Dự án Làng đại học Huế chậm tiến độ, dân khổ sở
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/11/2017
Nhà cửa người dân hư hỏng, xuống cấp... khi phải chờ đợi Dự án quá lâu |
Dân khổ vì quy hoạch “treo”
Dự án Quy hoạch làng Đại học Huế chỉ cách trung tâm TP. Huế khoảng 2km, chính vì sự chậm chạp do thiếu vốn và công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập gần 20 năm qua nên đã khiến người dân địa phương vô cùng khổ sở, sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu đợi chờ đến ngày được giải tỏa, di dời tái định cư...
“Mục sở thị” tận nơi, PV nhận thấy hầu hết nhà cửa của người dân trong vùng đều bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhưng không thể xây dựng, sửa chữa do nằm trong vùng quy hoạch “treo”. Trong khi một số công trình của dự án vẫn đang triển khai nhưng “chậm như rùa”. Sống trong cảnh phập phồng chờ di dời, người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề thợ hồ, bán vé số, nhặt ve chai...
Vào nhà bà Nguyễn Thị Bé (50 tuổi, khu vực 4, phường An Cựu), chúng tôi nhận thấy căn nhà chẳng khác gì một chòi canh với những mái tôn đã cũ, xung quanh rách rưới và ẩm ướt... Trong khi bên cạnh là khoa Giáo dục thể chất, phía trước là Đại học Ngoại ngữ và sau lưng là Đại học Kinh tế rất hiện đại.
“Tôi ở đây cũng đã 22 năm và làm nghề buôn ve chai. Lúc đầu nhà sao thì bây giờ nhà vẫn vậy thậm chí tệ hơn nữa chú à. Gia đình cứ trông ngóng được giải tỏa mà không thấy gì cả. Cuộc sống thì khó khăn bữa đói bữa no, kiến nghị mãi vẫn thế...”- bà Bé than thở.
Nhiều năm qua, nhà bà Nguyễn Thị Bé (ảnh) không thể sửa chửa do vướng Dự án |
Cách nhà bà Bé không xa, hoàn cảnh nhà ông Lê Lu (SN 1959, tổ 21, khu vực 4, phường An Cựu) cũng tương tự.
“Ngóng mỏi cổ vẫn không đền bù di dời. Cuộc sống ở đây thật phức tạp và thiếu thốn. Nhà dột muốn xây thêm thì phường không cho, xây thì bị tháo gở. Nếu cho ở luôn thì được còn đây cứ thụt lui thụt tới khiến chúng tôi ăn ở chả ngày nào yên...”- ông Lu bức xúc nói.
Ông Đoàn Bình Lương- Phó chủ tịch UBND phường An Cựu cho rằng, dự án kéo dài khiến cuộc sống người dân không thể ổn định được; việc đền bù cũng theo kiểu “cuốn chiếu” tức là làm chỗ nào thì đền bù chỗ nấy khiến dân rất khó khăn và địa phương cũng khổ theo...
“Đặc biệt ở tổ 21 khu vực 4 có 2 hộ nhà cửa xuống cấp quá nặng mà không đền bù hay giải tỏa khiến họ quá khổ. Vào mưa mưa gió thì phường cũng phải đến để chằng chống nhà cửa cho người dân. Chúng tôi cũng đã kiến nghị mãi và mong rằng dự án sẽ sớm xong...”- ông Lương than thở. Được biết tình cảnh trên cũng diễn ra đối với hơn 100 hộ dân ở xóm Gióng (phường An Tây, TP. Huế).
Giai đoạn 2 của Dự án đang được thi công nhưng vẫn chậm |
Chưa biết khi nào xong?
Theo thông tin mà Đại học Huế cung cấp trực tiếp cho PV, Quyết định số 164/QĐ-TTg Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt ngày 17/3/1998 cho thấy, dự án quy hoạch xây dựng làng Đại học Huế tại 2 phường An Tây và An Cựu có tổng diện tích 120ha, các trường đại học hiện có là 26,5ha.
Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1365/QĐ-UB ngày 19/10/2014 với diện tích 113,54ha.
Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1- Bước 1 được thực hiện từ năm 1999 đến 2005 với tổng mức đầu tư trên 69 tỷ đồng, giai đoạn 1- Bước 2 được thực hiện từ 2006 với tổng mức đầu tư trên 349,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2 được phê duyệt cuối năm 2014 với mức đầu tư 259 tỷ đồng, dự kiến kết thúc vào tháng 3/2018.
Trâu bò “tung hoành” quanh làng Đại học Huế |
Theo quy hoạch được phê duyệt, làng Đại học Huế sẽ là một tổng thể hoàn chỉnh, hiện đại với các khu học tập, nghiên cứu và phục vụ điều hành của tất cả các trường đại học tại Huế; khu ký túc xá với trung tâm dịch vụ công cộng; khu cây xanh công viên, thể dục thể thao bố trí tại trung tâm trường và đệm giữa khu nghiên cứu học tập với khu ký túc xá;quy mô đào tạo khoảng 30.000 sinh viên hệ chính quy...
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, PGS.TS Nguyễn Quang Linh- Giám đốc Đại học Huế thừa nhận, dự án chậm tiến độ do giải tỏa mặt bằng chưa xong và vướng đền bù.
“Có một mâu thuẫn là đền bù thì thiếu tiền, mà nhu cầu giải tỏa thì nhiều. Đại học Huế đang trình việc điều chỉnh quy hoạch của tỉnh lên Bộ Giáo dục & Đào tạo và Thủ tướng, nhất là xin thêm kinh phí giai đoạn 2 nhưng sự thật là cấp trên quá khó khăn...”- ông Linh cho hay.
Ông Ngô Văn Tuấn (ảnh)- Trưởng ban cơ sở vật chất Đại học Huế thông tin về Dự án làng Đại học Huế cho PV |
Để hiểu rõ hơn, PV tìm gặp ông Ngô Văn Tuấn- Trưởng ban cơ sở vật chất Đại học Huế, đơn vị tham mưu cụ thể về vấn đề trên.
Ông Tuấn cho biết, tới nay sau gần 20 năm thực hiện, trên khu đất quy hoạch mới giải phóng mặt bằng khoảng 60ha (tức là chỉ mới một nữa diện tích) và đã xây dựng các công trình với gần 12.000m2 sàn gồm một số công trình tiêu biểu như Khoa Giáo dục thể chất, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Nhà thi đấu thể thao Đại học Huế, 10 khu ký túc xá sinh viên...
“Hiện nay công tác đền bù giải phóng mặt bằng khu quy hoạch còn nhiều bất cập, mới đền bù và di dời 46/238 hộ, số còn lại chưa đủ kinh phí và có nhiều hộ xây dựng nhà cửa trái phép. Nguyên nhân triển khai chậm là do thiếu nguồn vốn từ Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng các cơ quan liên quan nên Đại học Huế rất bị động vốn. Chúng tôi cũng như tỉnh cũng đã kiến nghị nhiều lần đề nghị các bộ ban ngành cấp vồn đền bù dứt điểm (khoảng 150 tỷ đồng) nhằm giúp cho đời sống người dân bớt khó khăn hơn nhưng chưa biết khi nào xong...”- ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng thông tin thêm, trong khi đang xây dựng giai đoạn 2, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nhà làm việc và nhà thư viện các trường với mức đầu tư 127 tỷ đồng. Đại học Huế cũng đã kiến nghị Bộ đưa vào kế hoạch trung hạn 2018- 2020.
Với những gì đang diễn ra, việc hoàn thành giai đoạn 2 còn chưa xong và chậm chạp thế thì kế hoạch trung hạn như trên liệu có khả thi. Liệu một bức tranh về làng Đại học khang trang hiện đại tại miền Trung có thành và đời sống người dân ở khu vực quy hoạch đến bao giờ mới hết khổ?.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu.
Bài & ảnh:Văn Dinh