Quảng Ngãi: Người dân phản đối nhà máy chế biến thức ăn gia súc gây ô nhiễm
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 05/10/2017
Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi bị dân tố có mùi hôi phát tán gây ô nhiễm môi trường |
Sau thời gian buộc ngừng hoạt động để khắc phục ô nhiễm, từ cuối tháng 9 đến nay người dân ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại phát hiện mùi hôi tanh bốc ra từ Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi. Theo người dân địa phương, từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đến nay đã liên tục phát tán mùi hôi thối. “Mùi hôi, tanh từ những nguyên liệu chế biến khiến người dân không thể chịu nổi, suốt ngày phải đóng cửa. Người dân chúng tôi đã liên tục phản đối buộc nhà máy ngừng hoạt động vì sản xuất tất nhiên là chất thải đó sẽ thải ra nhiều và hôi ảnh hưởng đến người dân. Vì mùi hôi đó không đảm bảo cho điều kiện sinh sống tất cả người dân ở đây”- một người dân ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh bức xúc.
Cách nhà máy không xa, những hộ kinh doanh tại ngã tư Thiên Đàng cũng phải chịu cảnh ô nhiễm. Nhiều người không dám đến các cửa hàng ăn uống ở khu vực ngã tư này vì lo lắng mùi hôi phát tán ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi thuộc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Hoàng Triều, nhà máy vận hành chạy thử vào ngày 24 - 26/7/2017. Sau một thời gian nghỉ, đến ngày 6/8/2017 vận hành chính thức.
Vào giữa tháng 8/2017, một số người dân ở thôn Trung An đã tụ tập trước cổng nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động vì mùi hôi phát tán gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, ngành chức năng huyện Bình Sơn đã tiến hành khảo sát thực tế tại nhà máy. Tại thời điểm khảo sát nhà máy không hoạt động. Biên bản làm việc ghi nhận, tại khu vực nhà xưởng của nhà máy có mùi hôi. Nhà máy chưa có thông báo bằng văn bản về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án. Nhà máy không có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Đoàn làm việc yêu cầu nhà máy tạm ngưng hoạt động theo kiến nghị của người dân và kết luận của đoàn làm việc, yêu cầu có biện pháp khắc phục mùi hôi, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đồng thời bổ sung đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngày 31/8, nhà máy tổ chức họp dân và cam kết dừng hoạt động trong 20 ngày để xử lý dứt điểm mùi hôi. Tuy nhiên, sau thời gian đó, khi nhà máy được vận hành trở lại, mọi việc lại... đâu vào đấy. Bức xúc vì mùi hôi từ nhà máy làm đảo lộn cuộc sống, vừa qua, người dân lại tiếp tục kéo đến trước cổng nhà máy yêu cầu ngừng hoạt động, thậm chí còn chở đất đá đến đổ đống chặn xe ra vào nhà máy.
Hiện nhà máy đã ngừng hoạt động |
Ông Nguyễn Thanh Hải- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Triều, chủ đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi khẳng định: Nhà máy được xây dựng với tổng kinh phí 60 tỷ đồng. Nhà máy đã triển khai các phương án khắc phục ô nhiễm như đã tiến hành khâu dập cá bằng hơi nước và than hoạt tính sơ dừa, sục ozon, sau đó mới bắt đầu đốt nên khí thải ra không có mùi hôi như người dân phản ánh.
“Nhà máy mới đi vào vận hành chính thức được thời gian ngắn. Việc người dân liên tục kéo đến nhà máy yêu cầu ngừng hoạt động khiến doanh nghiệp tổn thất rất lớn”- ông Hải nói.
Còn theo ông Đỗ Văn Lập- Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, phản ứng của người dân là hoàn toàn chính đáng. “Khi nhà máy thử nghiệm có gây ô nhiễm, người dân nhiều lần phản ứng nên tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố. Sau đó khi hoạt động trở lại, mùi đỡ hơn nhưng vẫn còn hôi. Việc người dân bức xúc việc nhà máy phát tán mùi hôi là có cơ sở. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cũng đang tích cực khắc phục, thay đổi công nghệ.”- ông Lập cho biết.
Ông Võ Đình Trà- Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Huyện đã thành lập lại tổ kiểm tra để tiến hành khảo sát, đánh giá tác động môi trường nhà máy, xác định có ô nhiễm hay không. Lần này sẽ yêu cầu nhà máy hoạt động để đánh giá chính xác. Rồi sau đó sẽ tiến hành họp dân để có hướng giải quyết hiệu quả hơn.
“Quan điểm của địa phương nếu nhà máy gây ô nhiễm thì phải di dời, không thể để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”- ông Trà khẳng định.
Bài, ảnh:Lan Anh