Vì sao xã Hoằng Yến không cho dân thuê lại đồng nuôi trồng thủy sản?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 04/04/2017
Ông Nguyễn Viết Hoa ở xóm 1, xã Hoằng Yến cho biết: Ngày 15/2/1994, Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản xuất khẩu Hoằng Hóa và các hộ dân có hợp đồng khoán thầu đồng nuôi trồng thủy sản (NTTS) số 06, có diện tích 27 ha với thời hạn khoán thầu là 20 năm. Tổng giá trị khoán thầu là 400 triệu đồng, một số tiền rất lớn với người dân thời bấy giờ. Sau khi được giao thầu hộ chúng tôi, hộ ông Kế và các hộ Trương Ngọc Việt, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Văn Ty, Nguyễn Thanh Hoàng cùng nhau quản lý, sử dụng đúng mục đích, không tranh chấp, lấn chiếm. Tuy nhiên, sau khi hết hạn hợp đồng, không thấy bên giao thầu hoặc cơ quan chức năng khác có thẩm quyền tiến hành thanh lý hợp đồng, hay gia hạn cũng như tổ chức khoán thầu lại toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản trên.
Người dân NTTS đang phản ánh với PV |
Bỗng nhiên, đầu năm 2016 có nhiều đối tượng đến ngăn cấm người dân sản xuất, nuôi trồng thủy sản, thậm chí còn mang máy móc đến đào xới đồng. Chúng tôi phản đối, thì các đối tượng này cho rằng họ mới được UBND xã Hoằng Yến giao thầu nên các hộ phải nhanh chóng thu hoạch và bàn giao lại toàn bộ diện tích đất. Các hộ rất bất bình vì xã không hề có thông báo giao khoán thầu mới, rộng rãi và công khai đến toàn dân, trong khi chúng tôi là người trực tiếp bỏ tiền giao thầu và sản xuất ổn định đã 20 năm nay.
Ngày 26/1/2016, UBND xã đã gọi các thành viên thuê đồng lên đề nghị nhận tiền hỗ trợ mỗi hộ 15 triệu đồng với tổng giá trị 90 triệu đồng, là người dân nên chúng tôi chẳng biết gì, chỉ biết ký nhận và sau này người dân chúng tôi mới “ngã ngửa” đây là tiền hỗ trợ để bàn giao đồng NTTS. Thử hỏi cả đồng tôm rộng 27 ha, chúng tôi bỏ bao công sức, mồ hôi, tiền bạc đầu tư hơn 20 năm, khi hết hạn hợp đồng tại sao không ưu tiên cho các hộ thuê tiếp, mà lại lấy giao cho người khác? - ông Hoa than thở nói.
Ông Nguyễn Viết Hoa đang chua xót chỉ cánh đồng NTTS gắn bó với mình hơn 20 năm qua nay bị UBND xã thu hồi trắng để giao cho người khác |
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tốt – Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến cho rằng: Diện tích 27 ha này và 3 ha của ông Nguyễn Văn Vân nằm trong gần 30 ha mà ngày 22/09/2006 UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2640/QĐ – UBND thu hồi 294.890 m2 đất của Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa giao cho UBND xã Hoằng Yến quản lý. Từ năm 2006 đến nay không thu hồi, không bàn giao cho xã được vì hợp đồng giao khoán giữa người dân và xí nghiệp là 20 năm. Từ năm 2006 đến nay các hộ không đóng góp gì cho ngân sách nên để tránh gây thiệt hại sẽ không bàn giao đất cho các hộ quản lý? Sau khi đo đạc lại thì diện tích này chỉ còn 28,45 ha, hiện xã giao tạm cho hộ ông Nguyễn Đình Giáp toàn bộ diện tích này này để quản lý, cải tạo, sử dụng và nuôi trồng thủy sản.
Trong Hợp đồng số 89/HĐ – TQSDĐ ngày 01/03/2017 về việc thuê quyền sử dụng đất giữa bên giao khoán UBND xã Hoằng Yến (Đại diện bên A là ông Nguyễn Văn Tốt – Chủ tịch UBND xã) và bên nhận khoán bên B là ông Nguyễn Đình Giáp – Chủ nhiệm HTX Thủy sản Hoằng Yến thì thời hạn hơp đồng là 1 năm, kể từ ngày ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017. Với giá trị 400 kg thóc/ha, phương thức thành toán bằng tiền mặt theo giá thuế từng thời điểm của nhà nước quy định.
Hợp đồng của các hộ dân ký với Cty Thủy sản Hoằng Hóa nhưng không được thanh lý |
Ông Nguyễn Văn Tốt cho biết: Diện tích 28 ha này chưa có thủ tục bàn giao cho xã quản lý, trong lúc chờ đợi bàn giao và để tăng thu ngân sách thì xã cho thuê, hợp đồng cho thuê đất này vẫn phù hợp?
Mặt khác, tại Điều 6 của hợp đồng này quy định: Hết thời hạn của hợp đồng hai bên gặp nhau thanh lý hợp đồng. Bên A ưu tiên cho bên B tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vậy, phải chăng đây chỉ là “bước đệm” cho thuê năm một để đẩy người dân đang sản xuất bình thường 20 năm nay ra ngoài? Vì hết hạn hợp đồng thì đối tượng được ưu tiên lại là HTX Thủy sản Hoằng Yến chứ không phải người dân.
Ông Nguyễn Văn Tốt, Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến trả lời PV |
Tiếp xúc với PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, nhiều hộ dân NTTS khẳng định: Việc UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định thu hồi đồng NTTS về UBND xã quản lý, tăng thu ngân sách cho nhà nước là đúng với Luật đất đai, chúng tôi không hề phản đối. Nhưng không phải thu hồi về UBND xã cho ai thuê thì thuê đâu. Đằng này xã thu hồi lại không cho người dân khác thuê mà không ưu tiên cho người dân được thuê là không đúng với chủ trương của tỉnh, trong khi các hộ đã đầu tư sản xuất trên đồng tôm này hơn 20 năm nay, nay không còn còn đất sản xuất làm bà con bơ vơ không có đất thì chúng tôi sống bằng gì?.
Phải chăng việc UBND xã Hoằng Yến “cố tình” ép người dân nhận tiền hỗ trợ (nhưng thực chất là nhận tiền để bàn giao đồng NTTS) rồi ký Hợp đồng 1 năm giao cho người khác là hình thức nhằm “hợp thức hóa” việc thu hồi đồng NTTS để giao cho người khác với giá “bèo” như vậy là có gì khuất tất, hay chỉ vì lợi ích nhóm nào đó?. Rất mong UBND huyện Hoằng Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm xem xét lại lợi ích chính đáng của người dân./.
Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử tiếp tục thông tin vấn đề này
Bài & ảnh: Tuyết Trang- Anh Tú