Tiếp vụ lún, nứt đê ở Hưng Yên: Lộ chi phí tư vấn đầu tư xây dựng "khủng"
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 23/03/2017
Quyết định điều chỉnh chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là 91,5 tỷ đồng |
Có khảo sát địa hình, địa chất khu vực đê yếu?
Như thông tin báo TN&MT đã nêu trong những bài báo trước, nguyên nhân dẫn tới tình trạng lún, nứt đê tả sông Hồng (đoạn qua huyện Văn Giang) đã được Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận. Theo đó nguyên nhân chính dẫn tới sự cố là do đoạn đê thuộc khu vực địa chất nền yếu (đã nhiều lần xảy ra sự cố những năm trước đây); đặc điểm địa chất thân đê và địa hình khu vực có nhiều yếu tố bất lợi; mật độ, tải trọng xe lưu thông trên đê lớn ...
Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan hay không? Bởi lẽ khu vực đê Văn Giang vốn có tiền sử vỡ đê, lún, nứt đê (như những bài báo phản ánh trước đó). Vậy tại sao với chi phí tư vấn đầu tư xây dựng “khủng” đến vậy mà đơn vị tư vấn, trong quá trình lập dự án, lại không đề xuất giải pháp đặc biệt để thi công tuyến đê này?
Hiện tượng lún, nứt đê ở Văn Giang liệu chỉ vì những nguyên nhân khách quan? |
Theo quyết định số 2746/QĐ–UBND của tỉnh Hưng Yên về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng tỉnh Hưng Yên (đoạn từ Km 76+894 đến Km 124 + 824), đơn vị tư vấn, lập dự án là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng dân dụng và công nghiệp Ninh Bình. Còn tại Quyết định 2543/ QĐ–UBND của UBND tỉnh Hưng Yên về phê duyệt, điều chỉnh bổ sung dự án này, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là hơn 91,5 tỷ đồng (trong đó có chi phí khảo sát địa hình, địa chất).
Ấy nhưng, với chi phí lớn như vậy, đơn vị tư vấn lại không đưa ra được biện pháp nào đặc biệt để xử lý đoạn đê vốn có tiền sử nền yếu nêu trên. Ông Hồ Trọng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên – Chủ đầu tư dự án - thừa nhận với PV tại buổi làm việc ngày 14/3 vừa qua cho biết, việc tư vấn thiết kế và thi công đoạn đê này không khác gì so với khu vực còn lại.
Hiện tượng lún, nứt đê ở Văn Giang liệu chỉ vì những nguyên nhân khách quan? |
Mục đích của dự án chỉ là áp trúc mở rộng mặt đê?
Nhằm làm rõ hơn về hiệu quả của việc tư vấn đầu tư xây dựng dự án này, chiều ngày 14/3, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Trọng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên - Chủ đầu tư dự án. Dưới đây là phần trao đổi giữa các bên:
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc lún, nứt đê (khu vực ở thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang) là do tư vấn xây dựng và thi công dự án “có vấn đề”. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Hồ Trọng Khải: Việc khảo sát, tư vấn thiết kế và thi công đều đảm bảo theo đúng quy định của nhà nước. Chúng ta phải khẳng định với nhau là như thế.
PV: Theo tìm hiểu của PV, khu vực đê Văn Giang có tiền sử bị vỡ và nền đất yếu. Ông nhận định sao về việc này?
Ông Hồ Trọng Khải: Nếu nói nền đất yếu thì toàn tuyến đê đều yếu chứ không riêng gì đoạn Văn Giang. Tuyến đê này có lịch sử tồn tại hơn 200 năm, thời điểm mới bắt đầu xây dựng, đê được đắp bằng đất mà thôi. Thế nên việc lún, nứt chẳng may nó rơi vào vị trí này mà thôi.
PV: Nhưng rõ ràng, đoạn đê này có tiền sử bị lún, nứt nghiêm trọng từ trước đó (trong khi toàn tuyến không bị như vậy)?
Ông Hồ Trọng Khải: Đúng là nó có tiền sử như vậy nhưng nhiều chuyên gia đầu ngành, rồi cơ quan đầu ngành đã xử lý rồi (tôi nhớ đoàn kiểm tra xuống xử lý vào năm 2001, 2002, 2003, 2004, 2006). Lần nào các chuyên gia cũng bảo đã xử lý dứt điểm nhưng thực tế có xử lý dứt điểm được đâu. Hơn nữa, việc tư vấn thiết kế lần này đều do đơn vị tư vấn thiết kế chứ chúng tôi đâu có dính dáng tới.
PV: Vậy đơn vị tư vấn thiết kế có khảo sát để đưa ra những đánh giá chính xác, cụ thể tình hình đoạn đê có tiền sử bị vỡ không, thưa ông?
Ông Hồ Trọng Khải: Đương nhiên là họ phải khảo sát thì mới tư vấn thiết kế được. Họ có phương pháp xác định là đoạn đê có tiền sử như vậy nhưng vấn đề ở chỗ nhiệm vụ của dự án này là gì? Mục đích của dự án này là tôn cao, áp trúc mở rộng mặt đê chứ không phải cải tạo nền đê. Tiền đâu ra mà cải tạo nền đê?
Ghi chú của PV: Tại quyết định phê duyệt dự án này, một trong những nội dung đầu tư dự án là: Đắp lấp đầm, ao ven đê và đắp tầng phản áp tại khu vực nền đê yếu thường xuyên bị đùn sủi, kết hợp với 151 giếng giảm áp (sau rút xuống còn 38 giếng) bằng bê tông cốt thép 200 đúc sẵn. Như vậy là dự án không chỉ có tôn cao, áp trúc mở rộng mặt đê như ông Khải nói.
PV: Vậy việc tư vấn thiết kế và thi công đoạn đê này có gì đặc biệt so với những đoạn đê khác?
Ông Hồ Trọng Khải: Không khác một chút nào
PV: Ông đánh giá thế nào về việc chỉ mỗi đoạn đê khu vực Văn Giang là bị sự cố trên toàn tuyến đê bị đánh giá là yếu?
Ông Hồ Trọng Khải: Cái này cứ như ma trơi ấy mà. Nó xảy ra ở đâu là do rủi ro mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
Liên quan tới thông tin vụ việc này, PV Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Phạm Thiệu