Cấp "sổ đỏ" cho hơn 100 hộ dân tại TT Mộc Châu: Phân loại đối tượng SDĐ để tính thuế
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 16/02/2017
Ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu trả lời phỏng vấn PV Báo TN&MT |
“...mới chỉ nói thế thôi điện, nước đã cắt được ngày nào đâu..?”
Qua tìm hiểu của PV Báo TN&MT, trước đây, khu vực hồ km70 là diện tích đất được cấp cho Cty CP Đầu tư Xây dựng Mộc Châu và Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Trong đó, diện tích 5 cái ao chạy dọc theo Quốc lộ 43 có diện tích hơn 2,8ha. Năm 2005, các hộ dân sống quanh ao đã đổ đất lấn chiếm ao và hiện trạng đã xây dựng thành khu dân cư đông đúc. Đến ngày 22/3/2006, UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu lập biên bản xử lý vi phạm một số hộ lấn chiếm đất hồ km70 trước đó.
Theo kết quả rà soát của UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu thì danh sách lấn chiếm đất hồ km70, của 105 hộ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu trước tháng 10/1993 có 55 hộ lấn chiếm diện tích là 3.085m2; giai đoạn 2 từ tháng 10/1993 - 7/2004 có 71 hộ, diện tích lấn chiếm là 5.893m2 và giai đoạn cuối từ tháng 7/2004 - 7/2016 có 73 hộ, diện tích bị lấn chiếm là 5.916m2. Tuy nhiên đó chỉ là con số thống kê của UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu, còn biên bản vi phạm lấn chiếm đất ao, hồ km70 của 2 giai đoạn đầu không, chỉ có một số biên bản xử lý gần đây nhất của một số hộ được lập tháng 3/2016.
Đến đây có thể xác định; vị trí đất tại hồ km70, thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu đã được Cty CP Đầu tư Xây dựng Mộc Châu và Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu giao trái thẩm quyền và lỗi của địa phương đã để xảy ra tình trạng mặc sức cho người dân lấn chiếm đất.
Song công bằng mà nói, thị trấn Nông trường Mộc Châu cũng như huyện Mộc Châu rất khó có thể quản lý được diện tích đất này vì mãi đến ngày 27/11/ 2006, UBND tỉnh Sơn La mới ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về việc thu hồi 28.130,6m2 đất ao của Cty CP Giống bò sửa Mộc Châu và Cty CP Đầu tư và Xây dựng Mộc Châu giao cho UBND huyện Mộc Châu quản lý theo quy hoạch.
Trong buổi làm việc giữa PV Báo TN&MT với các phòng, ban liên quan của huyện Mộc Châu, ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu xác nhận: “Xét về nguồn gốc, khu đất hồ km70 là đất của Nông trường giao cho các hộ dân từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 để mượn làm quán xá nhằm cải thiện đời sống. Vị trí người dân được cho mượn là đất ven ao, hồ. Còn việc thông báo cắt điện, cắt nước chúng tôi mới chỉ nói thế thôi, đã cắt được ngày nào đâu.”
Cũng qua xác minh của PV Báo TN&MT thì việc các hộ dân mượn đất của 2 Cty Công ty CP Đầu tư Xây dựng Mộc Châu và Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu là có cơ sở. Được thể hiện qua các biên bản cho mượn, giấy giao đất làm nhà của 2 đơn vị này cho các hộ dân tại những năm 1990 đổ về trước và cả những hộ có giấy cấp đất sau năm 1992 là có thật.
Tuy nhiên, các hộ dân được cấp và mượn đất của 2 Cty CP Công ty CP Đầu tư Xây dựng Mộc Châu và Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu rất ít hộ giữ lại được giấy tờ để chứng minh thời điểm sử dụng đất. Chính vì vậy, câu chuyện “cào bằng” chính sách của UBND huyện Mộc Châu áp dụng chung cho các hộ dân tại thị trấn này phải nộp tiền sử dụng đất 100% dường như đang đẩy lên cao trào và đầy mâu thuẫn. Đặc biệt, từ khi UBND huyện Mộc Châu ra Thông báo số 110/TB-UBND, ngày 9/6/2016 giao cho UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu yêu cầu các đơn vị cung ứng cắt điện, cắt nước các hộ dân nếu không thực hiện đăng ký giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các hộ dân ví như kiến bò trong “chảo lửa”...
