Thanh Hóa: Dự án Khu du lịch Hải Tiến hơn 10 năm không giải phóng mặt bằng

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 06/11/2017

(TN&MT) - Không thỏa thuận được mức giá đền bù, hơn mười năm qua hàng chục hộ dân ở xã Hoằng Trường và xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa – Thanh Hóa) vẫn phải sống trong tình cảnh, đi không được, ở cũng chẳng xong. Nhà cửa xuống cấp, hàng hoạt nhà hàng, khách sạn mọc lên, những hộ gia đình còn lại “chết chẹt” ở giữa.

Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt tại Quyết định số 1314/2004, nằm dọc bờ biển thuộc địa phận 4 xã phía Đông huyện Hoằng Hoá. Nhiều hộ dân các xã nghèo vùng ven biển hi vọng kinh tế phát triển, đời sống đượcc cải thiện, nhưng thực tế hơn 10 năm qua dự án triển khai một cách nửa vời. Nhiều hộ dân vẫn chưa thống nhất mức đền bù với nhà đầu tư nên phải sống trong dự án “treo” với nhiều bất cập, khó khăn.

Nhiều “ngôi nhà hoang” giữa khu du lịch sầm uất.
Nhiều “ngôi nhà hoang” giữa khu du lịch sầm uất.

Cho rằng mức đền bù chưa thỏa đáng, từ năm 2004 đến nay, hàng chục hộ dân xã Hoằng Trường, Hoằng Hải vẫn chưa di dời đi. Trong khi đó xung quanh hàng loạt nhà hàng, khách sạn cao tầng mọc lên, còn nhà cửa của người dân thì ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà cấp 4 hoang tàn, vôi vữa mục nát, không cổng, không tường rào, nằm trơ trọi giữa rừng phi lao như những ngôi nhà hoang. Người dân sống trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan” đi không được, ở cũng chẳng xong.

Trao đổi với ông Lê Văn Hoàng – Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, được biết: Năm 2005, các Công ty Ngân Hạnh, Xứ Đoài, Việt Trí về địa phương đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái. Trên 150 hộ đã nhận đền bù, hỗ trợ và di dời về khu tái định cư ổn định cuộc sống. Thế nhưng, cho tới thời điểm hiện tại còn 9 hộ chưa di dời, vẫn đang sống trong cảnh tạm bợ, nhà cửa xuống cấp.

Bà Lê Thị Thỏa lo ngại ở tuổi gần đất xa trời vẫn chưa thể ổn định nhà cửa.
Bà Lê Thị Thỏa lo ngại ở tuổi gần đất xa trời vẫn chưa thể ổn định nhà cửa.

Thời điểm năm 2004, Công ty áp giá đền bù là 13.500 đồng/m2, 9 hộ dân cho rằng giá quá thấp nên không đồng ý di dời. Đã 13 năm trôi qua, vẫn chưa thu hồi, đền bù cho các hộ dân xong, để tạo mặt bằng, cảnh quan chung của khu du lịch. Xã cũng liên tục đôn đốc phía Công ty tiến hành thỏa thuận đền bù với các hộ dân. Công ty cũng thỏa thuận đền bù 700.000 đồng tới 1.000.000 đồng/m2, nhưng người dân vẫn không đồng ý. Việc 9 hộ dân chưa di dời cũng có nhiều bất cập ảnh hưởng tới phát triển du lịch cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân do nhà cửa, các công trình phụ đã xuống cấp, tâm lý không ổn định, không an cư để lập nghiệp – Ông Hoàng thừa nhận.

