Dự án đường nối từ Lê Đức Thọ đến khu ĐTM Xuân Phương: Dân không được cấp đất tái định cư?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 15/05/2017
Ông Nguyễn Trọng Lượng đối thoại với hộ bà Trần Thị Bé, tại phòng tiếp công dân quận Nam Từ Liêm, ngày 8/5 |
Vì bức tường nên không được cấp đất TĐC
Sau khi nghe một số hộ dân phản ánh, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến chính sách bồi thương và cấp đất TĐC, PV Báo Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với ông Nguyễn Tiến Hùng, phó trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, được biết: Ngày 12-11-2008, UBND TP. Hà Nội ra Quyết định số 2004/QĐ-UBND, thu hồi 181.165m2 đất tại xã Mỹ Đình, xã Xuân Phương và thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) giao Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND huyện Từ Liêm để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường nối từ Lê Đức Thọ đến Khu đôi thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao với đường 70) theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao BT để thực hiện Dự án.
Theo quyết định này, sau khi có được mặt bằng sạch, Trung tâm Phát triển qũy đất huyện Từ Liêm có trách nhiệm phối hợp với Cty CP Tasco hoàn thiện hồ sơ xin giao đất, nộp Sở Tài nguyên và Môi trường Nhà đất thẩm định, trình UBND TP. Hà Nội thu hồi đất từ Trung tâm Phát triển quỹ đất giao cho Cty CP Tasco để thực hiện Dự án.
Năm 2011, UBND huyện Từ Liêm (lúc đó chưa lên quận) đã phê duyệt phương án bồi thường giải hỗ trợ TĐC, tại Quyết định số 15240/QĐ-UBND và Quyết định số 15241/QĐ-UBND, ngày 15/11/2010 của UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm). Mặc dù đã có phương án bồi thường hỗ trợ TĐC nhưng không hiểu vì lý do gì Dự án không được triển khai, mãi đến tháng 9/2016, UBND quận Nam Từ Liêm thay thế một loạt các phương án bồi thường hỗ trợ TĐC khác, tại Quyết định số 6173/QĐ-UBND, ngày 29/9/2016 của UBND quậ Nam Từ Liêm. Theo phương án này, các hộ dân chịu thiệt nhiều so với phương án năm 2011 mà trước đó Ban GPMB huyện Nam Từ Liêm đã công khai trước các hộ dân. Lẽ đó mà UBND quận Nam Từ Liêm đã có rất nhiều điều tiếng “lùm xùm” xoay quanh Dự án.
Bà Hoàng Thị Loan, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, bức xúc: Vợ chồng tôi cùng hai người em mua lại diện tích đất của ông Nguyễn Đức Chính, (bà Nghiêm Thị Khời) nguyên là cán bộ Công ty Giống gia súc Hà Nội từ nhiều năm trước. Quận Nam Từ Liêm thu hồi 277m2 đất và không cấp đất TĐC cho chúng tôi và 2 hộ gộp chung 1 phương án, số tiền mỗi hộ nhận được hơn 600 triệu đồng. Chúng tôi hỏi: Tại sao 2 hộ khác biệt lại gộp chung vào 1 phương án, thì chính quyền quận Nam Từ Liêm trả lời do 2 hộ không có tường ngăn trên thực địa.
Được biết, không riêng gì hộ bà Loan mà còn có nhiều gia đình khác cũng bị gộp phương án tương tự. Bà Trần Thị Bé, (70 tuổi), trú tại số 99, tổ 15, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, cho biết: Gia đình tôi có 4 hộ, gồm 2 thế hệ sinh sống (tôi, em gái tôi và 2 cậu con trai ngoài 40 tuổi, có gia đình riêng), UBND quận Nam Từ Liêm thu hồi của gia đình tôi hơn 500m2 đất, có nhà ở, xây từ năm 1987. Nhưng không hiểu sao họ đã gộp 4 hộ thành 2 phương án bồi thường, (tôi và em gái tôi thành 1 phương án, 2 con trai tôi là 1 phương án). Chính vì vậy, nên việc cấp đất TĐC cũng chỉ được 2 suất với mức mua hỗ trợ giá 50%. Chúng tôi hỏi tại sao lại gộp chung phương án thì họ trả lời do không có bức tường ngăn chia danh giới giữa các hộ. Trong khi đó, 2 con tôi đều có sổ hộ khẩu riêng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, quận Nam Từ Liêm, cho biết: Trong thực tế có nhiều trường hợp họ tự tách hộ. Nên chúng tôi xác định các hộ dựa trên gianh giới khuôn viên.
