Bình Định: Ngang nhiên đổ đất, cát lấp nhánh sông Hà Thanh

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 19/05/2017

(TN&MT) - Từ đầu năm 2017 đến nay, 10 hộ dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tổ 1, KV 6, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định) lâm vào cảnh thất bát, thua lỗ vì...

 

(TN&MT) - Từ đầu năm 2017 đến nay, 10 hộ dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tổ 1, KV 6, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định) lâm vào cảnh thất bát, thua lỗ vì nguồn nước lợ phục vụ NTTS bị ngọt hóa. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do nhà thầu thi công cầu Hoa Lư và cầu Điện Biên Phủ đổ đất, cát chặn dòng chảy trên nhánh sông Hà Thanh để thi công dự án.

Công ty TNHH Phúc Lộc cho xe đổ đất, cát chặn dòng nhánh sông Hà Thanh để thi công cầu Điện Biên Phủ khiến khiến dòng chảy bị gián đoạn.
Công ty TNHH Phúc Lộc cho xe đổ đất, cát chặn dòng nhánh sông Hà Thanh để thi công cầu Điện Biên Phủ khiến khiến dòng chảy bị gián đoạn.

Đổ đất, cát chặn dòng làm nước ngọt hóa

Theo người dân ở địa phương, nhánh sông Hà Thanh chảy qua địa bàn phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) có tác dụng dẫn, điều tiết lượng nước mặn chảy từ phía bắc đầm Thị Nại vào vùng NTTS tại tổ 1, KV6, phường Nhơn Phú; đồng thời, là “cửa” thoát lũ đổ ra đầm Thị Nại khi có mưa lớn xảy ra. Thế nhưng, thời gian qua việc đổ đất, cát trên đoạn sông để phục vụ thi công cầu Hoa Lư và cầu Điện Biên Phủ đã chặn dòng chảy.

Theo bà Hồ Thị Nữ, cán bộ Khuyến ngư phường Nhơn Phú, việc đổ, cát chặn dòng trên nhánh sông Hà Thanh đã làm gián đoạn dòng chảy nghiêm trọng. Cụ thể, nước mặn trong đầm Thị Nại theo thủy triều mà lên xuống đổ về nhánh sông Hà Thanh dẫn về nơi NTTS ở KV6, phường Nhơn Phú bị thu hẹp dòng chảy, lưu lượng nước chảy về nhỏ giọt, không đủ cung cấp cho hoạt động nuôi trồng. Trong khi đó, nước ngọt ở vùng thượng lưu đổ về vùng NTTS này nhiều, nhưng chảy ra khu vực cầu Điện Biên Phủ thì bị chặn lại bởi lớp đất, cát mà Công ty TNHH Phúc Lộc cho xe đổ xuống. Hệ quả, nước mặn không chảy về vùng NTTS, cộng dồn việc nước ngọt ùn ứ không thoát ra đầm Thị Nại. Vì vậy, nguồn nước tại khu vực NTTS ở KV6 trở nên ngọt hóa, không đảm bảo nồng độ mặn, dẫn đến tình trạng tôm, cua, cá thả nuôi bị nhiễm bệnh, chậm lớn, chết non, gây thiệt hại cho người dân.

Ông Lê Kim Thắng (54 tuổi, trú tổ 1, KV6, phường Nhơn Phú), buồn bã nói: “Tôi nuôi tôm thẻ chân trắng ở khu vực này từ năm 2012 đến nay, nhưng chưa thấy năm nào khốn đốn như năm nay. Từ đầu năm 2017 đến nay, trên diện tích mặt nước hiện có 7.800m2 tôi thả tất thảy 2 đợt nuôi. Trung bình mỗi đợt, tôi thả nuôi khoảng 20.000 con tôm thẻ chân trắng, 3.000 con cua và 1.000 con cá chua, song thả đợt nào tôm, cá cũng chết sạch, thiệt hại hơn 20 triệu đồng. Trước tình trạng này, người NTTS chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng kiểm tra, có biện pháp khắc phục để ngăn và điều tiết nguồn nước ngọt; tuy nhiên đến nay, kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết”.

Ông Nguyễn Văn Định, trú 47 Hùng Vương, TP Quy Nhơn buồn bã về vụ mùa thả nuôi tôm thất bại.
Ông Nguyễn Văn Định, trú 47 Hùng Vương, TP Quy Nhơn buồn bã về vụ mùa thả nuôi tôm thất bại.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Định, ở 47 đường Hùng Vương, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), người đang thuê UBND phường Nhơn Phú 3 ha (18 triệu đồng/ha/năm) mặt nước để NTTS cũng vừa trải qua vụ mùa thất bát, thua lỗ nặng nề. “Ở đợt 1 theo lịch thả nuôi vào cuối tháng 2.2017, tôi thả 60.000 con tôm thẻ chân trắng nước lợ và 9.000 con cua, nhưng thả nuôi được thời gian ngắn thì tôm chết hàng loạt. Ngày 2.5 vừa qua, tôi thả tiếp đợt 2 với số lượng 60.000 con tôm thẻ chân trắng, nhưng tôm cũng chết sạch. Cả 2 đợt thả nuôi, tôi mất trắng hơn 60 triệu đồng”, ông Định bức xúc.

