Hồ Thác Bà – Yên Bái: Dự án phải có ĐTM được phê duyệt trước khi cấp phép xây dựng

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 05/07/2017

(TN&MT) – Đó là câu trả lời của Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) khi được phóng viên hỏi về tính pháp lý...
(TN&MT) – Đó là câu trả lời của Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) khi được phóng viên hỏi về tính pháp lý xung quanh câu chuyện trước khi cấp giấy phép xây dựng cho các Dự án thì có cần phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường – ĐTM được phê duyệt hay không?.
 
Hiểu luật thế nào cho đúng
 
Trước thực trạng nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng cho các Dự án “lờ đi” luật Bảo vệ môi trường, bỏ qua thủ tục xem xét các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trước khi cấp phép xây dựng dẫn đến hậu quả xấu, làm cản trở tiến trình đầu tư thuận lợi của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) để làm rõ tính pháp lý cũng như những bất cập (nếu có) đang tồn tại giữa Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường. Cả hai Luật này đều có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.
 
Theo lời vị Phó giám đốc sở TN&MT Yên Bái thì nếu áp theo luật Bảo vệ môi trường, Công ty TNHH đá trắng Bảo Lai vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật
Theo lời Phó giám đốc sở TN&MT Yên Bái, việc cấp phép xây dựng trước khi có ĐTM được phê duyệt  là vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ môi trường
 
Theo Luật sư Vi Văn Diện, Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 có quy định rất rõ về yêu cầu bảo vệ môi trường rồi. Cụ thể trong giai đoạn khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng, tại khoản 5 Điều 82 có quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng.
 
Tiếp đó, tại khoản 3, khoản 4 Điều 91 Luật Xây dựng còn quy định phải bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh. Đồng thời phải có thiết kế xây dựng công trình đã được kiểm duyệt theo Điều 82 của luật này.
 
Đối với điều kiện cấp phép giấy phép xây dựng của công trình không theo tuyến ngoài đô thị thì tại khoản 2 Điều 92 Luật Xây dựng về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị cũng yêu cầu phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 91 của Luật Xây dựng.
 
Ngoài ra, tại Điểm d, khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định tại Luật này để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
 
Đó là về Luật Xây dựng, còn theo Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014 và có hiệu lực từ 01/01/2015 quy định cũng rất chi tiết. Cụ thể tại khoản 2 Điều 19 về thực hiện đánh giá tác động môi trường thì “việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án” và tại mục d, khoản 2 Điều 25 về “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc Cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng”.
 
Dự án tấm pin năng lượng mặt trời Ja Solar của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam được khởi công xây dựng tại KCN Quang CHâu - Việt Yên - Bắc Giang cũng bị Bộ TN&MT tuýt còi về hành vi cấp giấy phép xây dựng khi chưa có ĐTM được phê duyệt

Dự án tấm pin năng lượng mặt trời Ja Solar của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam được khởi công xây dựng tại KCN Quang CHâu - Việt Yên - Bắc Giang cũng bị Bộ TN&MT tuýt còi yêu cầu đình chỉ thi công bởi dự án được cấp phép xây dựng khi chưa có ĐTM được phê duyệt

 
Từ những dẫn chứng trên đã cho chúng ta thấy, rất nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng thời gian qua “vô tư” cấp phép xây dựng ồ ạt cho các dự án dẫn đến hàng loạt cộng trình được cấp phép và thi công công trình khi chưa thực hiện các thủ tục pháp luật khác, cụ thể là ĐTM chưa được phê duyệt. Hậu quả là hàng loạt công trình gây tác động xấu đến môi trường được dựng lên để sau này nhà nước và nhân dân phải giải quyết như chúng ta đã và đang thấy nó diễn ra. Do đó, rất cấp thiết Quốc hội và Chính phủ phải sớm có giải pháp đối với vấn đề này – Luật sư Vi Văn Diện nói thêm.
 
Nhiều Dự án bị “tuýt còi” vì không có ĐTM
 
Như chúng tôi đã đưa tin ở các bài báo trước, ven hồ Thác Bà có một số dự án xây dựng và hoạt động trái với luật Bảo vệ môi trường và một số Văn bản hướng dẫn ban hành. Trong đó đáng kể nhất là một dự án được UBND huyện Yên Bình cấp phép xây dựng cho Chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng rầm rộ các công trình kiên cố trong thời gian gần 2 năm mới bị sở TN&MT Yên Bái đề nghị “tạm dừng” để hoàn thiện hồ sơ ĐTM chờ UBND tỉnh Yên Bái... phê duyệt.
 
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất bị đình chỉ thi công trong thời gian vừa qua. Trước đó, Báo TN&MT đã có một loạt bài viết “điểm mặt chỉ tên” một số dự án được cấp phép xây dựng nhưng chưa có ĐTM được phê duyệt tại một số tỉnh thành phía Bắc khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
 
Có thể kể đến dự án tấm pin năng lượng mặt trời - Ja Solar của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam được khởi công xây dựng tại KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 280 triệu đô la mỹ nhưng chưa có ĐTM được Bộ TN&MT phê duyệt. Sau khi báo nêu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải báo cáo, dự án bị đình chỉ thi công để chờ ĐTM được phê duyệt.
 
Việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các dự án xung quanh hồ Thác Bà đã gây ra hậu quả nhãn tiền là hàng loạt nhà máy, xưởng sản suất vô tư xả thải thẳng ra hồ Thác Bà
Rất nhiều Dự án xung quanh hồ Thác Bà vô tư lấn hồ và xả thải ra hồ Thác Bà không cần giấy phép xả thải
 
Một vụ việc khác cũng có sai phạm tương tự được đăng tải trên Báo TN&MT đó là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Vạn Phúc - Vạn Phúc City của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Vạn Phúc được triển khai tại TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù chưa có ĐTM được Bộ TN&MT phê duyệt nhưng Chủ đầu tư đã cho triển khai xây dựng ồ ạt cơ sở hạ tầng trên diện tích khoảng 1,5 ha, khối lượng san lấp khoảng 20.000m3.
 
Cả hai Dự án trên đều bị Bộ TN&MT “tuýt còi” và yêu cầu đình chỉ thi công bởi Chủ đầu tư sau khi có Giấp phép xây dựng được cơ quan thẩm quyền cấp phép đã cho dự án triển khai thi công trong khi chưa được phê duyệt ĐTM, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 
 
Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết: Việc cấp Giấy phép xây dựng và cấp ĐTM là hai việc hoàn toàn khác nhau. Cấp Giấy phép xây dựng sẽ theo Luật Xây dựng, còn Báo cáo đánh giá tác động môi trường là theo Luật Bảo vệ môi trường, hai cái này khác nhau(?!). Khi làm thủ tục cấp phép xây dựng thì phải có ĐTM được phê duyệt hay không, quy định pháp luật cũng không rõ, đây là điểm bất cập trong luật, luật chưa được đồng bộ thống nhất, Luật Xây dựng cứ làm theo Luật Xây dựng thôi.

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 
Doãn Hưng – Đức Hà