Biên bản vi phạm hành chính về quản lý đất đai do UBND thị trấn Mộc Châu lập. |
Loay hoay... trong mớ bòng bong văn bản
Được biết, huyện Mộc Châu đã rất “tích cực” trong việc xin ý kiến tham khảo các sở ngành, Chi Cục thuế huyện... về việc thu tiền sử dụng đất và rất nhiều công văn trả lời kiến nghị của các hộ dân, giải thích cho các hộ dân về chính sách “đặc thù” này. Nhưng đến nay, vẫn cứ rối.
Theo lý giải của huyện này cũng như phòng TN&MT đơn vị chuyên môn tham mưu cho huyện; cái khó ở đây là... không phân biệt được vị trí ranh giới đất được giao, cho mượn qua từng thời điểm. Vì trước đây, diện tích đất khu vực này chỉ đơn giản được cắm mốc theo diện tích ao, hồ. Đến năm 1999 - 2000, Đoàn đo đạc địa chính 104 mới tiến hành đo vẽ, tách hộ và lập thành bản đồ địa chính. Quá trình lịch sử hàng chục năm, việc mở rộng tuyến đường giao thông, xây dựng nhà cửa, chuyển nhượng... đã làm đất đai bị biến động mạnh. Nên việc xác định ranh giới diện tích đất được giao trước đó và đất lấn chiếm... là bất khả thi!
Một loạt hồ sơ địa chính, từ bản đồ, sổ mục kê liên quan đến diện tích đất hồ km70 từ những năm 1960 hiện không còn. Nhưng nếu UBND thị Trấn Nông trường Mộc Châu đã thống kê được thời điểm các hộ lấn chiếm thì tại sao UBND huyện Mộc châu không lấy đó làm căn cứ để thu tiền sử dụng đất cho các hộ dân? Ngoài ra, việc xác định các hộ sống cùng tại thời điểm cũng được quy định trong luật. Nhưng không hiểu sao UBND huyện Mộc Châu lại áp dụng phương pháp “cào bằng” chính sách?
Ông Hà Quang Thành, Phó trưởng phòng TN&MT, huyện Mộc Châu lý giải: “Chúng tôi xác định đây là đất các hộ dân lấn chiếm. Tuy nhiên, chúng tôi đã tạo điều kiện cho người dân bằng cách thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá và phải nộp tiền sử dụng đất là 100%. Còn ai có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc đất mang lên chúng tôi sẽ tính toán lại và khấu trừ...”
Thế nhưng, ông Nguyễn Cát Hải, một trong các hộ dân, cho biết: “Gia đình tôi có 45m2 đất trong tổng số hơn 70m2 có biên bản cấp đất trước thời điểm năm 1993. Mặc dù có đầy đủ giấy tờ giao đất, chuyển nhượng đất, tôi vẫn nhận được thông tin phải nộp thuế đầy đủ 100%. Thắc mắc lên UBND huyện thì chỉ nhận được câu trả lời là để lại hồ sơ... chờ giải quyết!”
Danh sách các hộ gia đình lấn chiếm đất hồ km70 theo từng giai đoạn. |
Thay cho lời kết
Bắt nguồn từ những câu chuyện giao đất trái thẩm quyền của các Nông trường Quốc doanh ngày trước dẫn đến việc toàn huyện Mộc Châu còn khoảng 1.600 GCNQSDĐ lần đầu chưa được cấp. Phần lớn trong số đó liên quan đến đất đai các nông, lâm trường trên địa bàn huyện.
Do đó, đề nghị UBND tỉnh Sơn La, chỉ đạo các sớm vào cuộc. Giao cho các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất một cơ chế hợp lý để tháo gỡ vướng mắc đã kéo dài hàng chục năm qua. Để những người dân đã gắn bó, cống hiến cả tuổi trẻ cho mảnh đất nông trường được yên tâm sinh hoạt, sản xuất và cũng là để tỉnh Sơn La hoàn thành việc cấp GCN lần đầu với đất ở trước ngày 30/6/2017 như lời hứa của UBND tỉnh Sơn La với nhân dân.
Bài & ảnh: Trần Hương - Nguyễn Nga