Hàng loạt hãng Taxi vi phạm Luật Lao động - Bài 1: "Cựu'' anh em nhà Mai Linh nợ bảo hiểm xã hội tiền tỉ
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:30, 05/01/2018
Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội vừa công bố danh sách 500 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH lớn từ 6 tháng trở lên (tính đến hết tháng 11/2017). Đáng chú ý, trong danh sách ''đen'' có cả doanh nghiệp kinh doanh ngành vận tải và đã từng hợp tác kinh doanh với nhau là Công ty CP Mai Linh Đông Đô và Công ty CP Mai Linh miền Bắc.
Chiếu theo số liệu Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội công bố, Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc với số nợ hơn 4 tỷ đồng của 451 lao động trong 6 tháng. Trong khi đó, người từng là ''anh em'' với Mai Linh miền Bắc là Công ty cổ phần Mai Linh Đông Đô cũng nợ với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng của 333 lao động.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty cổ phần Mai Linh Đông Đô được thành lập bởi ông Hồ Chương hoạt động trong lĩnh vực taxi và vận tải. Trong khi đó, Công ty CP Mai Linh miền Bắc (thuộc Tập đoàn Mai Linh) hiện do ông Hồ Huy (anh trai ông Hồ Chương) làm Chủ tịch HĐQT và cũng hoạt động trong lĩnh vực taxi và vận tải.Từ năm 1998, Công ty cổ phần Mai Linh miền Bắc và Công ty cổ phần Mai Linh Đông Đô (gọi tắt là Đông Đô) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, đến tháng 07/2016, do một số khúc mắc nên HĐQT Công ty cổ phần Mai Linh miền Bắc đã có nghị quyết về việc thực hiện chia tách Đông Đô ra khỏi hệ thống Mai Linh.
Cuối cùng, đến 13/01/2017, Công ty cổ phần Mai Linh Đông Đô chính thức tách khỏi Công ty Mai Linh miền Bắc và hoạt động độc lập với thương hiệu Open99 Taxi.
Theo đánh giá, việc Công ty CP Mai Linh Đông Đô và Công ty CP Mai Linh miền Bắc nợ BHXH là đang xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.Nhận định về góc độ pháp lý liên quan đến việc này, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, xét về góc độ luật pháp, pháp nhân thương mại có hành vi không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động với mức định lượng vi phạm về thời gian là 06 tháng trở lên và “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thì đã có dấu hiệu cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo Luật sư Diện, trường hợp Công ty cổ phần Mai Linh Đông Đô mặc dù đã nợ 3,9 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của 333 người lao động, tính đến 30/11/2017 với thời gian nợ đã là 7 tháng, nhưng công ty này đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này hay chưa và cần phải làm rõ. Do đó, công ty chưa bị xem xét, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, theo Luật sư Diện, xét mức độ vi phạm là nghiêm trọng, các cơ quan chức năng như thanh tra cần thiết phải vào cuộc xác minh, điều tra và cần có quyết định xử lý buộc đơn vị này phải nộp BHXH, BHYT cho người lao động và nộp phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi nợ bảo hiểm mà công ty vẫn còn tái phạm thì căn cứ vào Điều 216, công ty sẽ bị xử lý theo mức xử phạt đối với pháp nhân thương mại tại điểm c, khoản 5 Điều này, với số tiền là 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của công ty còn có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều này: ''Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm''.
Trong trường hợp pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 216 BLHS, đối với hình phạt xử phạt vi phạm hành chính thì Công ty Cổ phần Mai Linh Đông Đô phải dùng tài sản của công ty để chấp hành hình phạt. Đối với hình phạt tù (nếu có) thì người phạm tội phải chấp hành hình phạt đó.
Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.