Chủ tịch xã Bát Tràng bị tố ra văn bản 'tiền hậu bất nhất': Người dân bất ngờ!
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 12/11/2017
(TN&MT) - Nhiều người dân tỏ ra khá bất ngờ khi biết Chủ tịch xã Bát Tràng Phạm Văn May không công nhận thửa đất 134 (1) là của ông Phạm Văn Hổ, trong khi chính...
(TN&MT) - Nhiều người dân tỏ ra khá bất ngờ khi biết Chủ tịch xã Bát Tràng Phạm Văn May không công nhận thửa đất 134 (1) là của ông Phạm Văn Hổ, trong khi chính ông Hổ là người bỏ tiền ra mua đất từ xã, có phiếu thu tiền và đóng thuế hàng năm đầy đủ...
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, Chủ tịch xã Bát Tràng (Gia Lâm, TP. Hà Nội) là ông Phạm Văn May bị bà Phạm Bích Thảo (thường trú ở Láng Hạ, Đống Đa, TP. Hà Nội) khiếu nại về việc ra các văn bản khó hiểu khiến gia đình bà Thảo rơi vào cảnh kiện tụng, đang sở hữu đất của mình "bỗng nhiên" không biết của ai?.
Theo nội dung đơn khiếu nại, bà Phạm Bích Thảo là con của cụ Phạm Văn Hổ ( SN 1912, đã mất) và kế mẫu là bà Phạm Thị Trà (SN 1914, đã mất). Ngoài bà Thảo, cụ Hổ cũng còn có 9 người con khác gồm: Chấn, Liên, Cường, Thịnh, Vinh, Hiển, Hậu, Định, Hùng. Trước khi mất, cụ Hổ và kế mẫu Phạm Thị Trà đã để lại toàn bộ tài sản gồm nhà, đất tại thửa 134 từ bản đồ số 14, xóm 3, thôn Bát Tràng và chia thành 2 thửa gồm 134 (1) và 134 (2).
Cụ thể, thửa 134 (1), tờ bản đồ số 14 có diện tích 133 m2 tại địa chỉ xóm 3, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội là đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài và đã được UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số AD 856102; cấp ngày 02/12/2005 mang tên Phạm Văn Hổ và Phạm Thị Trà (thửa đất này gia đình cụ Hổ được UBND xã Bát Tràng cấp bán, có thu tiền năm 1992).
Bản công chứng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất huyện Gia Lâm cấp cho gia đình ông Phạm Văn Hổ năm 2005. |
Còn thửa 134(2), tờ bản đồ số 14 có diện tích 176 m2 (trước là 180 m2) cũng tại địa chỉ xóm 3, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội. Theo bản đồ năm 1986, 1993-1994 và sổ mục đính kèm đều mang tên Phạm Văn Hổ và Phạm Thị Trà (đây là thửa đất được Nhà nước đền bù cho gia đình khi đào sông Bắc Hưng Hải năm 1958).
Tuy nhiên, vào năm 2016, các ông Phạm Vĩnh Phúc, Phạm Hà Bắc, Phạm Vĩnh Hưng là các em con chú, con cô ruột đã có đơn đề nghị tranh chấp các thửa đất trên với UBND xã Bát Tràng với lý do các thửa đất là của ông bà nội để lại (cụ Phạm Thanh Vân và vợ là cụ Trần Thị Sâm - người đẻ ra con trưởng là ông Hổ và con thứ là bố mẹ của các ông Phúc, Bắc, Hưng) nên cũng có quyền thừa kế.
Cũng theo bà Thảo, mãi đến sau này, sau nhiều lần hòa giải, phía bà Thảo cũng đã chấp thuận với các ông Phúc, Bắc, Hưng chia đều thừa đất 176 m2 ra làm bốn phần theo ý nguyện của cụ Hổ trước khi mất. Tuy nhiên, đến nay, những người trên lại đòi chia đều cả 4 người tổng thửa đất số 134 ( cả 2 thửa 133 m2 với 176 m2) với diện tích hơn 300 m2 dù thửa 133 m2 là của chính ông Hổ bỏ tiền ra mua, có đóng thuế đất hàng năm.
Thửa đất 134 (2) có diện tích 176 m2 được chia đều 4 phần bằng nhau (vạch đỏ) cho 4 người là bà Thảo, ông Phúc, Bắc, Hưng. |
Đáng chú ý, trong các lần giải quyết tranh chấp, UBND xã Bát Tràng mà cụ thể là Chủ tịch xã Phạm Văn May đã ra nhiều văn bản thông báo về việc xác định nguồn gốc thửa đất 134, tờ bản đồ 14 thuộc thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Điều đáng nói, các văn bản thông báo do ông May ký lại 'tiền hậu bất nhất'.
