Người dân lo lắng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt lấy từ sông Dinh
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/03/2017
Theo tìm hiểu của PV, hiện có khoảng trên 2.400 hộ dân trên địa bàn thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp sử dụng nước sạch do Nhà máy nước Quỳ Hợp thuộc Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An cung cấp. Được biết, Nhà máy nước Quỳ Hợp có công suất 1.500 m3 nước/ngày lấy nước từ hai dòng suối đầu nguồn đổ về bao gồm suối Nậm Tôn và Nậm Huống. Trong đó có dòng suối Nậm Huống từ xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Hồng.
Sự cố vỡ đập chứa thải tại suối Bắc khiến nguồn nước sông Dinh càng thêm ô nhiễm |
Đây là những khu vực đầu nguồn có hoạt động khai thác quặng thiếc. Trong nhiều năm trở lại đây, khu vực suối Bắc (đầu nguồn suối Nậm Huống) cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác quặng thiếc cho nhiều đơn vị tiến hành khai thác. Hiện, còn 3 đơn vị đang có phép khai thác tại khu vực này gồm: Công ty TNHH MTV Kim loại màu Nghệ Tĩnh; Công ty Hà An và Công ty Hồng Bảo Ngọc. Các đơn vị này hoạt động nhưng hệ thông xử lý môi trường chưa đảm bảo, cộng với nhiều đối tượng hoạt động khai thác quặng không phép tại vách 34 xả thải thẳng xuống khe suối khiến cho dòng suối quanh năm có màu đỏ quạch, ô nhiễm nghiêm trọng.
Vừa qua, nguồn nước của những dòng suối này có hiện tượng ô nhiễm, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt cũng như một số diện tích cây lúa bị hư hại... Vấn đề này đang gây sự nghi ngại và lo lắng đến việc ảnh hưởng sức khỏe của người dân ở thị trấn Quỳ Hợp, khi sử dụng nước của Nhà máy nước Quỳ Hợp.
Nguồn nước suối Nậm Huống (một trong những chính của sông Dinh) luôn có màu đỏ khiến cho nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Quỳ Hợp cũng bị ô nhiễm |
Anh Nguyễn Văn Loan, có trang trại ngay gần vách 34, bức xúc: “Ngoài những đơn vị khai thác trên suối Bắc xả thải trực tiếp xuống khe suối thì các đối tượng khai thác quặng thiếc không phép tại vách 34 cũng thường xuyên xả thải xuống khe suối. Hơn nữa tại khu vực đập nước gần dốc Cài Cón còn có nhiều đơn vị sơ tuyển quặng thiếc cũng xả thải xuống khe. Nguồn nước bị ô nhiễm đã hàng chục năm rồi. Vừa rồi có thêm sự cố vỡ đập thải tại suối Bắc khiến chúng tôi hết sức lo lắng về tồn dư hóa chất ở dưới khe Nậm Huống, nơi cung cấp nguồn nước chính cho Nhà máy nước Quỳ Hợp”.
Lấy mẫu nước ở suối Nậm Huống |
Trước tình hình trên, dư luận người dân cũng như các cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp tỏ ra hết sức lo lắng. Để bảo đảm sức khỏe cho người dân trước mắt cũng như lâu dài, UBND huyện Quỳ Hợp đề nghị Công ty TNHHMTV cấp nước Nghệ An kiểm tra, giám sát, giám định mẫu nước hiện tại và có thông báo kết quả cho nhân dân và chính quyền địa phương để người dân yên tâm cũng như có giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ảnh hưởng.
Huyện Quỳ Hợp cũng đề nghị doanh nghiệp xem xét, điều chuyển điểm lấy nguồn nước Nhà máy nước Quỳ Hợp đến vị trí khác, không có nguồn nước bị ảnh hưởng từ hoạt động khai thác quặng thiếc đầu nguồn. Ví trí đặt họng lấy nước cho nhà máy nên đặt ở hạ nguồn của con suối Nậm Choọng chảy về từ các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Châu Lý.
Suối Nậm Tôn cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng |
Ông Nguyễn Phi Hùng – Trạm trưởng Trạm cấp nước huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Sau khi xảy ra sự cố vỡ đập bể lắng mỏ quặng thiếc tại Suối Bắc tại xã Châu Thành, các đoàn công tác của Bộ Công thương, BỘ TN&MT và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã đến lấy các mẫu nước ở Nhà máy nước Quỳ Hợp để giám định chất lượng nguồn nước đầu vào. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có kết quả”.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Sự cố vỡ đập bùn thải tại suối Bắc gây ảnh hưởng lớn đến địa phương. Sau khi có sự cố, vừa rồi chúng tôi đã có văn bản gửi Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An để có phương án di dời chỗ lấy nguồn nước đầu vào, đông thời cũng lấy mẫu giám định chất lượng nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước Quỳ Hợp trước đây”.
Việc ô nhiễm nguồn nước đầu vào tại Nhà máy nước Quỳ Hợp là có thật, người dân sử dụng nước sạch của Nhà máy hiện đang khá hoang mang, lo lắng. Vì thế, tâm lý của người dân là mong muốn UBND huyện Quỳ hợp cũng như Nhà máy nước Quỳ Hợp cần nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý nhanh chóng và phù hợp nhất để ổn định tình hình địa bàn.
Phạm Tuân