Chủ tịch tỉnh Bắc Giang yêu cầu làm rõ tình trạng phá rừng Yên Thế

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 01/05/2017

(TN&MT) – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan phối hợp, làm rõ, trả lời Báo Tài nguyên và Môi trường và báo cáo...
(TN&MT) – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan phối hợp, làm rõ, trả lời Báo Tài nguyên và Môi trường và báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 05/5/2017 về tình trạng phá rừng diễn ra trên địa bàn huyện Yên Thế để xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. 
 
Đại diện Hạt Kiểm lâm Yên Thế có mặt tại buổi làm việc
Ông Thân Minh Sâm (ngoài cùng bên phải) - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế và ông Phạm Văn Hiền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thế (thứ 2 từ phải sang) có mặt tại buổi làm việc
 
Tình trạng phá rừng ở Yên Thế là có thật
 
Đó là thông tin chủ đạo tại buổi làm việc giữa phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường với đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang là ông Dương Xuân Bánh - Phó giám đốc sở cùng đại diện UBND huyện Yên Thế, Hạt Kiểm lâm Yên Thế, một số sở, phòng ban và Công ty Cổ phần ĐTXD&TM Trường Lộc – Công ty Trường Lộc.
 
Tại buổi làm việc, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh việc chặt phá rừng đang diễn ra trên địa bàn huyện Yên Thế. Trong đó trọng tâm là làm rõ vì sao số liệu diện tích rừng bị phá lại có sự chênh lệch rất lớn giữa báo cáo của Hạt Kiểm lâm Yên Thế với Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang và thông tin cung cấp cho phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường. 
 
Trả lời thắc mắc này, đại diện Chi cục kiểm lâm Bắc Giang cho biết tình trạng phá rừng như bài báo phản ánh là có thật. Qua kiểm tra thực địa và xác định trạng thái rừng thì có tổng số hơn 6 ha rừng (số liệu Hạt Kiểm lâm Yên Thế cung cấp cho phóng viên là hơn 20 ha) bị tàn phá có hơn 2 ha thuộc sự quản lý, chăm sóc và bảo vệ của Công ty Trường Lộc, phần còn lại thuộc UBND các xã và của một số hộ dân nhận chăm sóc. Số diện tích còn lại (hơn 13 ha) được Kiểm lâm Bắc Giang xác định “không phải” là rừng(?!).
 
Để giải thích rõ hơn lí do vì sao chỉ qua một đêm nhưng lại có 2 bản báo cáo khác nhau rất lớn về diện tích rừng bị phá?. Ông Phạm Văn Hiền – Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Yên Thế cho biết: Những số liệu mà báo phản ánh (hơn 20 ha rừng bị tàn phá) đúng là số liệu của chúng tôi do hai tổ công tác của Hạt sau khi đi kiểm tra thực tế về báo cáo, tổng hợp lại. Tuy nhiên sau khi rà soát thì tôi đã “gạt ra” ngoài hơn 13 ha vì hiện trạng chỉ là đất trống hoặc cây tái sinh nên không được xác định là rừng. Chính vì vậy tôi mới không đưa vào nội dung bản báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang.
 
Đại diện UBND huyện Yên thế là ông Thân Minh Sâm – PCT huyện khẳng định nội dung bài báo về tình trạng phá rừng là có thật, số liệu về diện tích rừng bị phá được đăng tải là do phóng viên lấy từ cơ quan nhà nước chứ không phải do phóng viên tự nghĩ ra. Ông Sâm cho rằng không ở đâu có rừng lại không bị phá, chỉ là phá như thế nào, mức độ ra làm sao. Ngoài ra ông Sâm nhận định bài báo khai thác đề tài theo hướng có sự tiêu cực, buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý trên địa bàn.
 
Ông Lộc
Ông Ngô Xuân Trường - Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Lộc bức xúc trước những số liệu bài báo nêu (được lấy từ Hạt Kiểm lâm Yên Thế) và có những lời lẽ không đúng mực với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường
 
Còn ông Ngô Xuân Trường – Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Lộc trong tâm trạng bức xúc đã quy kết phóng viên bịa đặt thông tin, vi phạm Luật Báo chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Công ty. Ông Trường cho rằng phóng viên nhận tiền của dân để về viết bài sại sự thật và có những trao đổi “ngoài lề” với đại diện của Công ty Trường Lộc ở ngoài quán(?!). 
 