Cụ thể, theo Văn bản số 444/TB-UBND ngày 22/12/2015 do ông Phạm Văn May ký, ngày 03/7/2015, UBND xã Bát Tràng đã tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của gia đình bà Thảo (con ông Hổ). Kết quả kiểm tra cho thấy, mốc giới sử dụng ổn định, rõ ràng, không tranh chấp. Đồng thời văn bản cũng chỉ rõ hiện trạng thửa đất tách làm 2 thửa, trong đó thửa 134 (1) đã tách do có nguồn gốc xã cấp bán cho ông Hổ từ năm 1992 (có phiếu thu tiền) và cũng đã được huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất mang tên Phạm Thị Trà và Phạm Văn Hổ.
Tuy nhiên, sau đó chưa đến một năm, tức ngày 15/10/2016, cũng chính ông May đã ra ký Văn bản số 468/UBND-ĐCXD khẳng định thừa đất trên không phải là của ông Hổ mà đó là của cụ Trần Thị Sâm (mẹ ông Hổ) do được Nhà nước đền bù đào sông Bắc Hưng Hải. Không những vậy, tại Văn bản số 524/UBND.TB, Chủ tịch xã Bát Tràng không những phủ nhận thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 là của gia đình ông Phạm Văn Hổ mà còn đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Phạm Bích Thảo vào năm 2015 về giá trị pháp lý.
Để hiểu rõ thêm câu chuyện này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường cũng phỏng vấn một số người dân xung quanh. Theo đó, nhiều người dân tỏ ra khá bất ngờ khi Chủ tịch xã Bát Tràng Phạm Văn May không công nhận thửa đất 134 (1) là của ông Phạm Văn Hổ khi chính ông Hổ là người bỏ tiền ra mua đất từ xã, có phiếu thu tiền và đóng thuế hàng năm đầy đủ.
Ông Phùng Thế M, người dân sống ở gần khu đất xảy ra tranh chấp cho biết: "Tôi ở đây từ rất lâu rồi nhưng chưa bao giờ nghe ai nói ông Phúc (người tố bà Thảo tranh chấp đất - PV) có liên quan đến thửa đất nhà bà Thảo, thậm chí còn không biết ông Phúc là ai. Ở đây, người ta chỉ biết đó là thửa đất của ông Hổ và sau đó khi ông này mất thì để lại cho con".
Ông Phùng Thế M chỉ cho phóng viên khu đất xảy ra tranh chấp ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội. |
"Tôi là người đã mua lại thửa đất 134 (1) có diện tích là 133 m2 của bà Thảo, trước khi mua tôi đã xem và đi xác nhận đàng hoàng chính chủ tôi mới dám mua. Thửa đất đó trước kia là đất lấn chiếm nên ông Hổ được xã Bát Tràng bán lại và có phiếu thu tiền. Thời điểm đó, khi bán xã còn lập cả ban bệ, công khai chứ không phải giấu diếm", ông M cho biết.
Ông M cũng nói thêm: "Tôi khá bất ngờ và không hiểu vì sao ông Chủ tịch xã Bát Tràng (ông May - PV) lại ra các văn bản thông báo như vậy, trước công nhận đất đó của ông Hổ sau lại phủ nhận. Rõ ràng người ta phiếu nộp tiền mua đất, đóng thuế đất hàng năm và cũng đã được cấp sổ đỏ mà lại không công nhận đất của người ta".
Tương tự, một người dân khác sống gần đó cũng cho biết, ngày trước, ông Phạm Văn Hổ sống với mẹ tức là bà Trần Thị Sâm. Khi Nhà nước đào sông Bắc Hưng Hải thì được đền bù đất tái định cư bằng thửa đất trên, còn bà Sâm do không có hộ khẩu ở Bát Tràng nên không được cấp tái định cư mà chỉ đền bù bằng tiền.
"Sau khi được đền bù, thửa đất được ông Hổ mở rộng thêm nhưng sau đó phần mở rộng được xác định là đất lấn chiếm nên xã Bát Tràng bán thu tiền với diện tích là 133 m2 cho ông Hổ. Đất bán có thu tiền nhưng không hiểu sao lại xảy ra tranh chấp", người dân này thắc mắc.
Liên quan đến việc này, ngày 8/11, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ UBND huyện Gia Lâm để tìm hiểu. Theo đó, đại diện Văn phòng UBND huyện Gia Lâm cho biết, huyện đã nhận được đơn của ông Phạm Vĩnh Phúc về trường hợp tranh chấp đất của Phạm Bích Thảo.
"Huyện đã có văn bản giao Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 cho bà Phạm Thị Trà và ông Phạm Văn Hổ, sau đó báo UBND huyện. Đồng thời, huyện cũng đã giao Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Gia Lâm trả lời đơn của công dân liên quan đến việc giao dịch đối với thửa đất trên", vị này cho hay.
Trong khi đó, khi PV đặt câu hỏi UBND huyện đã nhận được đơn khiếu nại của bà Phạm Bích Thảo về trường hợp Chủ tịch xã Bát Tràng Phạm Văn May ra văn bản khó hiểu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hay chưa thì vị đại diện Văn phòng UBND huyện Gia Lâm cho biết "chưa nhận được?".
Ngay sau đó, để tìm hiểu về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Thảo, PV đã đến phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Lâm nhưng người liên quan đã đi vắng hẹn làm việc sau.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin!
Doãn Hưng - Văn Huy