Nghệ An: Chậm triển khai dự án cấp bách, dân thường xuyên bị lũ cô lập

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 15:27, 15/08/2018

(TN&MT) - Cầu tràn tại ngã 3 bản Muồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An) là con đường độc đạo duy nhất đi vào xã Nậm Giải nhưng cây cầu tràn nhưng đã bị xuống cấp trầm trọng, cứ mưa là cô lập gần 500 hộ dân 2 xã vùng cao Châu Kim, Nậm Giải.

Cầu tràn thuộc ngã 3 bản Muồng, xã Châu Kim từ trước đến nay vốn đã bị hư hỏng do lũ ống, lũ quét. Đợt mưa lũ tháng 7/2018 vừa qua, chiếc cầu lại bị ảnh hưởng cơn bão số 3 cùng áp thấp nhiệt đới nên hỏng trầm trọng hơn.

Chị Kim Thị Quế, ở xã Châu Kim, cho biết: “Cây cầu tràn này rất quan trọng đối với người dân chúng tôi, đây là con đường độc đạo lưu thông đi lại của hàng trăm hộ dân nhưng qua các đợt mưa lũ đã bị hư hỏng. Có lụt là coi như bị chia cắt”.

Cây cầu tràn Châu Kim – Nậm Giải hư hỏng nghiêm trọng
Cây cầu tràn Châu Kim – Nậm Giải hư hỏng nghiêm trọng
Ông Lương Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Châu Kim, huyện Quế Phong, cho hay: “Trên địa bàn xã, nhiều năm nay, người dân phàn nàn về tình trạng xuống cấp của cầu tràn Châu Kim. Cụ thể, cứ mưa xuống là chiếc cầu tràn này bị ngập nước sâu khoảng 1,5m đến 2m, khiến người dân xã chúng tôi không thể đi lại được. Nước sâu quá, lại chảy xiết rất nguy hiểm đến tính mạng người dân chúng tôi khi đi qua khu vực này”.

“Vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 3, nước mưa từ thượng nguồn đổ về khiến cho hơn 20 hộ dân, 100 nhân khẩu thuộc bản Muồng cô lập, ngập nước. Người dân sống rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề...” - Ông Sơn cho biết thêm.

Nằm chênh vênh bên dòng suối, cứ mưa xuống là cô lập hàng trăm hộ dân
Nằm chênh vênh bên dòng suối, cứ mưa xuống là cô lập hàng trăm hộ dân
 

Còn ông Sầm Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, cho hay: “Từ xưa đến nay, để đi vào xã, duy nhất chỉ có con đường qua cây cầu tràn bản Muồng này. Tuy nhiên, lâu nay chiếc cầu tràn này đã xuống cấp nghiêm trọng, bình thường người dân chỉ lưu thông được bằng xe máy và xe đạp chứ các phương tiện cơ giới thì không thể lưu thông qua đây được. Tôi nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng chưa thấy có động thái gì. Cả xã chúng tôi có 8 bản, 467 hộ với 2.007 nhân khẩu. Người dân xã chúng tôi chủ yếu làm nông nghiệp. Từ cầu tràn bản Muồng, xã Châu Kim đến trung tâm xã Nậm Giải của chúng tôi dài 14km. Nhưng cứ hễ mưa xuống là cả xã bị cô lập không thể đi đâu được".

"Trong đợt mưa lũ vừa qua, người dân xã tôi bị nước lũ cô lập đến 4 ngày. Cuộc sống bà con đã khó khăn, khi bị cô lập thì càng khó khăn hơn. Đặc biêt, cứ vào mùa mưa lũ là cả người dân, giáo viên và học sinh cũng đi lại vất vả. Mong sao cấp trên quan tâm đầu tư, sửa chữa cây cầu để việc giao thương đi lại của người dân được cải thiện hơn” - ông Thành kiến nghị.

Được biết, ngày 20/12/2017, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 6152/QĐ-UBND cho phép lập dự án “Đầu tư xây dựng cấp bách cầu tràn liên hợp trên tuyến đường Châu Kim - Nậm Giải”, huyện Quế Phong. Dự án trên với tổng mức đầu tư 4 tỷ đồng, do nguồn vốn ngân sách tỉnh và huy đồng nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án trên là năm 2017-2018, do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư.

Biển cánh báo nguy hiểm ngay đầu đường đi vào xã Nậm Giải
Biển cánh báo nguy hiểm ngay đầu đường đi vào xã Nậm Giải
Sau khi có Quyết định cho phép lập dự án, ngày 18/5/2018, Sở Giao thông và Vận tải Nghệ An đã đi khảo sát, thẩm định. Đồng thời, ra thông báo kết quả về báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án: “Đầu tư xây dựng cấp bách cầu tràn liên hợp trên tuyến đường Châu Kim - Nậm Giải” và có kết luận dự án trên đủ điều kiện để trình phê duyêt.

Đến ngày 18/7/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An có ý kiến ra soát sự phụ hợp với chủ trương đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn dự án cấp bách cầu tràn liên hợp trên tuyến đường Châu Kim- Nậm Giải. Đồng thời chập thuận yêu cầu trên và yêu cầu UBND huyện Quế Phong lấy ý kiến của Sở Tài chính về vấn đề này.

Tuy nhiên, đã gần 1 năm sau khi có Quyết định số 6152/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An thì đến nay vẫn chưa có nguồn vốn để thực hiện dự án cấp bách này.

Việc một dự án cấp bách đi vào chậm trễ trong quá trình đầu tư như đã phản ánh ở trên đã khiến cho hàng trăm hộ dân vẫn thấp thỏm chờ đợi.  Và, khi mùa mưa lũ đến thì tình trạng bị lũ cô lập thường xuyên của người dân là điều khó tránh khỏi.