Hộ kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm mới được ´Gia đình văn hóa´
Sức khỏe - Ngày đăng : 00:00, 08/01/2017
"Hộ nông dân, hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải là hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn mới được công nhận là gia đình văn hóa".
“Hộ nông dân, hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải là hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn mới được công nhận là gia đình văn hóa”.
Đó là một trong những nội dung chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 giữa UBND TP.HCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc tổ chức thực hiện chương trình phối hợp là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của MTTQ, các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ TP.HCM và UBND các cấp, các ngành chức năng.
Kinh doanh thực phẩm an toàn mới được công nhận gia đình văn hóa. Ảnh: TRẦN NGỌC |
“Chương trình phối hợp còn nhằm mục đích vận động toàn dân thực hiện công tác ATVSTP. Trong đó đề cao lương tâm và trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP” - bà Thu cho biết.
Cũng theo bà Thu, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cung cấp tài liệu và hỗ trợ điều kiện kỹ thuật cho UBND quận/huyện, phường/xã/thị trấn. Mục đích để UBND quận/huyện, phường/xã/thị trấn xây dựng, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký và cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết Ủy ban MTTQ Việt Nam TP hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam quận/huyện, phường/xã/thị trấn chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị-xã hội. Mục đích phối hợp vận động các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm xây dựng nếp văn minh, đạo đức trong sản xuất và kinh doanh.
Theo Pháp luật TPHCM