Chủ tịch tỉnh Bắc Giang chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ nếu để xảy ra phá rừng
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 02/11/2017
(TN&MT) – Trước thực trạng nhiều cánh rừng tự nhiên, khoanh nuôi bảo vệ bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng trong thời gian vừa qua ở các huyện Lục...
(TN&MT) – Trước thực trạng nhiều cánh rừng tự nhiên, khoanh nuôi bảo vệ bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng trong thời gian vừa qua ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và huyện Sơn Động. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành văn bản chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị quản lý và các cá nhân liên quan khi để xảy ra phá rừng gây bức xúc trong dư luận.
Phá rừng liên miên
Những năm gần đây, tình trạng nhiều cánh rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang bị tàn phá nghiêm trọng, trở thành vấn đề nhức nhối được cử tri đặc biệt quan tâm.
Nhiều vụ việc phá rừng, đốt rừng đã được Báo TN&MT phản ánh qua hàng chục bài báo. Có thể kể đến vụ cha con ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn tuy là chủ sử dụng của 14,5 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp (được nhà nước giao trông coi, quản lý) nhưng để cho con là Phạm Văn Cương - Cán bộ tư pháp thị trấn phá gần 3 ha rừng tự nhiên nhưng không bị xử lý hình sự.
Kiểm lâm Sơn Động phối hợp với Công an Sơn Động đang kiểm tra kho chứa gỗ khai thác trái phép tại thị trấn Thanh Sơn sau khi nhận được tin báo của phóng viên Báo TN&MT |
Vụ trưởng thôn Đồng Rì là ông Nguyễn Văn Quảng tổ chức khai thác gỗ trái phép nhiều năm nay, chứa trong 3 kho bãi tại địa bàn sau đó dùng xe tải chở gỗ đi Quảng Ninh vừa mới xảy ra. Để làm rõ, nhóm PV Báo TN&MT đã thâm nhập điều tra việc phá rừng nghiêm trọng này.
Trải qua 3 tháng tiếp cận, thu thập thông tin từ người dân, đi thực địa trong những cánh rừng ngút ngàn khu tây Yên Tử cho tới các kho bãi chứa gỗ. Để bắt quả tang, PV đã báo cho công an huyện Sơn Động, Chi cục Kiểm lâm huyện Sơn Động cử người phối hợp bắt giữ tại chỗ 3 kho bãi chứa gỗ được cho là của trưởng thôn Đồng Rì . Tuy nhiên, tới nay vụ việc vẫn chưa có báo cáo kết quả cụ thể của cơ quan chức năng huyện Sơn Động.
Còn tại huyện Yên Thế, hàng chục nghìn m2 đất rừng đã bị “biến hoá” cấp sổ đỏ trái luật cho gia đình chủ tịch xã, em ruột bí thư huyện uỷ Yên Thế. Hoặc vụ Công ty Trường Lộc để người dân đốt phá rừng, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế có nhiều sai phạm trong công tác bảo vệ, quản lý đất và rừng. Sau khi báo TN&MT phản ánh, Chỉ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định lập đoàn thanh tra rà soát toàn bộ việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế và đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại địa phương này. Không những vậy, chính sách giao đất, giao rừng tại huyện Yên Thế còn rất nhiều bất cấp, gây bức xúc trong nhân dân đã “âm ỉ” nhiều năm nay.
Hàng chục khối gỗ như thế này đã được thu giữ và đưa về Chi cục kiểm lâm Sơn Động để phục vụ cho công tác điều tra |
Tại huyện Lục Nam, vụ đốt phá rừng xảy ra tại xã Lục Sơn khiến hơn 50 ha rừng bị tàn phá. Công an huyện Lục Nam đã khởi tố vụ án và hiện đang điều tra để làm rõ các đối tượng gây án.
Đó chỉ là một số vụ việc điển hình, phản ánh thực trạng bảo vệ, chăm sóc và quản lý đất lâm nghiệp và rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được Báo TN&MT phản ánh trong 2 năm vừa qua.
Xử lý cán bộ nếu để xảy ra phá rừng
Để kịp thời chấn chỉnh trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đã buông lỏng quản lý dẫn đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc ta rừng bị chặt phá. Ngày 24/10 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 3663/UBND-NN gửi Sở NN&PTNT, Công an tỉnh Bắc Giang và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xem xét, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các người đứng đầu cơ quan cũng như trách nhiệm của các cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng.
Những cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc chỉ còn lại phần gốc được PV Báo TN&MT chụp tại khu vực rừng tây Yên Tử thuộc địa bàn huyện Sơn Động |
Cụ thể, sau khi xem xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tại Báo cáo 335/BC-SNN ngày 04/10/1017 và kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm điểm trách nhiệm với các tập thể, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền cấp xã để xảy ra tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp từ đầu năm 2017 đến nay. Đặc biệt tại các khu vực như: xã Đèo Gia, xã Phong Minh của huyện Lục Ngạn; xã Long Sơn, An Lạc huyện Sơn Động; xã Lục Sơn huyện Lục Nam.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tập chung bố trí lực lượng tăng cường cho cơ sở, thường xuyên bám rừng, nêu cao tình thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế tình trạng phá chặt phá rừng và các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các địa phương, đơn vị, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Công an tỉnh Bắc Giang được yêu cầu chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm đốt, phá rừng; đối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự, khẩn trương khởi tố vụ án, điều tra, xác minh đối tượng vi phạm, khởi tố bị can, truy tố trước pháp luật để xử lý nghiêm minh theo quy định.
Nếu không có biện pháp, chẳng mấy chốc rừng tây Yên Tử sẽ chỉ còn lại những hình ảnh như thế này |
Chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các xã tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời các vụ vi phạm đốt, phá, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp; đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo do các hộ dân tự ý đốt, phá ngoài việc xử lý vi phạm theo quy định. Đối với các địa bàn phức tạp, thành lập các tổ công tác để ngăn chặn tình trạng phá rừng, gắn trách nhiệm của UBND xã nếu xảy ra vi phạm trên địa bàn; xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên trực tiếp hoặc để người nhà tham gia đốt, phá rừng tự nhiên.
Chỉ đạo công an huyện phối hợp với lực lượng kiểm lâm trung đẩy nhanh tiến độ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các vụ vi phạm mà lực lượng kiểm lâm bàn giao hồ sơ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sơn Động phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng theo nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, hoàn thành việc ký cam kết bảo vệ rừng đối với các chủ rừng trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2017.
Từ thực tế trên có thể thấy rằng, nếu công tác quản lý rừng như hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không được giám sát chặt chẽ, không có những chế tài đủ mạnh, quyết liệt thì những cánh rừng xanh ngút ngàn sẽ dần “teo tóp” lại và chẳng mấy chốc chỉ còn lại những đồi núi trọc.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
Doãn Hưng – Vi Hải