Kiên Giang: Khuất tất thu hồi đất

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 21/09/2017

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn kêu cứu khẩn của gia đình ông Đàm Văn Lực (trú ấp Sơn Hòa, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) về việc thu hồi đất phục vụ cho dự án múc kênh 8.5, kênh 165 và làm đường, xây chợ không có quyết định, không có ranh giới thu hồi làm mất diện tích đất còn lại của gia đình…  

Theo trình bày của ông Lực, vào ngày 10/6/1987, gia đình ông có mua một mảnh đất của ông Nguyễn Trọng Thủy (bằng giấy tờ viết tay có chính quyền địa phương xác nhận), với diện tích 10.800 m2, tại ấp Sơn Hòa, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất; bao gồm: 1 căn nhà 3 gian, 2 nền nhà, 200 cây bạch đàn, 130 cây tràm 7 năm tuổi, 1,5 ha cây tràm 2 năm tuổi,1 quán café cùng chuồng trại nuôi heo, gà…

Tháng 11/1991, thực hiện quy hoạch múc kênh 8.5, Nhà nước thu hồi của gia ông 4.800 m2, gồm 400 m2 đất thổ cư, 300 m2 đất vườn, 517,5 m2 đất trồng tràm, đất xạ Tràm giống 747,5 m2… cùng tài sản gắn liền trên đất như nhà T1: 70m2, bếp T3: 16m2, chuồng heo: 11,5m2, tràm xạ cấy 517,5m2...

Do không được đền bù tài sản, cây cối trên đất khi thu hồi phục vụ cho dự án múc kênh này, gia đình ông Lực phản đối. Để dự án múc kênh được tiếp tục, Chủ tịch UBND xã cùng ông Thuật đến nhà vận động và hứa hẹn nếu gia đình đồng ý di dời, chặt cây, hoa màu… bàn giao đất sẽ được bồi thường tài sản, hoa màu, vật kiến trúc theo đúng quy định. Lúc này, ông Đào Văn Thuật - cán bộ địa chính xã yêu cầu, gia đình cho mượn bản gốc giấy tờ mua bán đất giữa ông Lực và ông Thủy để lên huyện làm thủ tục kê khai, đền bù và hứa sau 7 ngày sẽ trả lại giấy. Đến hẹn, ông Lực gặp ông Thuật để nhận lại giấy tờ nói trên thì ông Thuật hẹn thêm thời gian và về sau chỉ nhận được câu trả lời từ ông Thuật là “giấy tờ đã bị thất lạc”.

Nếu cả 2.730 m2 nằm trong phần diện tích đã thu hồi để làm chợ cần phải xem xét bồi thường và bố trí tái định cư để gia đình ông đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt.
Nếu cả 2.730 m2 nằm trong phần diện tích đã thu hồi để làm chợ cần phải xem xét bồi thường và bố trí tái định cư để gia đình ông đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt.

Ngày 23/9/1997, ông Đào Văn Thuật viết giấy xác nhận cho ông Lực: “Khi múc Kênh 8.5 nhà ông Lực có bị mất một số cây cối, hoa màu, nhà cửa, chuồng trại. Tôi là cán bộ phụ trách theo dõi các công trình. Năm 1991, trước khi thực hiện múc kênh 8.5 có đi khảo sát, đo, đếm số cây nằm trong công trình. Nhưng khi bồi thường chỉ đền bù cho hộ ông Lê Văn Thật, còn hộ ông Lực chưa được bồi thường. Tôi xác nhận để cấp trên bồi thường cho hộ ông Lực…”.

Năm 1998, chính quyền tiếp tục thực hiện múc kênh 165 và làm đường nên thu hồi của gia đình ông Lực với diện tích 1.980 m2 đất, đồng thời, kết hợp làm chợ cụm khu dân cư trung tâm của xã tiếp tục thu hồi 1.650 m2. Duy nhất, khi thu hồi 1.650 m2 đất để làm chợ và cụm dân cư trung tâm xã Nam Thái Sơn, gia đình ông nhận được đền bù, hỗ trợ di dời với tổng số tiền 34.782.000 đồng và mua lại 2 lô đất tái định cư với số tiền phải nộp gần 24 triệu.

Tiếp chúng tôi tại căn nhà nhỏ nằm bên cạnh Kênh 8.5, ông Lực cho biết thêm, trong 3 lần Nhà nước thu hồi đất của gia đình tôi phục vụ múc kênh, làm đường, làm chợ, làm khu dân cư với tổng diện tích 8.430 m2 nhưng gia đình tôi chưa hề nhận được một quyết định thu hồi đất nào?. Phần đất bị thu hồi trong 3 đợt đều không thể hiện được ranh giới, không cụ thể phần diện tích thu hồi nằm ở vị trí nào và phần diện tích 2.370 m2 còn lại sau khi bị thu hồi giờ nằm ở đâu? Trong lúc triển khai không hề có một cán bộ nào xuống cắm mốc ranh giới dự án, phân định phần bị thu hồi và phần đất còn lại của gia đình?.

Ông Lực bức xúc, đến nay, trên giấy tờ chỉ thu hồi của tôi 8.430 m2/10.800 m2 nhưng thực tế gia đình tôi không còn 1 m2 đất nào (?). Vì, sau khi dự án chợ và cụm dân cư hoàn thành, gia đình tôi cho cất nhà chia cho các con đã lập gia đình trên phần đất còn lại nằm dọc theo kênh 8,5, chính quyền cho là lấn chiếm đất, tự ý cất nhà trái phép nên UBND huyện Hòn đất đã ra Quyết định 1342/QĐ-CC ngày 20/3/2017 về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Để tìm hiểu thêm về nguồn gốc đất trên, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Trọng Thủy và ông khẳng định, năm 1987, do gia đình ông phải đi làm ăn xa nên có chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất 10.800 m2 cùng nhà cửa, vật kiến trúc, hoa màu, cây cối trên đất cho vợ chồng ông Đàm Văn Lực và bà Lê Thị Mần với giá tương đương 2 chỉ vàng. Toàn bộ phần đất mà ông đã chuyển nhượng cho ông Lực có nguồn gốc do Nhà nước giao, sau khi ông bà qua đời đã để lại cho ông.

Ông Lực là gia đình có công với Cách mạng, mẹ ông được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Vợ chồng ông Lực sinh được 8 người con, đến nay có 5 người con đã lập gia đình. Con đông, đất không còn nên thời gian qua ông đã ra phân nền, cất nhà chia cho các con trên phần đất còn lại nằm dọc theo kênh 8.5 nhưng chính quyền cho là ông lấn chiếm trái phép.

Hiện, gia đình ông Lực yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại hồ sơ và thực hiện đền bù phần hoa màu, cây cối, vật kiến trúc trên phần diện tích đất bị thu hồi để thực hiện múc kênh 8.5 và kênh 165. Làm rõ ranh giới phần diện tích đã thu hồi và phần diện đất còn lại là 2.370 m2 của ông Lực nằm ở vị trí nào? Nếu nằm trong phần diện tích thu hồi để làm chợ thì cần phải xem xét bồi thường và bố trí tái định cư để gia đình ông đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt.       

   Bài & ảnh: Võ Hà