Tại Khoản 1, 2, Điều 6, Nghị định 47/2014 của Chính phủ Quy định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và được quy định tại Điều 79, Luật Đất đai 2013. Trường hợp trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.
Cũng tại Biên bản Ghi nhận hiện trạng nhà đất của Văn phòng Thừa phát lại, quận Nam Từ Liêm, ngày 11/10/2016, xác định rõ các hộ đều có hộ khẩu tại Khu tập thể, Cty Giống gia súc, tổ 15, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. Nhưng không hiểu sao trong quá trình thực hiện phương án đền bù GPMB quận Nam Từ Liêm lại chỉ áp dụng vào gianh giới của khuôn viên. Trong khi đó, phương án bồi thường GPMB được phê duyệt năm 2011, 2 hộ này được lập thành 2 phương án tách biệt, được nhận tiền tiền bồi thường 100% giá trị đất và được cấp đất TĐC.
Như vậy, việc thực hiện bồi thường GPMB quận Nam Từ Liêm đã đúng trình tự thủ tục, theo quy định của Luật Đất đai chưa? Tại sao giữa 2 phương án BTGPMB lại có sự khác biệt lớn đến như vậy? Nếu chủ trương đúng, quy trình thực hiện đúng, nhưng kết quả chưa đúng, phải chăng lỗi do người thực hiện?
Biên bản của UBND phường Cầu Diễn thỏa thuận, đồng ý cho hộ bà Trần Thị Bé cải tạo lại phần công trình nhà có sẵn là nhà cấp 4, trên diện tích đất nằm ngoài chỉ giới của Dự án. |
Vai trò của chính quyền quận trong những dự án BT
Qua xác minh đơn thư của hộ bà Trần Thị Bé, trú tổ 15, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, được biết: Tổng diện tích đất của gia đình bà Bé 737m2 nằm trọn trong 2 dự án; Dự án làm đường vừa kết thúc và Dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán, tại số 119, đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm.
Trước đó, UBND quận Nam Từ Liêm đã liên tiếp ra các văn bản để buộc các hộ dân, trong đó có hộ bà Trần Thị Bé phải giao đất, giao nhà. Bà Bé, cho biết: Ông Nguyễn Trọng Lượng, phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã đến nhà thuyết phục chúng tôi giao đất, giao nhà cho Dự án làm đường bằng cách; đồng ý cho tôi cải tạo diện tích nhà và đất nằm ngoài Dự án (có biên bản cam kết ngày 3/11/2016). Nhưng chỉ sau đó ít lâu cũng chính ông ấy lại gửi giấy mời gọi tôi lên để đối thoại, cưỡng chế chính công trình họ đã đồng ý cho làm.
Cùng tại buổi họp ngày 08/5/2017, ông Nguyễn Trọng Lượng, ra sức yêu cầu hộ bà Bé phải đập bỏ diện tích ngôi nhà còn lại nằm ngoài Dự án làm đường (vừa kết thúc) nhưng lại nằm trong quy hoạch của Dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán, (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 1929/QHKT-P5, ngày 20/6/2010) thì quận nam Từ Liêm mới để hộ bà Bé giữ lại ngôi nhà mà trước đó chính quyền quận này đã chấp thuận cho gia đình bà cải tạo, bịt tôn để lấy chỗ ở. Với lý do: “không làm thế người ta sẽ tị.”
Ngay sau khi kết thúc buổi đối thoại với bà Trần Thị Bé, ông Nguyễn Trọng Lượng cho biết về vai trò của chính quyền trong các Dự án BT: Chúng tôi tuyên tuyền vận động người dân, thực hiện đúng chủ trương... Nghĩa là, doanh nghiệp muốn lấy đất của người dân thì phải thương lượng với họ.
Như vậy, chính quyền quận Nam Từ Liêm cũng như các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các hộ dân bị thu hồi đất và lợi ích của doanh nghiệp trong tại Dự án này.
