Tôm hùm, cá mú nuôi chết hàng loạt: Hệ lụy từ vùng nuôi quá tải

Sức khỏe - Ngày đăng : 00:00, 15/06/2016

“Quan trọng nhất hiện nay là kiên quyết quy hoạch lại vùng nuôi hải sản đang quá tải dày đặc lồng bè, nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, hạn chế những đợt “chết trắng” như hiện nay. Thế nhưng Phú Yên đang thiếu trầm trọng vùng mặt nước nuôi hải sản, lấy đâu nơi dời giãn bè nuôi” - đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết.

Tảo nở hoa hay thủy triều đỏ?

Ngày 14.6, ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên cho biết, trong hai ngày 11- 12.6, tại khu vực biển Bãi Đồng (thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, Sông Cầu), tôm hùm và cá mú nuôi đã bị chết hàng loạt. Tỉ lệ chết lên đến 60 - 70% số lượng nuôi trong lồng; đặc biệt, một số lồng có tỉ lệ chết đến 90-100%. Thống kê đến ngày 13.6, có khoảng 34 hộ nuôi bị thiệt hại với tổng số tôm hùm chết trên 7,4 tấn (9.000 con) và 600kg cá mú (900 con); ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong đó, người dân địa phương đã khẩn trương bán tôm cá chết với giá rẻ, thu hồi được một phần vốn.

Theo nhận định ban đầu của các nhà chuyên môn, khu vực nuôi trên có mật độ lồng nuôi dày, thức ăn cho tôm hùm là thức ăn tươi, đồng thời những ngày gần đây thời tiết nắng nóng bất thường khiến hàm lượng dinh dưỡng trong nước cao dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa (thủy triều đỏ) gây độc và làm tăng hàm lượng NH3, thiếu oxy cục bộ dẫn đến tôm bị ngạt, chết hàng loạt.  

Người dân Thị xã Sông Cầu kiểm tra sức khỏe tôm và lựa tôm chết để bán
Người dân Thị xã Sông Cầu kiểm tra sức khỏe tôm và lựa tôm chết để bán

Theo ông Nguyễn Minh Phát - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, các vùng nuôi hải sản ở Sông Cầu hiện có mật độ lồng bè quá dày, thức ăn tươi lưu cữu dày tầng đáy, tạo điều kiện cho các loài tảo độc phát triển, nở hoa với số lượng nhanh làm chuyển màu nước; khi bị sóng đưa lan rộng gọi là thủy triều đỏ. Tại Sông Cầu, các nhà chuyên môn đang nghiên về nhận định, hải sản chết ngạt hàng loạt do tảo nở hoa làm tăng lượng khí độc, thiếu oxy. Ngư dân ở đây chủ yếu đang sử dụng lồng găm (cách mặt nước 10 - 20cm), khi được hướng dẫn nuôi theo kiểu lồng nổi (cách mặt nước 1,5 - 2m) thì đã giảm hẳn việc hải sản nuôi bị chết. “Tuy nhiên, lúc lấy mẫu kiểm nghiệm, dòng nước chuyển động thay đổi nên có thể kết quả lại khác. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ kết quả kiểm nghiệm, mới có thể kết luận chính thức về vụ hải sản chết này. Trước mắt, chúng tôi quyết tâm vận động, hướng dẫn người dân nuôi hải sản theo kiểu lồng nổi để đảm bảo hiệu quả sản xuất” - ông Phát nói. 

Gia hạn và giãn nợ  cho ngư dân

Tại vùng nuôi Xuân Phương (Sông Cầu), bà Hồ Thị Hà cho biết: “Gia đình tôi thả nuôi 1.000 con tôm hùm, giờ bị chết sạch lồng. Số tôm này, nếu không chết thì bán khoảng 450 triệu đồng, giờ chỉ bán vớt chưa đến 100 triệu đồng. Hàng trăm triệu đồng giống, thức ăn, công xá đã đổ vào tôm hùm; riêng vốn vay ngân hàng để bỏ vào đợt tôm này đã trên 100 triệu đồng. Giờ không còn gì hết, không biết cách nào để trả nợ nần đây...!?”.

Ông Tô Thanh Hóa - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT (Agribank) Sông Cầu cho hay, đơn vị đang khẩn trương thống kê, đánh giá thiệt hại của các hộ nuôi có vay vốn ngân hàng. Hiện, đơn vị chỉ được phép tham mưu gia hạn, giãn thời gian trả nợ của các hộ vay; riêng các hỗ trợ khác cho các trường hợp sản xuất rủi ro, đơn vị đang tham mưu để thực hiện theo quy định hiện hành.

 Còn theo một đại diện Sở NNPTNT Phú Yên, ngành đã đề xuất các cấp thẩm quyền khẩn trương có chính sách hỗ trợ cụ thể, hiệu quả trước thiệt hại quá lớn của người nuôi hải sản tại Sông Cầu. Tuy nhiên, một số cán bộ ngành nông nghiệp cho hay: Dân nuôi tôm hùm, cá mú đều là người giàu; bản thân những người này cũng không có đóng góp đáng kể cho địa phương nên… rất khó thực hiện hỗ trợ. Quan trọng nhất hiện nay là kiên quyết quy hoạch lại vùng nuôi hải sản đang quá tải dày đặc lồng bè, nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, hạn chế những đợt “chết trắng” như hiện nay. Thế nhưng Phú Yên đang thiếu trầm trọng vùng mặt nước nuôi hải sản.

Theo Dân Việt