Dự án di dân vùng triều Thanh Hoá: 24 năm không đất ở, không điện, không nước

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 20/03/2017

(TN&MT) – 30 hộ dân thuộc dự án di dân đến xây dựng vùng kinh tế mới tại vùng triều xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) theo quyết định điều động lao động của tỉnh Thanh Hóa từ năm 1993 đến nay. Tuy nhiên, đã 24 năm trôi qua, 30 hộ dân này vẫn phải sống trong cảnh không đất ở, không điện và không nước sạch.          

Vừa qua Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục nhân được đơn kêu cứu khẩn thiết của tập thể các hộ dân thuộc dự án di dân đến xây dựng vùng kinh tế mới tại vùng triều xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa phản ánh về việc 30 hộ dân này được điều động đi theo Quyết định điều động của Chi cục Điều động lao động dân cư – Kinh tế mới thuộc Sở Lao động Thương binh và xã hội Thanh Hóa năm 1993. Từ đó đến nay, các hộ dân này mới chỉ được nhận tiền trợ cấp nơi đi nơi đến, còn đất thổ cư, nước sạch, điện… đều không có.

Vùng triều hoang rậm rạp năm xưa biến thành các ao đầm thủy sản nhờ các hộ di dân khai hoang
Vùng triều hoang rậm rạp năm xưa biến thành các ao đầm thủy sản nhờ các hộ di dân khai hoang         


Ông Lê Văn Thành, bà Cao Thị Nga một trong 30 hộ bức xúc cho biết: Năm 1993 gia đình chúng tôi đến xây dựng kinh tế mới tại vùng triều xã Hoằng Phong theo quyết định của tỉnh. Đất đai, tài sản nơi ở cũ của chúng tôi đã bán hết để có thêm nguồn vốn để đầu tư, khai hoang. Khi ra khai hoang tại vùng triều, nơi này lúc bấy giờ là vùng đầm lầy rậm rạp. Chúng tôi đã bỏ không biết bao nhiều công sức để khai hoang, cải tạo, quai bờ, ngăn mặn để nuôi trồng thủy sản. Không có đường đi, các hộ còn phải vận động cùng nhau chung sức đắp đường để đi.

Sau khi ra vùng kinh tế mới, UBND xã Hoằng Phong có hợp đồng giao khoán ngày 05/11/1993 diện tích 1,1 ha với thời gian giao khoán 20 năm để hộ sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Trong hợp đồng UBND xã Hoằng Phong cũng đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa cấp đất ở cho hộ dân. Thế nhưng đến nay, gia đình chúng tôi vẫn không được giao đất ở theo chế độ, chính sách của Nhà nước. Không được nhận đất ở để an cư, định cư nên gia đình đành phải dựng nhà tạm trên đất thủy sản để vừa trông coi ao đầm vừa lấy chỗ sinh sống cho cả gia đình. Nhưng, nhà tạm cũng đã bị mưa bão đánh sập vài năm nay, hiện cả gia đình phải quây bạt, che chắn tạm bợ để sinh sống. Điện thì không có, nước sạch phải vào tận trong làng để xách về sử dụng. Cuộc sống sau 24 năm đi xây dựng kinh tế mới, khai hoang vùng triều đang dần đi vào ngõ cụt với các hộ dân.

Căn nhà tạm bợ trên đất thủy sản của hộ ông Thành đã bị mưa bão đánh sập
Căn nhà tạm bợ trên đất thủy sản của hộ ông Thành đã bị mưa bão đánh sập          


Theo Quyết định Điều động lao động số 29/QĐ/ĐĐLĐ ngày 23/12/1993 của Chi cục Điều động lao dộng dân cư – Kinh tế mới thuộc Sở Lao động Thương binh xã hội Thanh Hóa thì điều động 30 hộ với 108 khẩu thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa đến xây dựng kinh tế mới tại đồng tôm thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa thuộc vùng dự án Vùng triều Hoằng Hóa. Hình thức di dân nội vùng, kể từ ngày 23/12/1993. Điều 2 của Quyết định này nêu rõ: Các hộ đi xây dựng kinh tế mới được hưởng các chính sách theo quy định tại Thông tư 7 – LĐTBXH ngày 12/05/1993 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và văn bản hướng dẫn số 113/ĐĐCS ngày 03/07/1993 của Cục Điều động Lao động.

Theo Thông tư 7 – LĐTBXH ngày 12/05/1993 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ghi rõ: “Vùng dự án đưa dân đến phải đảm bảo các điều kiện sinh hoạt và sản xuất cần thiết cho các hộ gia đình về diện tích đất sản xuất, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, đường đi lại… để các hộ dân trên vùng đất mới sớm ổn định đời sống”. “Những hộ gia đình có nhu cầu đến các vùng đất trống, đồi trọc theo các hình thức xen ghép, hoặc tự liên hệ, được UBND huyện nơi đi, nơi đến thỏa thuận tiếp nhận, được cấp đất thổ cư và đất sản xuất”.

Sau 24 năm di dân, vẫn phải sống trong căn lều như thế này
Sau 24 năm di dân, vẫn phải sống trong căn lều như thế này

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong cho biết: Dự án di dân được cấp đất thổ cư là đúng, đối với 30 hộ thuộc vùng dự án di dân này thì từ năm 1993 đến nay chưa được cấp đất thổ cư.

Như vậy rõ ràng, khi di dân đến xây dựng vùng kinh tế mới thuộc vùng dự án phải có đất thổ cư, đất sản xuất để người dân sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng sau 24 năm, người dân vẫn chưa thể ổn định, vẫn phải thấp thỏm, khắc khổ với dự án di dân. Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần có biện pháp khắc phục để người dân yên tâm sản xuất

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Bài & ảnh: Tuyết Trang- Anh Tú