Phế thải “bức tử” sông Hồng: Cơ quan chức năng lặng thinh?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 15:17, 20/12/2018
Có mặt tại khu vực người dân phản ánh, chúng tôi nhận thấy, tại các khu vực tiếp giáp với cầu cảng, nơi các doanh nghiệp, tư nhân thuê làm kho bãi, tình trạng nhiều bãi phế thải, vật liệu xây dựng với khối lượng lớn lấn ra lòng sông Hồng diễn ra tràn lan và kéo dài. Đặc biệt, các xe tải chở đất, cát... thường tranh thủ lúc vắng người vào ban đêm, để đổ phế thải, vật liệu xây dựng xuống sông.
Qua quan sát, hiện trạng phế thải, vật liệu xây dựng ngang nhiên được đổ ra đây với diện tích lên tới hàng chục mét vuông. Để bảo vệ mặt bằng khu vực đổ phế thải đã lấn chiếm sông Hồng, tại đây, các đối tượng còn cho thiết lập một hàng rào bằng các gỗ ngăn với khu vực bãi rửa xe Gara ô tô Hưng Phát. Thậm chí, mở cả hai bên cánh cửa thông với Gara rửa xe để thuận tiện cho vận chuyển, cũng như chuyên chở dễ dàng các loại phế thải, vật liệu xây dựng...
Tình trạng đổ phế thải, vật liệu xây dựng không chỉ tập kết ở một điểm nói trên mà còn diễn ra ở nhiều điểm khác. Các bãi tập kết này đều có điểm chung là khối lượng lớn lên tới hàng trăm, hàng nghìn tấn phế thải, vật liệu xây dựng. Thậm chí, nhiều nơi trong địa phận thuộc Cảng Hà Nội, cây cối dọc theo bờ sông Hồng cũng được chặt phá để… nhường chỗ cho phế thải, vật liệu xây dựng tập kết.
Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Đức - Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: “Sau khi nhận được thông tin của Báo Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo UBND quận đã giao UBND phường Thanh Lương tiếp, trả lời và cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết về trách nhiệm của đơn vị quản lý để xảy ra tình trạng ngang nhiên tập kết phế thải lấn chiếm sông Hồng”.
Tuy vậy, tại buổi làm việc giữa nhóm PV với bà Lê Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương, bà Thảo chỉ cung cấp một số thông tin bằng miệng về việc cơ quan chịu trách nhiệm chính dọc theo bờ sông Hồng, địa phận thuộc phường Thanh Lương là của Cảng Hà Nội. Mặc dù, theo bà Thảo, để làm rõ thêm trách nhiệm quản lý này, UBND phường Thanh Lương đã có văn bản làm việc cụ thể với đại diện lãnh đạo Cảng Hà Nội, nhưng khi PV đề nghị được xem các văn bản trên, bà Thảo không thể cung cấp.
Đối với đơn vị Cảng Hà Nội, sau một thời gian liên tục khất lần, khất lượt với nhóm phóng viên, đến nay, Cảng Hà Nội gần như không có bất cứ động thái nào trong việc phản hồi thông tin về việc phế thải ngang nhiên được đổ ra sông Hồng ngay trên địa bàn do mình quản lý.
Trước hoạt động ngang nhiên của Cảng Hà Nội, cũng như sự đùn đẩy trách nhiệm xử lý sai phạm trên giữa UBND quận Hai Bà Trưng và UBND phường Thanh Lương, dư luận không khỏi nghi ngờ về vai trò của các cơ quan chức năng?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.