Hà Nam: Dự án chết yểu doanh nghiệp thi nhau chiếm dụng đất?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 21/08/2017
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Kiện Khê. |
Được biết, ngày 20/11/2007 UBND tỉnh Hà Nam ban hành Văn bản số 1639/UBND-DN &XTDT về việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Châu Giang (Công ty Châu Giang) làm chủ đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Kiện Khê, với diện tích 15,6 ha.
Bắt tay vào dự án, Công ty Châu Giang mới GPMB được 2,5ha và sau đó xin dừng triển khai dự án. Lý do mà phía Công ty đưa ra là không thực hiện GPMB được do nhân dân không đồng thuận về giá cả đền bù và ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 11/4/2014 UBND tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định số 355/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi chủ trương đầu tư của Công ty Châu Giang đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Kiện Khê.
Tuy nhiên, trước đó không hiểu bằng “thủ thuật” gì nhiều công ty đã tự ý mua bán, chuyển nhượng lại diện tích trong khuôn viên đã được Công ty Châu Giang GPMB để xây dựng nhà máy, xây dựng xưởng sản xuất bột đá, đá vôi. Đặc biệt, năm 2014 UBDN tỉnh Hà Nam đã chấm dứt hoạt động Dự án trên, nhưng năm 2015 Công ty TNHH Việt Hùng, Công ty Việt Pháp, Công ty Vật liệu chịu lửa Phú Tài đã “nhảy” được vào diện tích trên để xây dựng nhà xưởng hoạt động?! Vậy ai cho các công ty trên thuê mặt bằng và tư cách pháp nhân giữa việc cho thuê mặt bằng, chuyện nhượng giữa các công ty trên như thế nào? Liệu rằng UBND huyện Thanh Liêm và UBND tỉnh Hà Nam có nắm rõ được việc này.
Mục sở thị, phóng viên được biết, Công ty TNHH Mạnh Linh đã tự ý san lấp vào diện tích đất lưu không đường ĐT494C. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản yêu cầu phía công ty dừng ngay hành vi san lấp và mời lãnh đạo công ty về trụ sở làm việc 02 lần, tuy nhiên Công ty đã không đến dự họp và cũng không có động thái gì liên quan đến việc khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, công ty TNHH Việt Hùng đã bán lại diện tích của mình cho Công ty TNHH Thương Mại Quốc Tế Khôn Việt từ tháng 5/2015, hiện Công ty Khôn Việt chưa có bất kì giấy tờ hay hồ sơ pháp lý nộp về UBND thị trấn Kiện Khê. Nghiêm trọng hơn, Công ty Khôn Việt còn tự ý san lấp khu vực lưu không đường chắn nước núi, đây là công trình phòng chống lụt bão được tỉnh Hà Nam đầu tư xây dựng. Hiện UBND thị trấn Kiện Khê đã lập biên bản và yêu cầu Công ty dừng ngay hành vi san lấp, trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu.
Để có câu trả lời, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND thị trấn Kiện Khê thì nhận được câu trả lời: Các doanh nghiệp đi vào hoạt động từ lâu song hồ sơ pháp lý, giấy phép hoạt động họ chưa nhận được bất kỳ một thứ thủ tục pháp lý nào từ phía các doanh nghiệp này.
Trả lời phóng viên, đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thanh Liêm cho biết, sau khi có quyết định chấm dứt hoạt động xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Kiện Khê, các cơ quan chắc năng đã làm việc yêu cầu 5 doanh nghiệp: Công ty Long Quy, Công ty Phú Tài, Công ty Mạnh Linh, công ty Mạnh Cường và Công ty Văn Hoa làm thủ tục thuê đất với UBND tỉnh theo quy định hiện hành. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện nay các doanh nghiệp đang tiến hành thực hiện các thủ tục thuê đất với tỉnh, Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở trên cơ sở hiện trạng và có bổ sung, tổng mặt bằng phù hợp quy định về khoảng cách, cách ly. Tại Văn bản số 1419/SXD-PTĐT&HTKT ngày 26/8/2016 của Sở Xây dựng Hà Nam đã đề nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận dự án đầu tư xây dựng đối với các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục theo quy định.
Mọi việc đã rõ, những sai phạm đã được “điểm mặt”, tuy nhiên lý do gì mà các doanh nghiệp trên lại qua mắt các cơ quan chức năng dễ dàng như vậy, trong khi các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Doãn Xuân - Trần Hiếu – Trịnh Hiệu