Giết mổ gia súc tại Phú Xuyên, Hà Nội: Bao giờ hết ô nhiễm?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 29/12/2016
Người dân “sống mòn” vì ô nhiễm
Hơn 40 năm qua, nghề giết mổ trâu, bò đã giúp nhiều hộ dân tại hai xã Quang Lãng và Tri Thủy trở nên khấm khá. Những năm gần đây, nhu cầu thực phẩm càng lên cao, các lò mổ cũng theo đó mọc lên, “cơi nới” quy mô. Thu nhập mang lại từ nghề này ngày càng tăng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Thế nhưng, nghề “truyền thống” này lại đang hủy hoại môi trường, khiến hàng trăm hộ dân phải khổ sở vì ô nhiễm.
Bà Đặng Thị Thoan (thôn Sảo Hạ, Quang Lãng) cho biết, nước thải từ các lò mổ cứ xả trực tiếp ra cống rãnh không có nắp đậy khiến cả làng lúc nào cũng đặc quánh mùi hôi thối. Những ngày mưa to, nước thải dềnh lên đen ngòm khắp kênh mương và trên cả cánh đồng; phân trâu, bò, tiết đọng cộng với xương động vật được gom lại thành đống bốc mùi nồng nặc khiến ai nhìn vào cũng phải ngao ngán. Bà Thoan bức xúc cho biết: “Chính quyền xã và các hộ dân xung quanh đã nhắc nhở các lò mổ này nhiều lần nhưng họ hầu như không có biện pháp thu gom, xử lý rác, nước, chất thải. Nước bẩn cứ từng ngày ngấm vào mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khỏe của dân mà không có cách nào ngăn chặn”.
|
Tại thôn Bái Đô, Hoàng Nguyên (xã Tri Thủy), tình trạng ô nhiễm còn nặng nề hơn do số lượng các hộ làm nghề gần gấp 3 lần thôn Sảo Hạ. Bí thư Đảng ủy xã Tri Thủy Tạ Hữu Ích cho biết, riêng thôn Bái Đô và Hoàng Nguyên có hơn 30 hộ làm nghề với quy mô lớn. Mỗi đêm có thể giết mổ đến hàng vài trăm con gia súc nhưng các hộ này đều không bảo đảm được hệ thống xử lý chất thải nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và sức khỏe của người dân quanh khu vực. Chính quyền cấp huyện, xã và Trạm thú y huyện Phú Xuyên thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các hộ giết mổ thực hiện quy định bảo đảm VSAT như: Bảo đảm nguồn gốc trâu, bò trước khi đưa vào giết mổ; các hộ giết mổ phải xây bể lắng, bể xử lý nước thải trong quá trình giết mổ...
Tuy nhiên, tới nay chỉ có một số hộ giết mổ thực hiện việc cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ, đưa ra khỏi khu dân cư, xây bể xử lý nước thải, chất thải. Vì vậy, việc thực hiện quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ trâu bò tại các hộ trên địa bàn các xã Quang Lãng và Tri Thủy ngày càng khó khăn và chưa thực hiện được.
Mỏi mòn ngóng trông
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa phận hai xã Quang Lãng và Tri Thủy có khoảng 55 hộ trực tiếp làm nghề giết mổ gia súc, số lượng giết mổ trung bình khoảng 500 con/ngày. Địa điểm giết mổ được thực hiện tại nhà, không được cấp phép, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định; không được bố trí sắp xếp thành các khu riêng biệt (khu nhốt động vật, khu bẩn, khu sạch), hầu hết không có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng trong quá trình giết mổ mà thải ra môi trường, nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan không qua xử lý và trang bị dụng cụ trong điểm mổ khá tùy tiện, thủ công, lạc hậu không đáp ứng yêu cầu giết mổ.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Tri Thủy, năm 2012, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hà Nội) đã có kết quả quan trắc với mức độ ô nhiễm vượt giới hạn cho phép. Đến năm 2013, các ngành chức năng đã cho xây dựng một mô hình áp dụng công nghệ xử lý nước thải ở thôn Bái Đô nhưng cũng không cải thiện được tình hình nên không triển khai được rộng rãi. Chưa kể, năm 2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 4355 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng cơ sở giết mổ và chế biến gia súc tập trung Quang Lãng, Tri Thủy tại xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên. Theo đó, xã Quang Lãng và Tri Thủy đã bố trí mặt bằng nhưng đến nay Dự án vẫn còn “đắp chiếu”. Nhân dân 2 xã đã “mòn mỏi” chờ đợi Dự án suốt 5 năm qua, và hiện tại vẫn từng ngày phải sống chung với ô nhiễm.
Một cơ sở giết mổ nằm ngay sát khu dân cư |
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, Dự án Xây dựng cơ sở giết mổ và chế biến gia súc tập trung Quang Lãng, Tri Thủy tại xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên được UBND TP phê duyệt và giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư từ năm 2012 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014 với quy mô 30 con trâu, bò/giờ trên diện tích gần 3ha. Trong quá trình triển khai, công ty này đã ký văn bản thỏa thuận với UBND huyện về việc tách phần đền bù GPMB và hỗ trợ khai thông ngoài hàng rào của dự án thành một dự án riêng do UBND huyện làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, phần dự án trong hàng rào do công ty này làm chủ đầu tư không triển khai thực hiện theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp làm chậm tiến độ. Đối với dự án ngoài hàng rào, UBND huyện Phú Xuyên đã phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ GPMB và đề nghị UBND TP bổ sung dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và đền bù GPMB vào kế hoạch đầu tư từ ngân sách TP năm 2013 - 2015. Nhưng dự án này hiện vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn. Bà Phạm Hải Hoa cũng cho hay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại 2 xã Quang Lãng và Tri Thủy do hoạt động giết mổ gia súc được chính quyền huyện đặc biệt chú trọng giải quyết.
Vừa qua, TP đã có quyết định chính thức chấm dứt Dự án đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội , thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và giao UBND huyện Phú Xuyên phối hợp với các sở, ngành kêu gọi doanh nghiệp tiềm năng đầu tư dự án theo quy định để sớm phục hồi, bảo đảm môi trường sống cho nhân dân.
Nguyễn Cường – Đào Cảnh