Đoạn đường Trần Hữu Dực, nằm trong Dự án tuyến đường nối từ Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương vừa khánh thành, bàn giao đi vào sử dụng 8/5. |
Để làm rõ hơn việc thu hồi đất, bồi thường, GPMB và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất của quận Nam Từ Liêm đối với 06 hộ gia đình có đất bị thu hồi, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường cócuộc trao đổi với luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng phòng tranh tụng – Công ty Luật Vietthink (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc. Xin luật sư cho biết việc thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất do UBND quận Nam Từ Liêm áp dụng đối với 06 hộ gia đình có đúng quy định Luật Đất đai hiện hành? Về quyết định thu hồi đất đối với 06 hộ gia đình, tôi cho rằng UBND quận Nam Từ Liêm ban hành quyết định thu hồi đất của 06 hộ này không có cơ sở pháp lý trái với quy định của pháp luật cụ thể các quyết định thu hồi này căn cứ vào Quyết định số 1825/QĐ-UBND ngày 19/4/2016 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2016 quận Nam Từ Liêm, tuy nhiên dự án Xây dựng tuyến đường nối từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao với đường 70) không nằm trong danh mục phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của quận Nam Từ Liêm theo quyết định số 1825, mặt khác dự án mở đường này thực hiện theo Hợp đồng BT (đổi đường lấy đất) được ký giữa nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tasco với UBND quận Nam Từ Liêm, theo đó nhà đầu tư bỏ tiền vốn tổng mức đầu tư lên đến 1.500 tỷ xây dựng 3,5 km đường, 01 cầu vượt, trong đó có chi phí GPMB là 193 tỷ đổi lại nhà đầu tư được hưởng 70ha đất dịch vụ, thương mại. Như vậy rõ ràng khi thực hiện dự án nhà đầu tư phải thỏa thuận với các hộ dân có đất bị thu hồi, tuy nhiên UBND quận Nam Từ Liêm ra quyết định thu hồi là trái quy định của pháp luật. Thưa luật sư ngoài các khoản tiền bồi thường về đất ở và tài sản gắn liền với đất, hỗ trợ di chuyển, 06 hộ gia đình có được bố trí đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất? Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai hiện hành, về nguyên tắc khi nhà nước thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và mục đích phát triển kinh tế…. người sử dụng đất bị thu hồi toàn bộ đất ở không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn xã/phường/thị trấn nơi có đất bị thu hồi thì được Nhà nước hỗ trợ bố trí đất tái định cư hoặc bằng căn hộ chung cư, tùy thuộc vào quỹ đất của từng địa phương. Đối với công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB và tái định cư trên địa bàn TP. Hà Nội - khoản 1, Điều 7 Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của Thành phố quy định: “hộ gia đình, cá nhân… có đủ điều kiện bồi thường mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở bị thu hồi, thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở trong các trường hợp: hộ gia đình cá nhân bị thu hồi toàn bộ đất ở” Theo quy định này 06 hộ gia đình bị thu hồi toàn bộ đất ở, không có nhà ở, đất ở tại địa bàn phường Cầu Diễn có đủ điều kiện bồi thường về đất ở, được bố trí đất tái định cư theo hạn mức giao đất ở mới trên địa bàn Thành phố, mỗi hộ gia đình được bố trí 01 suất đất tái định cư tối thiểu 30 m2 và tối đa không quá 90 m2 theo quy định. Riêng trường hợp hộ bà Tâm, ông Hưng không được bố trí đất tái định cư vì lý do bà Tâm, ông Hưng đã có nhà ở tại phường Thành Công là áp dụng chưa đúng pháp luật. Điều đáng lưu ý các Quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB và tái định cư đối với 17 hộ dân có đất bị thu hồi, Hội đồng bồi thường GPMB quận Nam Từ Liêm xác định nguồn gốc sử dụng đất đối với 17 hộ chưa phản ánh đúng thực trạng nguồn gốc sử dụng đất, trái với hướng dẫn của Ban chỉ đạo GPMB Thành phố tại Văn bản số 715/BCĐ-NV ngày 14/10/2011, lẽ ra họ có đủ điều kiện bồi thường về đất ở và khi nhà nước thu hồi toàn bộ đất ở mà không có chỗ ở nào khác trên địa bàn nơi có đất bị thu hồi, được bố trí đất tái định cư mỗi hộ không quá 90 m2/hộ. Tuy nhiên theo quyết định phê duyệt bồi thường mới đây hầu hết các hộ dân đều không đủ điều kiện bồi thường về đất ở. UBND Quận áp dụng Văn bản số 3491/UBND-TNMT ngày 25/5/2015 của UBND TP. Hà Nội, họ chỉ được nhận hỗ trợ về đất theo tỷ lệ % giá đất ở tại thời điểm thu hồi và chỉ được xét mua 01 suất đất tái định cư tối thiểu 30 m2 với điều kiện không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn nơi có đất bị thu hồi và nơi thường trú là điều bất hợp lý chưa thỏa đáng. Xin cảm ơn luật sư! |
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Bài & ảnh: Trần Hương