Bỗng dưng mất đất!
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/11/2016
Theo ông Đỗ Hữu Tài, gia đình ông có hai phần diện tích là diện đất ở và đất nông nghiệp giáp nhau thuộc diện 64. Diện tích đất ở của ông là 862 m2, do cha mẹ ông là ông Đỗ Văn Liệp và bà Trần Thị Nhãn khai hoang từ năm 1960, không có tranh chấp gì và đã được UBND huyện Lạc Thủy cấp cấp sổ đỏ vào ngày 20/4/2005.
Tuy vậy, mảnh đất phía Tây giáp ranh với gia đình ông đã trải qua 5 - 6 lần chuyển nhượng, đến năm 1994 - 1995, gia đình ông Nguyễn Văn Quyết đã mua lại mảnh đất này. Năm 1997, huyện Lạc Thủy có chủ trương đo đạc diện tích đất thổ cư, lúc đó ông Tạ Văn Hà, trưởng thôn (nay là Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm) đã lấy ra một gần 100m2 diện tích đất thổ cư và đất 64 của gia đình làm đường đi vào nhà ông Quyết. Gia đình đã có ý kiến với ông Hà nhưng không được giải quyết. Sau đó, gia đình ông Quyết xây tường, chặt phá cây của gia đình ông để làm đường đi vào nhà. Không đồng ý với việc này, ông đã rào lại phần diện tích này và gia đình ông Quyết đã viết đơn kiện ông.
Ông Đỗ Hữu Tài (bên phải) bên phần diện tích con đường đang có tranh chấp. |
“Giá kể, gia đình ông Quyết không có đường đi và thỏa thuận với gia đình tôi thì tôi sẵn sàng đồng ý về con đường này. Đằng này, gia đình ông ấy cũng có một con đường phía sau nhưng lại cố tình lấy đất của gia đình tôi mà không nói gì thì tôi không đồng ý”, ông Tài chia sẻ.
Ngày 13/7/2001, UBND xã Đồng Tâm thành lập Đoàn kiểm tra lập biên bản xác minh về ranh giới sử dụng đất thổ cư của gia đình ông và ông Nguyễn Văn Định (con trai ông Quyết làm đại diện). Đoàn đã kết luận phần diện tích tranh chấp thuộc về gia đình ông; gia đình ông Định muốn có đường phải thỏa thuận với gia đình ông. Sau đó, gia đình ông Định không thỏa thuận mà còn đe dọa gia đình ông Tài, tiếp tục chặt phá cây cối. Gia đình ông báo UBND xã Đồng Tâm và xã đã triệu tập 2 gia đình. Ông Định đã nhận việc chặt phá là sai, vi phạm và gia đình ông vì tình làng nghĩa xóm nên không bắt đền thiệt hại. Gia đình ông Định tiếp tục làm đơn đề nghị UBND xã giải quyết. Ngày 31/12/2001, UBND xã mời gia đình ông làm việc theo đề nghị của gia đình ông Định. Theo đó, UBND xã đã kiểm tra các giấy tờ liên quan và xác minh tại thực định vị trí tranh chấp và kết luận phần diện tích này thuộc gia đình ông và gia đình ông Định muốn có đường phải thỏa thuận.
Những tưởng, câu chuyện này đến đây sẽ kết thúc, nhưng đến ngày 13/1/2016, UBND xã mời gia đình lên làm việc và trả lời gia đình ông là phần diện tích này là 1 con đường đi chung của xã. Trong khi, tất cả các giấy tờ và các biên bản trước đây không hề có một từ, chữ nào thể hiện con đường này. Sau đó, gia đình ông đã đề nghị UBND xã giải quyết lại việc này. Ngày 10/6/2016, UBND xã đã mời gia đình ông lên làm việc và kết luận diện tích đất này không thuộc sở hữu của hai gia đình và thuộc UBND xã?.
“Rõ ràng phần diện tích gần 100m2 thuộc gia đình tôi, trong sơ đồ thửa đất được vẽ trong sổ đỏ cấp năm 2005 và từ trước tới nay gia đình tôi vẫn đóng đầy đủ thuế với diện tích này và đã được UBND huyện Lạc Thủy cấp sổ đỏ vậy mà UBND xã Đồng Tâm lại bảo là của xã mà không có dẫn chứng cụ thể”, ông Tài bức xúc.
Cũng theo ông Tài, từ tháng 10/2016 tới nay, UBND xã ngày nào cũng thông tin trên truyền thanh xã rằng: Phần diện tích con đường này này thuộc sở hữu của xã và là đường đi của gia đình ông Định mà không hướng dẫn tôi tiếp tục khiếu nại do không đồng ý với việc này?!
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Tạ Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: phần diện tích gần 100m2 kia đúng là có trong sổ đỏ của gia đình ông Tài. Tuy vậy, trước đây, đó là đường đi của Nông trường Một thành viên Sông Bôi dùng để đi lại, chạy máy cầy từ những năm 1960. Thế nhưng, sổ đỏ của nhà ông Tài và ông Định không thể hiện diện tích đường đi này là do cơ quan chức năng khi cấp sổ đỏ chưa đúng. Ông Hà cho rằng, hiện thẩm quyền giải quyết của UBND xã đã hết, xã đã cho cho thông báo lên truyền thanh về việc này. Nếu ông Tài còn thắc mắc phải kiến nghị lên cấp cao hơn, cụ thể là cấp huyện.
Theo quy định của Luật Đất đai 2003, việc cấp sổ đỏ cho người dân phải trên cơ sở các hồ sơ, bản đồ trước đây và do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện, lấy ý kiến của tứ cận (các hộ xung quanh), được UBND xã xác nhận không có tranh chấp. Trong trường hợp này, việc tranh chấp bắt đầu từ những năm 2001 trước thời điểm cấp sổ, có nghĩa là đã công nhận phần diện tích này thuộc về nhà ông Tài. Còn về trường hợp nếu UBND xã cho rằng, có con đường và thuộc quản lý của mình, phải đề nghị cơ quan cấp huyện xác minh và có những bằng chứng cụ thể để trả lời người dân, cũng như khắc phục sai sót trước đây trong quá trình làm sổ đỏ.
Đề nghị UBND huyện Lạc Thủy và các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc, rà soát vụ việc này để bảo vệ quyền lợi cũng như trả lời đúng, hay sai cho công dân theo đúng quy định của pháp luật, tránh để khiếu kiện kéo dài.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Bài và ảnh: Trường Giang