Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai ra "tối hậu thư" vụ dân không có đất nhưng vẫn được cấp "sổ đỏ"
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 15/12/2017
(TN&MT) – Như Báo TN&MT (đã phản ánh ngày 13/12) về việc có gần 100 hộ dân làng tái định cư làng Ia Bia (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) có “sổ đỏ” nhưng không có đất sản xuất, ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai dẫn đầu đoàn công tác đã trực tiếp xuống cơ sở và có buổi làm việc với UBND huyện Chư Pưh và chỉ đạo “Đến cuối tháng 3/2018, UBND huyện Chư Pưh phải giao đất cho các hộ dân ở làng Ia Bia để tiến hành sản xuất…”.
Việc hàng chục hộ dân có “sổ đỏ”…mà không có đất sản xuất. Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Dương Văn Trang đã cùng đoàn công tác đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại làng Ia Bia, xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Đồng thời tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của dân làng.
Theo ông Rmah Chik-Thôn trưởng làng Ia Bia, xã Ia Le cho biết: “Hiện toàn làng đã có hơn 70 hộ được cấp sổ đỏ đất sản xuất nhưng 100% không được sản xuất trên diện tích này vì đất đang tranh chấp, người dân không giám vào làm. Ngoài ra, hiện dân làng không có nước sinh hoạt để dùng, dân làng phải mua nước bình hoặc đi về làng cũ lấy nước dùng vì nguồn nước từ 2 giếng khoan của dự án bị nhiễm phèn, vôi không dùng được”.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang (đứng giữa) trực tiếp xuống làng Ia Bia nắm và chỉ đạo tình hình |
Ông Chik cũng cho biết thêm, đời sống của người dân từ khi chuyền về nơi ở mới còn gặp nhiều khó khăn, toàn làng có khoảng 70% hộ nghèo và cận nghèo. Thu nhập người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng đất sản xuất thì không có, dân làng mong muốn thời gian tới nhà nước cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này để bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh đã nhận khuyến điểm trước đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác vì chưa giải quyết tốt việc cấp đất sản xuất cho 98 hộ dân ở làng tái định cư Ia Bia. Tuy nhiên, theo ông Thái, trong quá trình triển khai cấp đất sản xuất cho 98 hộ dân ở làng Ia Bia thì huyện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do phần lấn diện tích đất sản xuất trong vùng dự án đã bị người dân xâm chiếm sản xuất từ nhiều năm nay.
Qua điều tra, xác minh thực tế có 20 hộ dân đang xâm canh với diện tích 85 ha, trong đó, có 18 ha cây điều, 4 ha cây cao su, cây hồ tiêu 0,8 ha, cây ăn quả 0,4 ha, còn lại là cây trồng hàng năm.
Huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân đang xâm canh trên diện tích này trả đất lại cho người dân làng tái định cư Ia Bia. Tuy nhiên, các hộ này yêu cầu phải bồi thường các cây công nghiệp dài ngày và hỗ trợ công khai hoang thì họ mới đồng ý giao đất nhưng hiện huyện không đủ nguồn kinh phí để thực hiện. Theo đó, tổng kinh phí để hỗ trợ khai hoang và đền bù cây công nghiệp dài ngày cho các hộ dân này là gần 3 tỷ đồng (trong đó, kinh hỗ trợ khai hoang trên 1,8 tỷ đồng, hỗ trợ bồi thường cây công nghiệp lâu năm là gần 1,2 tỷ đồng).
Người dân có "sổ đỏ" nhưng không có đất sản xuất |
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị, huyện cần đi kiểm tra, rà soát lại chính xác lại toàn bộ diện tích này, công khoang hoang là bao nhiêu, hỗ trợ đền bù cây hoa màu trên diện tích là bao nhiêu, từ đó trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí. Đồng thời, huyện cũng cần xem xét số hộ dân xâm chiếm, xem ngoài diện tích đất xâm chiếm họ còn đất sản xuất nào khác không nhằm tránh trường hợp khi thu hồi lại xảy ra tình các hộ dân này thiếu đất sản xuất, huyện lại phải đi xử lý. Còn vấn đề giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, thì huyện cần chủ động khảo sát, tìm nguồn nước để khoang lấy nước về cho dân sử dụng, nếu trường hợp vượt khả năng của huyện thì huyện báo cáo tỉnh để xem xét hỗ trợ...
Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của UBND huyện Chư Pưh và một số sở, ngành, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Dương Văn Trang yêu cầu huyện, các phòng ban liên quan, xã Ia Le phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm về việc chưa có đất mà lại cấp bìa đỏ cho các hộ dân.
Giao cho xã, huyện, các ngành của huyện làm việc lại, kiểm tra lại lần cuối cùng, trong 20 hộ xâm chiếm này có bao nhiêu hộ thiếu đất sản xuất từ đó giao lại hạn điền cho họ, phần diện tích còn lại thì đền bù để thu hồi giao cho các hộ dân Ia Bia. Đến cuối tháng 3/2018 huyện phải hỗ trợ cho các hộ dân xâm chiếm và giao đất cho các hộ dân ở làng Ia Bia để tiến hành sản xuất. Ngoài ra, huyện, xã cần phải rà soát, tìm nguồn nước để giải quyết nước uống cho người dân, làm sao đến hết quý I năm 2018 thì phải có nước uống cho dân làng sử dụng.
Vũ Đình Năm