Theo bà Nữ, lúc đơn vị thi công chưa đổ đất, cát lấp sông, nguồn nước trên nhánh sông Hà Thanh dẫn về khu NTTS ở KV6, phường Nhơn Phú rất ổn định. Độ mặn dao động từ 18-20 phần ngàn (%o) rất phù hợp cho NTTS nước lợ. Thế nhưng từ khi đoạn sông Hà Thanh bị chặn dòng, nguồn nước ở vùng nuôi bị ngọt hóa trầm trọng. Độ mặn của nước ở khu NTTS này chỉ dao động từ 0-2 phần ngàn, không đảm bảo cho hoạt động NTTS nước lợ.

Bà Nữ dẫn chứng, cầu Hoa Lư lúc chưa triển khai, chiều rộng nhánh sông Hà Thanh hơn 100m. Đến khi đơn vị thi công đã cho xe chở đất, cát đổ đổ lấp hai bên dòng, chiều rộng lòng sông còn 18m. Tương tự, Công ty TNHH Phúc Lộc cũng cho xe chở đất, cát chặn dòng để thi công cầu Điện Biên Phủ, nhưng bố trí 2 cống bi thoát nước quá nhỏ, không đảm bảo cho việc dẫn, thoát nước. Dòng chảy bị thay đổi như vậy thì làm sao lưu lượng nước đi và đến vùng NTTS ở KV6 ổn định được.

Để thi công cầu Hoa Lư, nhà thầu thi công đổ đất, cát chặn dòng, làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến nguồn nước NTTS cho bà con ở KV6, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn).
Để thi công cầu Hoa Lư, nhà thầu thi công đổ đất, cát chặn dòng, làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến nguồn nước NTTS cho bà con ở KV6, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn).

Cần giải quyết kịp thời, dứt điểm

Trước thực tế này, UBND phường Nhơn Phú đã có báo cáo gửi UBND TP Quy Nhơn nhờ can thiệp. Ngày 11/5, ông Lê Anh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn đã ký văn bản số 145/BC-UBND báo cáo UBND tỉnh về việc đơn vị thi công xây dựng cầu Hoa Lư và cầu Điện Biên Phủ ngăn dòng nhánh sông Hà Thanh làm ảnh hưởng đến nguồn nước NTTS của bà con ở KV6, phường Nhơn Phú.

Ngày 17/5, PV đã liên lạc với đại diện chủ đầu tư dự án công trình cầu Hoa Lư là BQL Dự án Giao thông tỉnh Bình Định và đơn vị thi công cầu Điện Biên Phủ là Công ty TNHH Phúc Lộc để tìm hiểu sự việc đổ đất, cát lấp nhánh sông Hà Thanh.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Thanh Bình, phó Phòng điều hành Dự án 2 BQL Dự án Giao thông tỉnh Bình Định, cho biết: “Quá trình thi công cầu Hoa Lư nhà thầu thực hiện đúng theo thiết kế. Chỉ có thời điểm thi công các hạng mục khoan cọc nhồi, đổ bệ, lên thân trụ, nhà thầu có cho xe đổ đất, cát xuống lòng sông để đưa vật tư, thiết bị phục vụ thi công, nhưng vẫn chừa dòng để nước chảy bằng việc bố trí 4 cầu tạm nổi, mỗi cầu dài 6m. Sau khi nhận báo cáo của UBND TP Quy Nhơn, Ban đã yêu yêu cầu nhà thầu thi công cho phương tiện đào, múc đất, khơi thông để mở rộng dòng chảy theo yêu cầu của thành phố là 40m. Đến nay, công tác này đã hoàn thành, đảm bảo để nước thông dòng”.

Về phía Công ty TNHH Phúc Lộc, ông Đinh Văn Kỳ, Phó Giám đốc Công ty này cũng xác nhận: “Đơn vị đã nhận được phản ánh của người dân. Hiện nay, chúng tôi đang cho phương tiện thu dọn một phần đất, cát để mở rộng thêm dòng chảy; đồng thời, sẽ đặt thêm cống dẫn nước”. Liên quan đến vấn đề trên, ông Đào Quý Tiêu, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay, Sở đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đi kiểm tra thực tế việc Công ty TNHH đổ đất, cát chặn dòng để thi công cầu Điện Biên Phủ tại khu vực giáp ranh giữa KV1, phường Đống Đa và KV6, phường Nhơn Phú và sẽ có kết quả báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh Bình Định trước ngày 23/5/2017.

 

Không giải quyết kịp là do công nhân không báo cáo với Ban Giám đốc!?

Trả lời câu hỏi vì sao Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc cho phương tiện đổ đất, cát chặn dòng gây ảnh hưởng đến NTTS bà con KV6, phường Nhơn Phú không được giải quyết kịp thời, ông Đinh Văn Kỳ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Lộc, nói: "Tôi mới nhận thông tin phản ánh của dân vào sáng 17/5. Sau đó, Công ty đã cho phương tiện múc đất để khơi thông thêm dòng chảy, đặt cống thoát nước. Trước đó, tôi nghe đâu bà con phản ánh với công nhân làm việc tại công trường. Song, công nhân lại không báo cáo với Ban Giám đốc công ty để có hướng khắc phục kịp thời (!?)".

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này. 

 

Bài & ảnh: Hoàng Nguyên