Sơn La: Xây dựng nghĩa trang, hơn 100 hộ dân không đồng thuận
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/04/2017
Khu vực đất nông nghiệp dự kiến sẽ thu hồi triển khai xây dựng Nghĩa trang nhân dân tỉnh Sơn La |
Mất đất sản xuất và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước…
Để rộng đường dư luận, nhóm PV đã có mặt tại khu vực được cho là sẽ triển khai thu hồi để xây dựng Nghĩa trang nhân dân tỉnh Sơn La. Chỉ sau ít phút, đông đảo người dân bản Nà Hạ 2 đã có mặt tại khu vực này. Nỗi lo âu hằn sâu trên khuôn mặt mỗi người.
Ông Hà Văn Diêm, Phó Bí thư Chi bộ bản Nà Hạ 2 cho biết: Cả bản chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 28ha đất này phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 178 hộ dân, hơn 700 nhân khẩu. Từ trước tới nay, người dân bản cũng đã hiến đất cho nhiều dự án khác như Nhà máy gạch, luyện thép ở ngay địa bàn… Nhưng nếu tỉnh quy hoạch nghĩa trang tại khu vực này, nhân dân bản Nà Hạ sẽ mất hết đất sản xuất, một số hộ thì mất cả đất ở.
“Người nông dân chúng tôi đã sống bao năm tại đây, chỉ bám vào đất để sinh sống, trồng cà phê, trồng sắn, cây ăn quả… Giờ không còn đất sản xuất, đồng nghĩa an ninh lương thực, đời sống người dân bị ảnh hưởng. Rồi môi trường, không khí, người dân hàng ngày hàng giờ phải thấy những cảnh tang thương, ảm đạm. Nên chúng tôi không đồng tình nhất trí với chủ trương quy hoạch Nghĩa trang tại khu vực này” – ông Hà Văn Diêm bức xúc.
Anh Vì Văn Nam, một hộ dân có diện tích đất thuộc khu vực dự kiến thu hồi cũng cho biết: Gia đình tôi có hơn 5.000m2 đất, đã sinh sống tại đây từ những năm 1940. Hàng năm, tôi trồng cà phê, cho thu hoạch bình quân 60 triệu đồng/năm, đảm bảo nhu cầu cuộc sống. Nếu giờ tỉnh thu hồi đất, thì gia đình tôi mất hết đất, không còn đất sản xuất nông nghiệp, canh tác nữa. Dù rằng có được chuyển đổi ngành nghề khác, thì chúng tôi chỉ quanh năm suốt tháng cầm cày, cầm cuốc, biết chuyển sang ngành gì? Không chỉ thế, tôi không đồng thuận vì quy hoạch chỗ này quá gần dân, khu vực này có nhiều hang núi đá ngầm, mưa xuống thì tích tụ nước, phục vụ nước sạch sinh hoạt cho 4 bản. Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước là rất cao.
Người dân bản Nà Hạ 2 không đồng thuận với chủ trương xây dựng Nghĩa trang tại khu vực này. |
Bà Nguyễn Thị Nên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Nà Hạ 2, chán nản: Điều tôi băn khoăn nhất hiện nay là mất đất, mất rừng, đời con, đời cháu không có gì để sinh sống. Ngay khu vực này là rừng dẻ có từ bao đời nay, là lá phổi xanh của tỉnh. Dân chúng tôi đa số là sống sát rừng, cách nhau 1 hàng rào dây thép gai thôi. Thế mà giờ đây, tôi được biết, là trong giai đoạn 2, sẽ lấy vào diện tích đất rừng để làm nghĩa trang, nên chúng tôi không đồng tình. Mà theo chúng tôi được biết, vị trí này cũng không đủ tiêu chí làm nghĩa trang ở đây, vị trí xây nghĩa trang phải cách khu dân ở 1.500m, nhưng ở đây chưa được 100m.
Theo Đề cương tuyên truyền Dự án, việc khai thác, sử dụng nghĩa trang giai đoạn 2 (tính toán khai thác sau năm 2040) khoảng 10ha thuộc đất rừng Dẻ. |
Rất cần một cuộc đối thoại…
Được biết, hiện nay, nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La (nghĩa trang Bó Ẩn) dự kiến đến hết năm 2018 sẽ sử dụng hết số lô mộ có thể khai thác. Theo Đề cương tuyên truyền Dự án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang nhân dân tỉnh Sơn La, do Sở Xây dựng Sơn La là chủ đầu tư, việc lựa chọn vị trí địa điểm đã được khảo sát ở 7 vị trí (thành phố 4 vị trí, Mai Sơn 3 vị trí). Sau khi phân tích các vị trí về ưu, nhược điểm từng khu đất, tỉnh Sơn La dự kiến vị trí địa điểm xây Nghĩa trang tại khu vực bản Nà Hạ 1 và Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Cũng theo Bản Đề cương này, đây sẽ là dự án được thiết kế và xây dựng theo mô hình nghĩa trang công viên mới, văn minh, văn hóa, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm đất, đáp ứng yêu cầu an táng và hỏa táng của nhân dân.
Ông Lò Trung Đoàn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung, tỉnh Sơn La, trao đổi với PV Báo TN&MT |
Ông Lò Trung Đoàn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn cho biết: Về chủ trương quy hoạch xây dựng Nghĩa trang nhân dân của tỉnh, chính quyền xã hoàn toàn nhất trí cao chủ tương của tỉnh. Tỉnh đã khảo sát nhiều điểm, riêng Chiềng Mung có 3 điểm nhưng chỉ có khu vực bản Nà Hạ là phù hợp hơn cả. Song, hiện nay, tất cả mới dừng ở bước tuyên truyền, khảo sát vị trí, lâp đồ án quy hoạch, chưa triển khai đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất.
Tuy nhiên, nếu dự án được triển khai, với chính quyền địa phương, khó khăn lớn nhất hiện nay là dự án sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 60 hộ dân. Bà con không có đất canh tác nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Đất sản xuất không bố trí lại được, nên chúng tôi dự kiến, với những hộ bị thiệt hại sẽ trích 1 phần đất 5% của xã để tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhưng người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, nên giờ cấp đất kinh doanh buôn bán thì người dân không đồng tình.
Khu vực dự kiến xây dựng Nghĩa trang rất gần khu dân cư |
“Chúng tôi đã tổ chức đối thoại với người dân, qua đối thoại, người dân vẫn không đồng tình. Nên chúng tôi cũng rất lo lắng, đề nghị các cấp, các ngành tập trung cùng nhau tuyên truyền, vận động người dân, làm rõ những kiến nghị của người dân. Nếu triển khai dự án, về môi trường, trước khi đồ án vào thực thi, cần có cơ sở khoa học chứng minh rằng dự án không gây ảnh hưởng tới môi trường. Về ổn định đời sống, giải quyết công ăn việc làm cho người dân sau này như thế nào cũng cần làm rõ để người dân hiểu, yên tâm” – ông Lò Trung Đoàn nhấn mạnh.
Được biết, sáng mai (ngày 25/4), tỉnh Sơn La sẽ tổ chức tiếp công dân, thông tin làm rõ những băn khoăn, kiến nghị của người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này tới bạn đọc.
Nguyễn Nga