Hà Tĩnh: Mỏ đá lấp ruộng, phá đường

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 20/04/2017

(TN&MT) - Đá tràn xuống vùi lấp ruộng, bụi phủ trắng hoa màu, phương tiện vận tải cày nát đường liên xã là những hậu quả mà người dân đang phải gánh chịu do hoạt động khai thác đá của Công ty CP Đại Long ở xóm Long Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) gây ra.

Ruộng lúa “bội thu”…đá

Thời gian gần đây, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của một số hộ dân thôn Long Thủy về tình trạng mỏ đá của Công ty cổ phần Đại Long (trụ sơ tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) trong quá trình khai thác và chế đã để một phần đất, đá tràn xuống ruộng lúa, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân.

g
Đá từ mỏ tràn xuống vùi lấp ruộng của người dân

Cụ thể, sau khi mỏ đá đi vào hoạt động thì đất, đá ở bãi tập kết phía trên núi cứ tràn xuống ruộng lúa của một số hộ dân ở phía dưới mỗi khi trời mưa. Những lần sự cố xẩy ra công ty đã huy động phương tiện cơ giới để khắc phục, phản ánh của người dân cho hay chủ mỏ chỉ giải quyết được một phần nhỏ vì lượng đất đá tuồn xuống quá lớn.

Người dân cho biết, khi đất đá tràn xuống ruộng thì quá trình canh tác tiếp theo gặp rất nhiều khó khăn, phải mất rất nhiều thời gian và công sức để nạo vét đá trước khi gieo trồng.

Đứng trước thửa ruộng nhà mình từ hậu quả của mỏ đá để lại, bà Nguyễn Thị Hòa, bức xúc: “Gia đình tôi được ông bà để lại cho 1,4 sào ruộng ở dưới khu vực mỏ đá của Công ty Đại Long.  Trước đây canh tác bình thường và đạt 2,5 tạ/sào/vụ. Tuy nhiên hơn 2 năm nay, sau nhiều đợt mưa lũ, đất, đá từ bãi tập kết của Cty này theo nước mưa tuồn xuống ruộng khiến quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn, mất nhiều công sức mà năng suất lúa giảm đi rất nhiều.

j
Người dân trồng lúa chịu thiệt hại do hoạt động khai thác đá

“Gia đình tôi sống chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng, tôi lại phải nuôi một đứa em bị tâm thần nên giờ chỉ mong phí công ty sớm hỗ trợ khắc phục, cải tạo lại ruộng để gia đình tôi yên tâm sản xuất”, bà Hòa nói.

Cũng theo bà Hòa, khi sư việc xẩy ra anh Linh (chủ mỏ đá) cũng hứa bồi thường cho dân trước các cuộc họp xóm, nhưng cứ hứa xong rồi để đó hết lượt này đến lượt khác.

“Không chỉ gia đình tôi, khu vực ruộng lúa này còn có thêm 4 hộ nữa, họ cũng rất bất bình khi bỏ cả năm sản xuất đến mùa thu hoạch thì ruộng chỉ toàn đá”, bà Hòa nói.

h
Người dân bức xúc trước cam kết bảo vệ môi trường của chủ mỏ

Nhiều hộ dân còn bức xúc cho biết thêm, các vườn cam, vườn chanh của dân ở gần mỏ đá  hay sát đường vào mỏ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. “Vườn nhà tôi nằm sát bên đường vào mỏ. Đến mùa cam, chanh trổ hoa, do ảnh hưởng từ bụi của mỏ, bui từ xe cộ vào mỏ nên năng suất rất kém”, một người dân thông tin.

Cũng chịu “vạ” từ chuỗi mỏ đá (4 mỏ) trên địa bàn xã Sơn Thủy, người dân nơi đây còn phải gánh thêm rất nhiều hậu quả từ  các mỏ đóng trên địa bàn. Ví như tuyến đường liên xã Sơn Bình-Sơn Thủy-Sơn Mai vốn được rải nhựa nhưng nay đã hư hỏng nặng vì xe quá tải và xe chở đá cày nát; đường “bổng nhiên” xấu, xe cộ vào mỏ lại tấp nập nên tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông rất cao. Đặc biệt là dọc tuyến đường liên xã đi vào khu vực các mỏ bụi lúc nào cũng bay trắng trời vào những ngày nắng; ổ voi, ổ gà thậm chí là “hố bom” nham nhở những ngày trời mưa.

Người dân thôn Long Thủy cho biết thêm, trước đây đường vào mỏ rất hẹp. Để có đường cho xe vào mỏ, chủ mỏ đã thuê lại một số diện tích đất hoa màu  của người dân để mở rộng. Tuy nhiên giờ đây đã hết hạn thuê, người dân đòi lại thì chủ mỏ không chịu.

“Mỏ đá không thực hiện bảo vệ môi trường như cam kết…”     

Ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy xác nhận, việc mỏ đá của Công ty CP Đại Long đi vào hoạt động không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ môi trường như đã cam kết mà còn làm hư hỏng, rạn nứt rất lớn đến một số tuyến đường chính trên địa bàn. Đặc biệt, thời gian gần đây, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh việc mỏ đá của công ty này hoạt động làm ảnh hưởng đến ruộng của dân.

k
Xe chở đá từ mỏ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

“Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về việc đá, sỏi từ mỏ đá tràn xuống ruộng lúa, xã đã yêu cầu phía Công ty CP Đại Long giải quyết đền bù thỏa đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời yêu cầu trong thời gian tới phía công ty phải thu gom hết khối lượng đất, đá tràn xuống ruộng để tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất”, ông Đoài nói.

m
Khu vực tập kết đá không có hàng rào bao quanh nên mỗi khi trời mưa đá trôi xuống vùi lấp ruộng lúa

Trước những yêu cầu của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đình Linh, Giám đốc mỏ đá Đại Long cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh từ người dân và chính quyền xã Sơn Thủy, phía công ty đã cho đắp bờ kè để tránh tình trạn đất, đá theo mưa tràn xuống ruộng dân. Công ty đã nhiều lần huy động phương tiện cơ giới để nạo vét nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, do thời điểm này ruộng lúa đang trong quá trình canh tác mùa vụ nên việc khắc phục vẫn chưa thể tiếp tục triển khai”.

“Vừa rồi Công ty đã cùng người dân và chính quyền địa phương tổ chức họp để đánh giá mức độ thiệt hại nhằm đưa ra phương án đền bù thỏa đáng cho những hộ dân có ruộng bị hư hại”, ông Linh nói.

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

Bài và ảnh: Huy Hiếu - Cao Lĩnh