Vụ 10 năm mòn mỏi chờ tái định cư ở TP. Ninh Bình: Tiếp tục chờ và đợi?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 27/06/2017

(TN&MT) – Báo Tài nguyên và Môi trường ra ngày 13/04/2017 có bài “TP. Ninh Bình:  Người dân mòn mỏi chờ tái định cư”, phản ánh gần 10 năm nay 68 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng chưa được GPMB chuyển đến nơi ở mới, công trình nhà cửa, cuộc sống, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, theo TP. Ninh Bình thì 68 hộ dân này vẫn sẽ phải tiếp tục chờ và đợi?.             

Ngay sau khi Báo ra đã nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân và đặc biệt là bà con nhân dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình vì 10 năm đằng đẵng mòn mỏi, thấp thỏm chờ GPMB, di dời, tái định cư là quãng thời gian quá dài và mệt mỏi với 68 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án khu cây xanh, lòng hồ Công viên văn hóa Tràng An.

Nhiều công trình nhà cửa bị xuống cấp, hư hỏng sau 10 năm chờ đợi tái định cư
Nhiều công trình nhà cửa bị xuống cấp, hư hỏng sau 10 năm chờ đợi tái định cư            


Tuy nhiên, theo Báo cáo của UBND TP. Ninh Bình thì 68 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất nằm trong phạm vi quy hoạch, GPMB xây dựng Công viên văn hóa Tràng An do Sở Du lịch Ninh Bình làm chủ đầu tư, UBND TP. Ninh Bình chỉ được giao nhiệm vụ GPMB. Đến nay, chưa thực hiện công tác GPMB đối với 68 hộ gia đình nêu trên với lý do: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 85, Luật Đất đai năm 2013, việc GPMB chỉ thực hiện khi đủ các điều kiện: Bố trí nguồn kinh phí để chi trả, hoàn thiện khu tái định cư để phục vụ cho nhân dân xây dựng nhà ở mới. Do chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn kinh phí nên công tác GPMB chậm thực hiện. Đến nay, chủ đầu tư mới chỉ bố trí đủ kinh phí GPMB để xây dựng khu tái định cư. Thành phố đã thực hiện xong công tác GPMB và đang đề xuất với chủ đầu tư khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng tại khi tái định cư. Sau khi chủ đầu tư xây dựng xong cơ sở hạ tầng khu tái định cư và bố trí đủ kinh phí GPMB cho 68 hộ lúc đó thành phố sẽ triển khai GPMB đối với 68 hộ.           

Ông Phạm Viết Phú một trong 68 hộ dân thôn Ích Duệ cho biết: Vì thuộc vùng dự án nên gần 10 năm nay chúng tôi không được phép xây mới nhà ở hoặc các công trình phụ trợ khác, chỉ được sửa chữa thông thường. Nhưng nhà cấp 4 xây từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng nên dù có sửa chữa thông thường thì cũng chỉ được một thời gian ngắn sau đó lại xuống cấp rất nhanh. Hiện, nhiều vị trí trong nhà đã bị thấm, dột, một số điểm trong nhà bị nứt vẫn chưa thể sửa chữa, khắc phục được, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Từ đó đến nay người dân càng chờ di dời, càng ngóng tái định cư càng không thấy. Nhà cửa thì xuống cấp, nứt, thấm dột mỗi khi trời mưa, đó là chưa kể mùa mưa bão đang đến gần khiến người dân càng thêm bất an. Ngoài nhà ở của gia đình bị nứt sửa chữa bất thành thì cũng còn nhiều công trình phụ trợ khác gia đình cũng muốn xây mới để sử dụng lâu dài, đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt nhưng vì thuộc vùng dự án nên cũng không được xây dựng mới. Đến chuồng nuôi dê cũng phải tận dụng lại từ căn nhà cũ, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, giờ chỉ dùng bạt che tạm thế nên đàn dê của gia đình hay bị ốm, chết.

68 hộ dân sẽ phải chịu đựng điệp khúc chờ và đợi đến bao giờ?
68 hộ dân sẽ phải chịu đựng điệp khúc chờ và đợi đến bao giờ?

           

Đó là chưa kể đến việc mặt bằng dở dang nhiều năm nay được san lấp cao hơn đường và nhà dân nên mỗi khi trời mưa, khu vực này dễ bị ngập úng cục bộ kéo dài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của bà con.

Còn việc công trình, nhà cửa của 68 hộ dân bị xuống cấp, hư hỏng thì theo Báo cáo của UBND TP. Ninh Bình: Để đảm bảo đời sống của 68 hộ gia đình không bị ảnh hưởng, thành phố vẫn đảm bảo các điều kiện cho các hộ sinh hoạt như: đường giao thông, cấp điện, cấp nước sinh hoạt, công tác an ninh trật tự… và vẫn giải quyết thủ tục cho phép các hộ gia đình được sửa chữa, cải tạo công trình để sử dụng.

Như vậy, sau gần 10 năm mòn mỏi chờ GPMB, tái định cư thì 68 hộ dân thuộc vùng dự án này cũng không còn cách nào khác là tiếp tục điệp khúc chờ và đợi? Cuộc sống, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn vẫn không còn cách nào khác là “cắn răng mà chịu” chờ dự án tiến độ rùa.

Bài và ảnh: Anh Tú