Hải Dương: Xây dựng công trình tiền tỷ để... bỏ hoang?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 08/09/2017

(TN&MT) - Sau gần 3 năm khánh thành, cả một cơ sở sơ chế vải thiều xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà (Hải Dương) trị giá hàng tỷ đồng bị bỏ hoang. Trong khi người dân trồng vải xã Thanh Xá đang mong chờ một cơ sở, để có thể thực hiện các công đoạn ban đầu, vận chuyển vải thiều đến nơi tiêu thụ được bảo đảm “an toàn vệ sinh sản phẩm” lại xây ra chỉ để “chơi” gây lãng phí tiền của Nhà nước…?

Công trình tiền tỷ bỏ hoang

Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng mô hình sản xuất rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương" được triển khai năm 2013 nhằm xây dựng vùng sản xuất vải sạch. Các công trình xây dựng phục vụ cho khu vực sản xuất rộng 28 ha, do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư (tổng kinh phí trên 14,8 tỷ đồng). Trong đó, với các hạng mục được hỗ trợ, gồm: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, nhà kho, hố thu gom rác thải, trang thiết bị quản lý chất thải, sơ chế, bảo quản vải thiều sau thu hoạch. 

 Ông Phạm Quốc Trọng (người mặc áo trắng) trao đổi với phóng viên.
Ông Phạm Quốc Trọng (người mặc áo trắng) trao đổi với phóng viên.

Khi triển khai, Dự án được chính quyền và nhân dân xã Thanh Xá đã kỳ vọng vào mô hình, giúp cho hộ trồng vải thiều có điều kiện phát huy năng suất, chất lượng hiệu quả… vải thiều được bảo quản tốt đến khách hàng, nên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương, người dân. Hơn 100 hộ có diện tích nằm trong dự án đã hiến hơn 2.600m2 đất để làm đường giao thông. Dự án đã có trên 3,6 km đường giao thông đã được hoàn thành (7 tuyến đường nội vùng dài hơn 2,2 km và 1 tuyến đường trục chính nối vùng sản xuất vải thiều với đường giao thông chính của xã dài hơn 1,3 km) 7 cống được xây dựng, 4 tuyến kênh dài hơn 2 km được nạo vét. 15 hố thu gom rác thải độc hại. Trong đó, người dân xã Thanh Xá mong chờ nhất là nhà sơ chế, nhà điều hành, kho vật tư và khu nhà tập kết vải, nhà kho vật tư nông nghiệp, nhà đóng gói, bể chứa nước sạch, hệ thống rửa nông sản. Bởi công trình này sẽ giúp cho người trồng vải thực hiện các công đoạn bảo quản sản phẩm tốt hơn, an toàn vệ sinh khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, nhưng thật “trớ chêu” từ khi khánh thành (cuối năm 2014) đến nay, cơ sở này bộc lộ nhiều bất cập nên không thể đưa vào hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Hiền thôn 3, xã Thanh Xá, hộ gia đình trồng vải, rầu rĩ nói: “Các hộ dân trong thôn chúng tôi, bao ngày chờ mong có một cơ sở để sơ chế, bảo quản vải thiều sạch… góp phần xây dựng hình ảnh cho vải thiều Thanh Hà trên thị trường trong nước và nước ngoài, nhưng công trình từ khi khánh thành đến nay không được một ngày sử dụng. Cơ sở thì bỏ không, trong khi thu hoạch vải người dân phải mang ra ven đường, bờ ruộng, vườn… ở tất cả những nơi có thể để bán, đóng gói rất mất vệ sinh. Chính vì đang làm mất hình ảnh vải thiều Thanh Hà, với người mua và sử dụng. Công trình nhà, xưởng được xây dựng khang trang nhưng nay “bỏ” lãng phí tiền của Nhà nước, công sức của người dân. Năm 2015, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã đưa dây chuyền sơ chế vải về đây thử nghiệm với công suất 3 tấn/lần (dây chuyền này nằm ngoài dự án). Tuy nhiên, dây chuyền này chỉ chạy thử được 1 tấn vải đông lạnh xuất khẩu thì ngừng hoạt động. Đến nay, dây chuyền cũng “bỏ phí” tại cơ sở sơ chế vải.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Phạm Quốc Trọng, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá, cho biết: Thời gian qua, xã tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân về cơ sở nhằm nâng cao chất lượng vải thiều khi xuất ra thị trường xây dựng khang trang, sạch đẹp… trị giá gần 2 tỷ đồng, nhưng không một lần người dân được mang vải thiều đến đây sơ chế. Nếu để lâu không sử dụng, công trình này sẽ nhanh xuống cấp. Nhiều hạng mục han gỉ, máy móc không được vận hành dần sẽ hỏng, chỉ như cục sắt vụn. Trong khi, công trình bỏ hoang, nhưng xã đang phải thuê một người trông coi cơ sở này với mức lương 800.000 đồng/tháng.

Khu sơ chế vải hiện bộc lộ nhiều bất cập, không được sử dụng gây lãng phí.
Khu sơ chế vải hiện bộc lộ nhiều bất cập, không được sử dụng gây lãng phí.

Ông Trọng, kiến nghị: Khó khăn lớn nhất khiến cho khu sơ chế không thể đi vào hoạt động được là do đường vào nhỏ hẹp. Xe chở container không vào được tận nơi để thu mua, vận chuyển nông sản. Công trình này lại nằm sâu, cách xa tỉnh lộ 390, phải qua 2 lần vận chuyển nên vải quả dễ bị dập nát. Nhà xưởng xây dựng quá nhỏ không thể đáp ứng được với yêu cầu thực tế (cơ sở này, không đáp ứng được cho 2 hộ mang vải thiều đến cùng một lúc). Để khu sơ chế đi vào hoạt động hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực, các cơ quan chức năng huyện và tỉnh cần có giải pháp đầu tư, phối hợp mở rộng đường giao thông từ trục đường chính 390 vào khu sơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các xe ô tô cỡ lớn vào thu mua vải. Cơ sở sơ chế vải phải xây dựng thêm rộng rãi hơn, đáp ứng cho nhiều hộ thu hoạch vải thiều có thể mang sản phẩm đến cùng một lúc. Chính quyền xã, người dân luôn mong mỏi và sẽ đóng góp, ủng hộ nhiệt tình để các cơ quan chức năng huyện, tỉnh quan tâm có hướng giải quyết tình trạng bất cập trên, hỗ trợ người dân xã Thanh Xá mở rộng đường vào. Xã cũng đang đề xuất ý kiến với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn bàn giao, hướng dẫn nông dân sử dụng dây chuyền sơ chế vải, để dây chuyền thường xuyên được hoạt động, bảo dưỡng… tránh tình trạng xuống cấp, hư hỏng .

Chính quyền xã Thanh Xá cam kết sẽ tích cực tuyên truyền để người dân đưa vải vào khu vực này bán, sơ chế, bảo đảm môi trường, giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên tỉnh lộ 390. Xã tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút thương lái hoặc doanh nghiệp đến thuê địa điểm để thu mua, sơ chế vải.

Những mong mỏi và đề xuất của chính quyền và người dân trồng vải thiều xã Thanh Xá là hoàn toàn chính đáng, cần được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng huyện, tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm. Tránh để kéo dài mãi tình trạng như hiện nay Công trình tiền tỷ - xây để “chơi” người dân đang mong mỏi từng ngày có một cơ sở để chất lượng sản phẩm vải thiều được an toàn và chất lượng hơn.

Bài, ảnh: Phạm Hoàng