Tổng Công ty Giấy Việt Nam trước nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng: Trách nhiệm thuộc về ai?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 21/10/2017
(TN&MT) - Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng tiền công nợ khó đòi và phần vốn góp tại Công ty cổ phần Giấy Bãi Bằng...
(TN&MT) - Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng tiền công nợ khó đòi và phần vốn góp tại Công ty cổ phần Giấy Bãi Bằng (BBP) trong bối cảnh BBP dừng mọi hoạt động từ năm 2015. Điều ngạc nhiên là đến nay, những cá nhân, tổ chức liên quan vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm.
Vinapaco có nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng
Theo bản báo cáo công nợ tại BBP giai đoạn 2011-2016 của Ban kiểm soát nội bộ Vinapaco, năm 2011 đơn vị này phát sinh khoản công nợ khó đòi lên tới hơn 31 tỷ đồng, năm 2012 công nợ lên tới hơn 40 tỷ đồng, năm 2013 tiếp tục tăng lên hơn 44 tỷ đồng, mặc dù có giảm nhưng đến năm 2016 công nợ vẫn còn gần 38 tỷ đồng, những khoản công nợ này chưa kể bao gồm phần lãi phát sinh theo thỏa thuận.
Tổng Công ty giấy Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng |
Theo Ban kiểm soát nội bộ Vinapaco, trong giai đoạn 2011-2016, dù công nợ đã ở mức cao (trên 30 tỷ đồng) nhưng các hợp đồng kinh tế vẫn được ký kết; công nợ vẫn tiếp tục phát sinh. Ngoài ra, trong hợp đồng ký không ghi rõ hạn mức nợ và mức dư nợ là không đúng với điều 2 khoản 2 Quy chế quản lý công nợ của Vinapaco ban hành ngày 28/11/2011 (hợp đồng kinh tế phải thể hiện đầy đủ các nội dung chủ yếu; các bên và người đại diện của các bên ký hợp đồng phải có năng lực pháp lý và phải đúng thẩm quyền; tên chủng loại hàng hóa, giá cả, số lượng, quy cách, sản phẩm; thanh toán, hạn mức nợ, số dư nợ…).
Cũng trong giai đoạn này, BBP trượt dài trong thua lỗ. Theo báo cáo tài chính của BBP, đến hết năm 2014, đơn vị này ghi nhận lỗ lũy kế hơn 210 tỷ trên tổng số hơn 218,5 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tương đương 96,4% vốn chủ sở hữu. Sang năm 2015, BBP tiếp tục lỗ thêm hơn 45 tỷ đồng và phải dừng mọi hoạt động.
Tại báo cáo, Ban kiểm soát nội bộ Vinapaco cũng chỉ ra trách nhiệm những người có liên quan tới việc thu hồi nợ, gồm: ông Trịnh Văn Lâm – Phó Tổng giám đốc (phụ trách các lĩnh vực: kinh doanh, tài chính, kế toán, quản lý vốn, công nợ, ký hợp đồng bán hóa chất…) và ông Nguyễn Việt Đức – Phó Tổng giám đốc (người trực tiếp ký các hợp đồng theo ủy quyền của Tổng giám đốc).
Trong vụ việc này, Ban kiểm soát nội bộ Vinapaco đã chỉ ra trách nhiệm những người có liên quan tới việc thu hồi nợ, gồm: ông Trịnh Văn Lâm – Phó TGĐ (phụ trách kinh doanh, tài chính, kế toán, quản lý vốn, công nợ... ) và ông Nguyễn Việt Đức – Phó TGĐ (người trực tiếp ký các hợp đồng theo ủy quyền của TGĐ) |
Ai phải chịu trách nhiệm
Cũng theo báo cáo của Ban kiểm soát nội bộ Vinapaco trách nhiệm dẫn đến các khoản công nợ khó đòi trong giai đoạn 2011-2016 cũng thuộc về những người đại diện phần vốn của Vinapaco tại BBP.
Đáng chú ý, trong 2 năm 2011, 2012, việc không có Văn bản nào báo cáo của người đại diện phần vốn của Vinapaco tại BBP (phân tích đánh giá tình hình quản lý và sử dụng vốn tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán, kết quả kinh doanh…) là không đúng với quy định tại điều 30 trong Quy chế quản lý tài chính của Vinapaco được Bộ Tài chính phê duyệt ngày 17/8/2016 và Điều 39 trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinapaco ban hành theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, theo Điều 15 Quy chế Quản lý tài chính của Vinapaco hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Con do Bộ Tài chính ban hành ngày 17/8/2016 có ghi: "Trách nhiệm của Công ty Mẹ trong việc quản lý nợ phải thu". Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thể thu hồi được. Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định tại khoản này thì Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc chịu trách nhiệm như báo cáo không trung thực tình hình tài chính của Công ty. Nếu như không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước tại Công ty thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng chính phủ.
Có thể thấy, mặc dù sai phạm đã được chỉ rõ nhưng đến nay những cá nhân liên quan của Vinapaco vẫn chưa bị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan chủ quản cần vào cuộc chỉ đạo thanh tra toàn diện để xem xét xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tập thể gây thất thoát hàng chục tỷ đồng tiền của Nhà nước.
BOX: Vào cuối tháng 9 vừa qua, Vinapaco đã có văn bản báo cáo gửi Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch & Đầu tư về việc công bố thông tin bất thường liên quan đến nhân sự. Theo đó, ông Vũ Thanh Bình - Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Vinapaco thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc để làm thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên Vinapaco. Việc thôi giữ chức Tổng giám đốc Vinapaco của ông Bình được cho do liên quan đến sai phạm khiến nhiều đơn vị thuộc ngành giấy làm ăn thua lỗ trong thời gian dài, trong đó nổi lên là BBP.
Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Doãn Hưng – Đức Anh – Quốc Huy