Bà Lê Thị Thỏa, 78 tuổi (vợ ông Trương Đình Mùi) thôn 6 chia sẻ: Đây là đất từ đời ông cha tôi để lại, vợ chồng tôi đã sinh sống ở đây từ khi lập gia đình cho tới giờ. Nguồn gốc đất đã trên 100 năm. Năm 2004, có Công ty về đầu tư du lịch, tôi cũng như người dân rất phấn khởi vì kinh tế địa phương sẽ phát triển, đời sống sẽ được nâng cao. Thế nhưng khi thỏa thuận, diện tích đất của gia đình tôi là 3.130m2, chỉ nhận được mức đền bù 94 triệu, nên gia đình tôi không đồng ý và cương quyết không di dời. Ở cái tuổi gần đất xa trời, hai ông bà tôi lúc nào cũng nơm nớp nay ở mai đi.

Các hộ gia đình phải chắp vá tạm bợ sống qua ngày và ngay ngáy lo sợ mỗi mùa bão về.
Các hộ gia đình phải chắp vá tạm bợ sống qua ngày và ngay ngáy lo sợ mỗi mùa bão về.

Cách đây khoảng hai tháng một anh tên Tuấn, xưng là Phó Giám đốc của Công ty 126 có vào nhà tôi thỏa thuận và mong muốn gia đình tôi di dời, nhường đất cho Công ty xây khách sạn. Nhưng cũng không nói mức đền bù là bao nhiêu tiền một mét vuông, chỉ nói giá vật liệu tăng theo thị trường công ty sẽ hỗ trợ thêm cho gia đình, còn tiền đất thì tính toán sau. Rõ ràng họ không minh bạch, cứ vòng vo, mập mờ. Chứ không có chuyện bảy trăm hay một triệu một mét đất như xã nói đâu – ông Mùi bức xúc nói.

Cũng chung tình trạng trên, xã Hoằng Hải cũng còn hơn 30 hộ gia đình chưa di dời, cũng sống trong tình cảnh nhà cửa xuống cấp, khó khăn trong đời sống sinh hoạt.

Ông Nguyễn Đức Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hải chia sẻ: Hiện trên địa bàn xã còn hơn 30 hộ gia đình thuộc thôn 9,10 nằm trong dự án Khu du lịch Hải Tiến chưa được di dời. Phía cty không có mặt bằng sạch để triển khai dự án. Còn người dân thì sống trong tình cảnh bất an, không yên tâm sinh sống, nhà cửa xuống cấp. Chính quyền xã cũng mong muốn cty và người dân thống nhất được mức giá đền bù để nhanh chóng di dời, tạo đà cho kinh tế du lịch phát triển.

Nhiều con đường dẫn vào nhà um tùm cây dại và chỉ có thể đi bộ.
Nhiều con đường dẫn vào nhà um tùm cây dại và chỉ có thể đi bộ.

Trao đổi với PV Báo TN&MT điện tử, ông Lê Hồng Quang – Trưởng phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa cho biết: Dự án khu du lịch Hải Tiến triển khai từ năm 2004, theo quy đinh nhà nước phải thu hồi, bồi thường và giao đất cho doanh nghiệp, thế nhưng thực chất kinh phí giải phóng mặt bằng là do doanh nghiệp tự bỏ tiền. Hiện tại còn vướng mắc gần 40 hộ dân xã Hoằng Trường, Hoằng Hải chưa di dời. Thế nhưng do người dân yêu cầu mức đền bù quá cao, trong khi đó đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2004, do đó giá đất sẽ áp dụng theo thời điểm đó, còn chỉ hỗ trợ tiền vật liệu xây dựng, nhân công tăng theo thời điểm.

Nhiều vấn đề đặt ra trong giải phóng mặt bằng ở Khu du lịch Hải Tiến, làm sao để gần 40 hộ dân chịu di dời, nhường đất cho cty triển khai dự án, cũng như các hộ dân đã di dời trước không khiếu nại, thắc mắc. Quả thật là bài toán khó đối với chính quyền huyện Hoằng Hóa cũng như các nhà đầu tư. Yên lòng dân, ổn định trật tự, tạo mặt bằng sạch và quyền lợi của người dân cũng được đảm bảo. Chứ không thể để tình trạng, người dân sống trong dự án “treo” với nhiều bất cập, thiếu thốn như thế?!

  Bài và ảnh: Thanh Tâm