Bình Định: Bến cá vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng không hoạt động

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:33, 18/07/2019

(TN&MT) - Đầu năm 2019, bến cá Tân Phụng, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) được bàn giao, đưa vào sử dụng. Thế nhưng nhiều tháng nay, bến cá này rơi vào cảnh “vườn không nhà trống” do ngư dân không đưa hàng hóa vào hoạt động. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho dự án này lên tới hàng chục tỷ đồng, gây lãng phí.  
41
Bến cá Tân Phụng đưa vào sử dụng nhiều tháng nay, nhưng không hoạt động

“Vườn không nhà trống”

Có mặt tại Bến cá Tân Phụng vào những ngày giữa tháng 7/2019, chúng tôi ghi nhận bến cá này được xây dựng rất khang trang, với nhiều hạng mục như: hệ thống cấp thoát nước; điện; trạm xử lý nước thải; đường giao thông nội bộ; nhà điều hành; nhà phân loại sản phẩm,… 

Công trình đồ sộ là vậy nhưng lâm vào cảnh trống vắng, bên trong bến chỉ có một nhân viên làm nhiệm vụ trông coi, giữ gìn tài sản vừa được đầu tư. Đường giao thông nội bộ, nhà phân loại sản phẩm trở thành nơi tập kết lưới, rác thải, bao bì ni lông thay vì là điểm phân loại, mua bán sản phẩm. Mặt sàn nhà phân loại sản phẩm bắt đầu xuất hiện các vết rạn nứt. Bến cá do không hoạt động nên trở thành điểm tụ tập ăn nhậu, ca hát của nhiều đối tượng. Một số thanh niên ở địa phương còn lẻn vào bên trong bến cá để hút cỏ rồi gây gỗ đánh nhau. 

Một bến cá bề thế, nhưng không hoạt động?. Câu hỏi này được PV đặt ra và lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều ngư dân. Bà Huỳnh Thị Hằng ở thôn Tân Phụng 1, xã Mỹ Thọ, chỉ rõ: “Bến cá Tân Phụng xây dựng ở vị trí không phù hợp với đặc điểm địa lý vùng bãi ngang như xã Mỹ Thọ. Hệ thống bậc tam cấp bến cá quá cao và xa so với vị trí tàu, thuyền neo đậu”.

42
Nhà phân loại sản phẩm thành điểm tập kết lưới, rác thảii

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Lựu, một chủ ghe ở thôn Tân Phụng 1, nêu quan điểm: “Bậc tam cấp đã cao, nhưng bố trí có một máy tời kéo. Trong khi đó, ở làng chài Tân Phụng có đến hàng chục chiếc ghe, chưa kể tàu cá công suất lớn. Sản phẩm chắc chắn sẽ bị dồn ứ, ngư dân mất thời gian vận chuyển hải sản mỗi khi tàu cập bến. Chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng, chưa kể thời gian vận chuyển sản phẩm tới chợ vì thế cũng muộn hơn… Thiệt hại khi đó sẽ rất lớn”.  

Ngoài bất cập trên, ngư dân ở địa phương còn cho rằng: Bến cá xây dựng ở nơi lộng gió. Tàu thuyền nếu neo đậu phía trước bến cá dễ xảy ra va đập do sóng lớn, đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 12. Chưa kể, khoảng cách mặt nước tàu, thuyền có thể neo đậu tới bờ biển và bến cá khá xa, nhưng không có cầu cảng. 

Cần khắc phục, tránh gây lãng phí

Ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, khẳng định: “Việc đầu tư xây dựng Bến cá Tân Phụng tạo đầu mối tiếp nhận, tiêu thụ sản phẩm thủy sản và cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân địa phương là cần thiết. Về việc bến cá xây dựng xong, nhưng chưa đi vào hoạt động thì trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư (Sở NN&PTNT Bình Định - PV)”.

Về thông tin một số người dân tụ tập ăn nhậu trong khuôn viên Bến cá Tân Phụng, vị Chủ tịch xã Mỹ Thọ, thừa nhận là có, song chủ yếu là những người đi tắm biển (!?). Cử tri địa phương, phản bác khi cho rằng tình trạng này diễn ra khá thường xuyên, chủ yếu là các thanh niên đi biển. 

43
Bậc tam cấp bến cá được thiết kế quá cao và xa với nơi neo đậu tàu cá

Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định (đơn vị quản lý Bến cá Tân Phụng), lý giải tình cảnh Bến cá Tân Phụng rơi vào cảnh “đìu hiu”: Ở vùng biển Tân Phụng hiện có khoảng 40 chiếc ghe đánh bắt ven bờ. Sản lượng khai thác mỗi chuyến đạt thấp nên ngư dân chủ yếu dùng xe máy để vận chuyển đến nơi tiêu thụ thay vì đưa hàng hóa vào bến mới. Hơn nữa, Bến cá Tân Phụng trước đây xây dựng hướng tới phục vụ cho các đội tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn huyện Phù Mỹ nói chung và thôn Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành) nói riêng. Tuy nhiên hiện nay, các tàu này về cập tại Cảng Đề Gi (huyện Phù Cát) để bán sản phẩm hoặc lấy tổn phục vụ khai thác là chủ yếu. Trong thời gian chờ bến cá đi vào hoạt động, ban đã bố trí người trông coi, bảo vệ tài sản.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết thêm: Thói quen tập kết, bán sản phẩm tại bến cũ (bờ biển thôn Tân Phụng 1 - PV) của ngư dân vẫn chưa thay đổi. Hiện nay, Sở đã chỉ đạo Ban quản lý cảng cá Bình Định vận động, giải thích cho ngư dân điểm thuận lợi khi đưa sản phẩm hàng hóa vào bến cá Tân Phụng, đồng thời có những ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khi đưa sản phẩm vào bến cá. 

“Về những bất cập, hạn chế xảy ra tại Bến cá Tân Phụng được ngư dân trao đổi, tôi ghi nhận và sẽ trực tiếp đi kiểm tra để sớm hướng khắc phục. Riêng các hoạt động tự phát của ngư dân gây mất ANTT trong và ngoài Bến cá Tân Phụng, Sở sẽ chỉ đạo đơn vị quản lý bến cá phối hợp lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương kiểm tra, chấn chỉnh”, ông Hổ nhấn mạnh. 

Bến cá Tân Phụng là công trình thuộc Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững do Ngân hàng thế giới tài trợ. Công trình có vốn đầu tư hơn 26 tỉ đồng, do Sở NN&PTNT Bình Định làm chủ đầu tư. Công trình thi công vào năm 2017 đến cuối năm 2018 hoàn thành; đầu 2019 bàn giao và đưa vào sử dụng.