng định, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương có tính chất bước ngoặt, đưa chính sách dân số sang một trang phát triển mới. Việc tuyên truyền, vận động về công tác dân số được đổi mới toàn diện về nội dung và phương pháp. Sự thay đổi cần được thực hiện trước tiên trong đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển.