Tranh chấp đất rừng tại Yên Thế: Bắc Giang có làm trái với Thông tư của Bộ NN&PTNT?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/04/2017

(TN&MT) – Trong quá trình điều tra thu thập thông tin, phóng viên phát hiện ra hàng loạt những chuyện ly kỳ xoay quanh việc giao đất, giao rừng của UBND...
(TN&MT) – Trong quá trình điều tra thu thập thông tin, phóng viên phát hiện ra hàng loạt những chuyện ly kỳ xoay quanh việc giao đất, giao rừng của UBND tỉnh Bắc Giang cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế. Đặc biệt là việc Công ty này tự bàn giao rừng cho chính mình trước khi làm đơn xin thuê đất gửi UBND tỉnh Bắc Giang.
 
Tự lấy đất của mình… bàn giao cho chính mình
 
Theo điều tra của PV, cách đây gần 10 năm, ngày 05/5/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn ban hành Thông tư số 24/2009/TT-BNN hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quy hoạch sang rừng sản xuất ở các địa phương đã thực hiện các dự án trồng rừng. Theo đó, tại Điều 2 chương I về nguyên tắc quản lý trong quá trình chuyển đổi rừng thì các Ban QLDA 661 phải giao lại rừng cho tổ chức quản lý rừng trong đó ưu tiên cho các hộ gia đình đang sinh sống tại địa phương, các hộ gia đình đã được giao hoặc có các hợp đồng nhận khoán (trồng và bảo vệ rừng) trên diện tích rừng chuyển đổi”.
 
Năm 2010, ông Hoàng Văn Chúc tự mình làm Biên bản bàn giao rừng cho chính mình
Năm 2010, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế do ông Hoàng Văn Chúc làm Giám đốc đã lập Biên bản tự mình làm Biên bản bàn giao rừng cho chính mình với sự chứng kiến của nhiều cơ quan ban ngành của tỉnh Bắc Giang
Quy định của pháp luật là như vậy nhưng ngày 27/7/2010, Ban QLDA 661 cơ sở Công ty Lâm nghiệp Yên Thế do ông Hoàng Văn Chúc làm Giám đốc đại diện đã tự mình bàn giao 655,7 ha rừng trồng theo Dự án 661 cho chính Công ty Lâm nghiệp Yên Thế cũng do ông Chúc làm Giám đốc có sự chứng kiến của đại diện các Sở ngành và UBND huyện Yên Thế mà không bàn giao cho người dân theo như Thông tư hướng dẫn(?!).
 
Trao đổi với PV về việc này, ông Từ Quốc Huy – Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang khẳng định việc Công ty Lâm nghiệp Yên Thế tự mình bàn giao rừng cho mình mà không ưu tiên bàn giao cho người dân như vậy là đúng theo với Thông tư 24/2009/TT-BNN vì trong nội dung hướng dẫn của Thông tư là giao cho tổ chức trước sau đó mới ưu tiên tới hộ gia đình, cá nhân(?).
 
Giấy
Giấy chứng nhận quyền quản lý kinh doanh rừng và đất lâm nghiệp của huyện Yên Thế cấp cho các hộ dân
Trong khi đó, phản ánh với PV, hàng trăm hộ dân nơi đây bức xúc cho biết: Chúng tôi chăm sóc và bảo vệ rừng hàng chục năm nay nhưng không được UBND tỉnh Bắc Giang giao đất, giao rừng để ổn định cuộc sống. Không những thế, UBND tỉnh Bắc Giang còn lấy đất, lấy rừng chúng tôi chăm sóc rồi giao cho Công ty Lâm nghiệp Yên Thế thuê khiến chúng tôi vô tình trở thành người làm thuê trên chính những thửa rừng mà đáng ra chúng tôi phải là những người đủ điều kiện được giao đất, giao rừng theo quy định của nhà nước.
 
Ở một diễn biến khác, trong khi công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế luôn khẳng định rằng toàn bộ diện tích hơn 1.800 ha được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê rừng gắn với thuê đất thuộc sự quản lý của công ty nhưng theo điều tra của PV thì trước khi UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định cho Công ty thuê thì PV phát hiện ra rất nhiều Văn bản “khó hiểu” của các cấp chính quyền nơi đây.
 
Cụ thể vào năm 2014, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế (lúc này đã đổi tên) làm đơn gửi đến 9 xã, thị trấn xin được thuê đất, thuê rừng. Sau đó các xã này làm tờ trình lên UBND huyện Yên Thế và huyện Yên Thế trình lên UBND tỉnh Bắc Giang cho Doanh nghiệp này thuê đất với thời hạn 50 năm để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Đây là điều rất khó hiểu bởi theo những người dân địa phương thì nếu đây là những diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và UBND xã, huyện đang quản lý thì tại sao không giao đất, giao rừng cho chính họ theo tinh thần của Thông tư 24 để ổn định đời sống, phát triển kinh tế mà lại xin cho doanh nghiệp thuê (?).
 
Người dân bức xúc vì công chăm sóc bảo vệ rừng hàng chục năm nhưng không được hưởng thành quả
Người dân bức xúc vì công chăm sóc bảo vệ rừng hàng chục năm nhưng không được hưởng thành quả
Trước đó như chúng tôi đã thông tin, hàng trăm hộ dân ở nhiều thôn, xã thuộc huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang phản ánh về Quyết định số 35/QĐ-UBND, ban hành ngày 27/01/2015 do ông Lại Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký giao đất, giao rừng cho công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Thế thuê hơn 1.877 ha rừng và đất để sản xuất kinh doanh đã “ trùm” cả vào những diện tích người dân đã sử dụng ổn định và trồng theo các dự án trồng rừng của Nhà nước. Sau đó, họ đã gửi đơn thư đi khắp nơi để đòi lại quyền lợi chính đáng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
 
Câu hỏi đặt ra là phải chăng có sự mập mờ trong việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho người dân tham gia các Dự án trồng rừng tại huyện Yên Thế? Hay chính Quyết định cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế thuê đất của UBND tỉnh Bắc Giang khiến cho nhân dân 9 xã tại huyện Yên Thế đồng loạt phản đối.
 

Ngày 15/2/1992, Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) Võ Văn Kiệt ban hành Quyết định số 327/CT về phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Tiếp đó đến năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 661/QĐ-TTg với mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng.

Ngoài ra là dự án trồng rừng PAM (Rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới).

Trong các dự án trên, nguyên tắc chỉ đạo là ưu tiên lấy nhân dân là lực lượng chủ yếu trồng rừng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và hưởng lợi từ nghề rừng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi. Bên cạnh đó là việc thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình để họ ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng. 

 

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

 
Mạnh Hưng – Vi Hải