Người dân kịch liệt phản đối việc khai thác cát trên sông Hà Thanh

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 23/06/2017

(TN&MT) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu khẳng định việc tỉnh cấp phép cho các đơn vị khai thác cát là nhằm phục vụ lợi ích chung, và tỉnh sẽ tạm...

 

(TN&MT) - Chủ trì buổi đối thoại ngày 22.6 với người dân xã Canh Vinh và Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định) về tình hình khai thác cát trên sông Hà Thanh (đoạn qua địa phận 2 xã nói trên), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu khẳng định việc tỉnh cấp phép cho các đơn vị khai thác cát là nhằm phục vụ lợi ích chung, và tỉnh sẽ tạm ngừng nếu việc khai thác cát đe dọa đời sống và sức khỏe người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu tại buổi đối thoại với dân ngày 22.6.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu tại buổi đối thoại với dân ngày 22.6.

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đã cấp 6 giấy phép cho 6 đơn vị khai thác cát trên sông Hà Thanh; trong đó, xã Canh Vinh có 5 đơn vị, Canh Hiển 1 đơn vị. Tổng diện tích của 6 mỏ cát là 22,65 ha, tổng trữ lượng 560,8 ngàn m3 cát; tổng công suất khai thác 85.000 m3 cát/năm. Các khu vực này đều thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của tỉnh; thuộc thẩm quyền cấp phép và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2421/QĐ-UBND ngày 9.7.2015.

Dân lo sạt lở bờ sông, cạn mạch nước ngầm

Dù 6 đơn vị đã được UBND tỉnh cấp phép, nhưng từ năm 2015 đến nay, do người dân địa phương kiên quyết ngăn cản nên tất cả đều chưa thể khai thác. Giải thích lý do này, tại buổi đối thoại ngày 22.6, nhiều người dân cho rằng: Cách đây khoảng 7 - 8 năm, hoạt động khai thác tại các mỏ cát trên sông Hà Thanh gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho đời sống người dân sống trong khu vực. Trong đó, đáng kể nhất là tình trạng bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, giếng nước bị cạn, một số nhà dân có hiện tượng nứt, hư hỏng. Nay UBND tỉnh tiếp tục cấp phép cho các đơn vị khai thác cát, chỉ một đoạn sông ngắn (khoảng 4 - 5km) mà phải “cõng” 6 mỏ cát nên họ lo lắng những tác động tiêu cực sẽ nghiêm trọng hơn.

Cụ ông Nguyễn Duy Đỉnh (90 tuổi, thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh) bày tỏ: “Người dân không phản đối chủ trương của tỉnh, nhưng nhiều năm nay, hoạt động khai thác cát trên sông Hà Thanh đã làm hủy hoại môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đời sống của hàng trăm hộ gia đình. Thực tế này khiến người dân địa phương “đồng lòng” ngăn cản hoạt động khai thác cát tới cùng”. Cùng ý kiến, ông Đỗ Minh Trinh (thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh) cho biết: Mỗi năm bờ sông sạt lở một ít, đến nay nhà ông nằm cách mép sông chỉ khoảng 15m nên luôn thấp thỏm mỗi khi mùa mưa, lũ đến. Ông lo lắng nếu các mỏ cát đồng loạt hoạt động, sẽ khiến dòng chảy thay đổi, bờ sông sạt lở nặng hơn.

“Ngoài ra, tình trạng cạn kiệt mạch nước ngầm do khai thác cát cũng khiến bà con chúng tôi rất khổ sở. Dân chúng tôi phải bỏ hàng chục triệu đồng khoan giếng ngầm để có nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi. Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đi kiểm tra thực tế, giải quyết thấu tình đạt lý những nỗi khổ và bức xúc của người dân rồi mới quyết định cho phép các đơn vị khai thác cát”, ông Nguyễn Ngọc Đức (thôn Tân Vinh) trình bày.

- Ông Nguyễn Duy Đỉnh lo lắng hoạt động khai thác cát trên sông Hà Thanh sẽ hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân.
- Ông Nguyễn Duy Đỉnh lo lắng hoạt động khai thác cát trên sông Hà Thanh sẽ hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân.

“Sẽ đình chỉ hoạt động nếu việc khai thác cát ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân”

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu với người dân xã Canh Vinh và Canh Hiển tại buổi đối thoại sáng qua. Ông Châu nói: Đúng là trước kia, các doanh nghiệp khai thác cát hoạt động còn để xảy ra một số thiếu sót như khai thác không đúng phạm vi quy định; quá trình khai thác, vận chuyển cát ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý dứt điểm. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định cấp phép cho các đơn vị hoạt động khai thác cát theo đúng thẩm quyền và các quy định hiện hành của pháp luật. Việc khai thác cát nhằm phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng của tỉnh, phục vụ lợi ích chung chứ không vì lợi ích của bất cứ cá nhân, đơn vị nào. Mặt khác, tới nay vẫn chưa có cơ sở chính xác để kết luận việc sạt lở bờ sông, cạn kiệt mạch nước ngầm là do hoạt động khai thác cát gây ra. Trường hợp hoạt động khai thác cát ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân, UBND tỉnh sẽ lập tức đình chỉ hoạt động.

Tại buổi đối thoại, đại diện Sở Xây dựng, Sở TN-MT Bình Định, cũng cho rằng: Tất cả các mỏ khai thác cát đều đã được quy hoạch, có đánh giá tác động môi trường. Tình trạng sạt lở bờ sông và cạn kiệt nguồn nước ngầm trên địa bàn xã Canh Vinh, Canh Hiển nói riêng, huyện Vân Canh nói chung do nhiều yếu tố tự nhiên, địa chất tác động; chứ không phải do khai thác cát như một số người dân khẳng định.

Ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, phân tích thêm: “Khai thác cát phục vụ mục đích xây dựng là nhu cầu tất yếu, không phải vì lợi ích của bất cứ ai”, và đề nghị: “Người dân cần có tiếng nói chung với địa phương và tỉnh để hoạt động khai thác cát diễn ra trong khuôn khổ cho phép, đảm bảo lợi ích chung của Nhà nước và người dân”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu một lần nữa khẳng định: “Chính quyền từ cơ sở đến huyện, tỉnh đều có trách nhiệm trong việc chăm lo, bảo vệ đời sống người dân. Do vậy, việc một số bà con cho rằng các cấp, các ngành vì lợi ích riêng nên mới cấp phép khai thác là không chính xác; việc này hoàn toàn vì lợi ích chung với mục đích quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương. Tỉnh, huyện sẽ xem xét, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống kè dọc sông Hà Thanh, cũng như hệ thống nước sạch để đảm bảo đời sống cho bà con. Riêng việc một số người dân ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sắp tới đây, UBND tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan có biện pháp làm việc, xử lý theo đúng quy định pháp luật”.

Bài & ảnh:  Hoàng Nguyên