Phú Xuyên - Hà Nội: Công trình khủng lấn chiếm hàng lang đê 'mọc' ngay gần trụ sở xã Phú Yên
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 06/12/2017
(TN&MT) - Một công trình xây dựng nguy nga ở thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội ngang nhiên lấn chiếm hàng chục m2 đất hành lang đê điều vẫn...
(TN&MT) - Một công trình xây dựng nguy nga ở thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội ngang nhiên lấn chiếm hàng chục m2 đất hành lang đê điều vẫn vô tư thi công, thậm chí đã sắp hoàn thiện nhưng không bị cơ quan chức năng địa phương xử lý gây bức xúc dư luận.
Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được thông tin của nhiều người dân thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội phản ánh về việc có một công trình xây dựng “khủng” lấn chiếm hành lang đê điều, gây ảnh hưởng tới việc tiêu thoát lũ đang ngày một hoàn thiện.
Theo phản ánh của người dân, công trình biệt thự được xây dựng rất nguy nga trên khu đất rộng hơn 300 m2, khởi công xây dựng từ đầu năm 2017 và đang được gấp rút hoàn hiện. Điều đáng nói, công trình này đã lấn chiếm hàng chục m2 đất thuộc hành lang đê điều chạy dọc QL 428 (75 cũ), việc lấn chiếm trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy, nguy cơ phá vỡ kết cấu đê điều.
Công trình khủng lấn chiếm hàng lang đê 'mọc' ngay gần trụ sở xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. |
Ghi nhận thông tin, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã tìm đến địa điểm phản ánh để tìm hiểu thực tế. Theo quan sát của PV, hiện công trình biệt thự được phản ánh đã xây xong phần thô, với chiều cao hơn 5 tầng, kiến trúc rất cầu kỳ với mái vòm theo kiểu Châu Âu, nằm ngay tuyến đường hành lang đê điều chạy dọc QL 428, chỉ cách trụ sở xã Phú Yên khoảng hơn 100m.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Công C, một người dân sống tại thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên cho biết, công trình xây dựng trên được khởi công từ đầu năm 2017, mặc dù đã nhiều lần bị UBND xã lập biên bản, đình chỉ thi công nhưng không hiểu lý do gì công trình này vẫn được thi công bình thường và dần đi vào hoàn thiện. Điều đáng nói, theo ông C, việc tự ý san lấp, lấn chiếm lòng sông để xây dựng biệt thự khủng diễn ra trong một thời gian dài nhưng dường như chính quyền sở tại không có biện pháp xử lý dứt điểm.
Công trình xây dựng nguy nga ở thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội ngang nhiên lấn chiếm hàng chục m2 đất hành lang đê điều vẫn vô tư thi công, sắp hoàn thiện. |
"Công trình này kể từ khi được xây dựng bị nhiều người dân phản đối vì lấn chiếm lòng sông, đất hành làng đê. Một công trình to đồ sộ, gần ngay trụ sở xã nhưng không hiểu vì lý do gì mà chính quyền xã không vào cuộc xử lý, để tồn tại làm người dân bức xúc", ông C, chia sẻ.
Cũng theo phản ánh của người dân, được biết, công trình biệt thự xây dựng lấn chiếm đất hành làng đê là của ông Nguyễn Văn Túc, chủ xưởng sản xuất giầy da Túc Hồng có địa chỉ tại thôn Giẽ Hạ, Phú Yên, Phú Xuyên, TP. Hà Nội.
Để tìm hiểu thông tin về công trình này, sáng 6/12, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ làm việc trực tiếp với lãnh đạo xã Phú Yên. Tuy nhiên, "không may" cho PV là từ Chủ tịch UBND xã đến Phó chủ tịch đều "rất bận", điện thoại thì trong tình trạng "không liên lạc được".
Công trình biệt thự xây dựng lấn chiếm đất hành làng đê là của ông Nguyễn Văn Túc, chủ xưởng sản xuất giầy da Túc Hồng có địa chỉ tại thôn Giẽ Hạ, Phú Yên, Phú Xuyên, TP. Hà Nội. |
Trong khi đó, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Cường - cán bộ Thanh tra xây dựng huyện Phú Xuyên xác nhận công trình biệt thự trên đúng là đã lấn chiếm hành lang đê. "Liên quan đến công trình này chúng tôi cũng đã báo cáo với Bí thư, Chủ tịch huyện. Công trình lấn ra khoảng 29,7 m2 trục đường, tuy nhiên, công trình đã được cấp ủy, thôn, xã, hội đồng tư vấn của xã xem xét, hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện công nhận".
"Hiện chúng tôi cũng đã hoàn thiện hồ sơ, về mặt thủ tục thì xã chấp thuận là 100 m2 phía trong, còn phần lấn chiếm ra 29,7 m2 trên cơ sở hoàn thiện hồ sơ xã cũng chấp thuận và trình lên huyện. Tất cả hành lang đường 428, Sông Nhuệ cũng không ảnh hưởng gì cả", vị này nói thêm.
Được biết, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều. Theo đó, việc lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục sẽ bị phạt tới 25 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều là 100 triệu đồng.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phú Yên. |
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính...
Thiết nghĩ, việc để tồn tại công trình xây dựng kiên cố lấn chiếm dòng sông, không những ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ và còn có nguy cơ phá vỡ kết cấu đê điều. Vậy lý do tại sao UBND xã Phú Yên không xử lý dứt điểm công trình sai phạm, thậm chí còn xem xét công nhận phần đất lấn chiếm? Dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu có phải chính quyền xã Phú Yên có ý "bật đèn xanh" cho vi phạm, bất chấp pháp luật để hợp thức hóa công trình.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
Duy Tân - Văn Huy