Đại diện Báo Tài nguyên và Môi trường là ông Lê Doãn Hưng – Phó phòng Báo điện tử có mặt tại buổi làm việc đã bác bỏ ngay những thông tin sai sự thật của ông Trường làm ảnh hưởng tới uy tín của Báo cũng như của phóng viên viết bài. Bởi trên thực tế, số liệu về phá rừng được lấy từ Hạt Kiểm lâm Yên Thế và nếu có sai thì trách nhiệm thuộc về đơn vị này. Ngoài ra, trong tất cả các buổi làm việc (trực tiếp cũng như qua điện thoại) của phóng viên với Công ty Trường Lộc, Hạt Kiểm lâm Yên Thế và người dân thì đều có ghi âm đầy đủ.
 
Phát biểu sau cùng, ông Dương Xuân Bánh – PGĐ Sở NN&PTNT kết luận tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Yên Thế như Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh là có thật nhưng không phải là lớn(?!). Qua buổi làm việc này, ông Bánh đề nghị các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng cần làm tốt hơn nữa, kịp thời có biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng. Bên cạnh đó, ông Bánh cũng cảm ơn cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời để giúp công tác quản lý ngành được tốt hơn.
 
Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc
 
Đó là thông tin chúng tôi nhận được từ Thanh tra tỉnh Bắc Giang về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và rừng trên địa bàn huyện Yên Thế. Nguyên nhân bởi nhiều năm nay, tình trạng quản lý đất và rừng tại huyện này có dấu hiệu chồng chéo giữa cơ quan nhà nước, các công ty, lâm trường và người dân. Từ đó dẫn tới tình trạng phá rừng, tranh chấp rừng rất phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
 
Việc phá rừng tại Yên Thế là có thật, điều này được chính đại diện của các cơ quan (Sở NN&PTNT - UBND huyện Yên Thế - Chi cục Kiểm lâm - Công ty Trường Lộc) có mặt tại buổi làm việc xác nhận
Việc phá rừng tại Yên Thế là có thật, điều này được chính đại diện của các cơ quan (Sở NN&PTNT - UBND huyện Yên Thế - Chi cục Kiểm lâm - Công ty Trường Lộc) có mặt tại buổi làm việc xác nhận
 
Trước đó như chúng tôi đã phản ánh, từ những cuộc điện thoại kêu cứu của người dân các xã Xuân Lương, Canh Nậu và xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) gọi đến số đường dây nóng Báo Tài nguyên và Môi trường. Nhóm phóng viên đã tìm về địa phương để ghi nhận tình trạng phá rừng tại đây. Theo ghi nhận của nhóm PV, tại rừng Nhoan, bản Đồng Cả (xã Canh Nậu). Cả một vạt rừng chủ yếu là những loại gỗ như Xoan Tranh, Xoan Nhừ, Táu với đường kính xấp xỉ khoảng 30 – 40 cm bị lâm tặc cưa sát gốc cây. Ngoài ra, có những cây đường kính lên tới 80 - 90 cm bị chặt hạ nằm dưới đất chưa vận chuyển đi được.
 
Theo số liệu được Hạt Kiểm lâm Yên Thế cung cấp, tại bản Đồng An (xã Đồng Tiến) trong khoảng thời gian từ năm 2016 – 2017 tổng cộng có khoảng 17,7 ha rừng bị phá, phát thực bì, cuốc hố để trồng keo, bạch đàn tại lô 1 và lô 2 khoảnh 1 bao gồm cả rừng tự nhiên trạng thái IIA, IIB. Ở bản Chay (xã Canh Nậu) có tổng cộng 2,7 ha rừng tự nhiên thuộc lô 2, khoảnh 1 là 1,3ha và lô 2 khoảnh 5 khoảng 1,4ha. Ngoài ra là tại bản Xoan (xã Xuân Lương) tại các lô 9, khoảnh 2; lô 13, khoảnh 3 và lô 126 khoảnh 2 diện tích rừng tự nhiên bị phá gần 2 ha.
 
Được biết, một phần diện tích rừng bị phá thuộc sự quản lý của Công ty Trường Lộc được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê theo Quyết định số 254/QĐ-UBND ngày 13/7/2011 với tổng diện tích 1.394,9 ha rừng và một phần diện tích thuộc sự quản lý của địa phương và của 1 số hộ gia đình nhận chăm sóc, bảo vệ.
 
Để xảy ra tình trạng phá rừng nhiều năm nay, thiết nghĩ không thể không truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ trông giữ, bảo vệ rừng. Qua đây có thể thấy, những gì Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh về việc phá rừng trên địa bàn huyện Yên Thế là có thật. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng trên địa bàn Yên Thế. Nếu phát hiện sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng rừng của các cá nhân, tổ chức thì cần xử lý nghiêm.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.
 
Mạnh Hưng – Vi Hải