Đại diện công ty Sunhouse khẳng định, khói thải nhà máy không độc hại, an toàn?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 12/07/2017
Khói đen do đốt dầu điều?
Trong bài viết Nhiều hộ dân "sống dở chết dở" vì khói thải nhà máy của tập đoàn Sunhouse, báo TN&MT đã phản ánh thông tin nhiều hộ dân tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội thời gian qua phải khổ sở vì nhà máy sản xuất của Tập đoàn Sunhouse (sau đây sẽ gọi là công ty Sunhouse) liên tục xả khí thải đen kịt, có mùi rất khó chịu ra môi trường làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và cây cối, hoa màu trong khu vực. Điều đáng nói ở chỗ, khu vực ảnh hưởng không chỉ nằm trên địa bàn của xã Ngọc Liệp mà người dân ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất (TP. Hà Nội) cũng bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi hoạt động của lò đốt.
Theo phản ánh từ các hộ dân, khói thải của nhà máy Sunhouse khiến lúa bị táp, ảnh hưởng tới năng suất lúa và cây trồng khác. Ngoài ra người dân quanh khu vực còn phải khốn khổ vì khói thải nhà máy có mùi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và đời sống của bà con (đặc biệt là người già và trẻ nhỏ).
Quang cảnh nhà máy Sunhouse ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai |
Nhằm làm rõ hơn thông tin phản ánh trên, phóng viên đã có buổi làm việc với bà Trịnh Thị Vân, cán bộ phụ trách truyền thông của tập đoàn Sunhouse. Tại buổi làm việc, bà Vân cho biết, khu vực xả khói đen xuất phát từ lò nấu nhôm trong khu sản xuất của nhà máy.
“Để làm ra những sản phẩm gia dụng như: nồi, chảo... chúng tôi phải mua về những khối nhôm rất lớn rồi nung chảy nó ra, cán thành những sản phẩm khác nhau. Quá trình nấu nhôm đó, công ty chúng tôi sử dụng nhiên liệu là dầu điều. Bản chất của nó là chất hữu cơ nên không gây độc hại và cũng không làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Sở dĩ khói thải có màu đen vì quá trình đốt dầu điều nó cũng giống như chúng ta đốt rơm, đốt rạ. Lúc đầu khi mới khởi động, vận hành lò nấu nhôm thì khói sẽ bị đen. Nhưng nó chỉ bị giai đoạn đầu, sau đó hiện tượng đó giảm dần đi chứ không phải cả ngày xả khói đen”.
Tuy nhiên, văn bản số 910/UBND – TNMT ngày 01/6/2017, UBND huyện Quốc Oai báo cáo UBND TP. Hà Nội về tình hình kiểm tra, phát hiện vi phạm và trình hồ sơ đề nghị thành phố xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty Sunhouse lại khẳng định: “Công ty chưa có hệ thống xử lý khí thải, khí thải lò đốt (đốt bằng nguyên liệu than, dầu) được xả trực tiếp vào ống khói cao 3m so với mái nhà xưởng”.
Đền bù cho các hộ dân bị táp lúa vì ... tình nghĩa?
Trong bài báo trước, báo TN&MT cũng phản ánh thông tin, khí thải của nhà máy Sunhouse đã làm chết nhiều diện tích lúa của nhân dân xã Ngọc Liệp và nhân dân ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất (TP. Hà Nội). Năm 2016, công ty Sunhouse cũng đã làm việc với đại diện UBND xã Bình Phú và đồng ý đền bù thiệt hại cho các hộ dân có diện tích lúa bị ảnh hưởng. Tổng số tiền đền bù là khoảng gần 15 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Cấn Văn Thường, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Phú (xã Bình Phú) thừa nhận thông tin này với phóng viên. Ông Thường cũng cho biết: “Năm 2017, số diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi khói nhà máy có giảm hơn so với năm ngoái nhưng nhiều hộ dân vẫn bị thiệt hại. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, công ty Sunhouse chưa có động thái gì để đền bù cho bà con”.
Nhà máy của tập đoàn Sunhouse (xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai) xả khói đen xì |
Mặc dù các văn bản làm việc giữa công ty Sunhouse với UBND xã Bình Phú đều ghi rất rõ là đền bù thiệt hại cho người dân có diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi khí thải của nhà máy, thế nhưng trao đổi với phóng viên báo TN&MT, bà Trịnh Thị Vân lại giải thích nguyên nhân công ty chấp nhận đền bù cho các hộ dân là vì: “Hiện không có văn bản nào khẳng định việc lúa chết là do khói thải của công ty chúng tôi. Nhưng vì lãnh đạo công ty Sunhouse nhận thấy người dân trồng cây lúa ra quá vất vả nên chúng tôi tiến hành hỗ trợ bà con nông dân. Vì thế việc hỗ trợ bà con vì tình nghĩa chứ không đơn vị nào chứng minh được khí thải của công ty gây ảnh hưởng đến diện tích lúa”.
Như vậy, dù công ty Sunhouse lớn tiếng khẳng định khói nhà máy của họ được đốt từ dầu điều nên an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân nhưng kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền lại khẳng định hoàn toàn ngược lại. Vậy công ty Sunhouse có đang “cố đấm ăn xôi”? Và công ty này còn những sai phạm nào đã từng bị cơ quan chức năng nhắc nhờ, xử lý?
Phóng viên báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Phạm Văn