"Ì ạch" dự án đầu tư cải tạo mương thoát nước Thụy Khuê
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 27/11/2016
Mương thoát nước Thụy Khuê ô nhiễm đã hàng chục năm nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh |
Dân khổ vì ô nhiễm
Mương thoát nước Thụy Khuê, quận Tây Hồ là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước chính của 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Đã nhiều năm nay, các hộ dân sống xung quanh mương Thụy Khuê phải sống chung với ô nhiễm môi trường do mùi hôi thối từ mương nước này gây ra. Quan sát thấy, dù đã 10h sáng ngày cuối tuần nhưng hầu như nhà nào sống gần mương cũng đóng cửa im ỉm.
Theo một người dân giấu tên sống gần mương Thụy Khuê, vào những ngày hè nóng nực, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và mỗi khi mưa to, rác thải lại dồn về nhiều đến mức làm tắc nghẽn dòng chảy.
Nước bẩn, mùi hôi thối và ruồi muỗi nhiều vô kể là những hệ lụy mà người dân sống 2 bên bờ mương Thụy Khuê phải gánh chịu |
Một người dân khác chia sẻ: “Tình trạng ô nhiễm ở mương Thụy Khuê diễn ra đã rất lâu và thường xuyên, nếu ai mới đến đây lần đầu sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu vì mùi hôi thối do rác thải và nước thải xả ra mương nhiều vô kể. Thế nhưng, người dân sống quanh đây đã “quen” với mùi này và phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm!”
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn (ngõ 123 Thụy Khuê), mương ô nhiễm đã hàng chục năm nay, một tháng phải có đến 10 ngày rác thải tắc nghẽn ở gầm cầu. “Mùi hôi thối và muỗi nhiều đến mức nhiều đêm không thể ngủ nổi mà chỉ ngồi đập muỗi vì dùng bình xịt cũng không thể hết! Mỗi khi ngồi ở phòng khách, chỉ cần ngồi một lúc là sưng hết tay chân vì muỗi đốt. Thời gian gần đây, mương Thụy Khuê còn phải “gánh” toàn bộ hệ thống nước thải của khu hành chính, chính trị của quận Ba Đình và một phần quận Ba Đình khiến cho tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn” – anh Tuấn bức xúc.
Dự án chậm tiến độ
Để làm rõ thông tin người dân phản ánh, nhóm PV đã đặt lịch làm việc với UBND phường Thụy Khuê. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn nửa tháng, dù đã liên hệ với ông Vũ Bá Đông – Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê rất nhiều lần nhưng nhóm PV vẫn không được vị Phó Chủ tịch này sắp xếp làm việc. Điều này khiến nhóm PV đặt câu hỏi: Phải chăng UBND phường Thụy Khuê bất lực và thờ ơ trước “điểm nóng” ô nhiễm cũng như không quan tâm đến cuộc sống của cư dân trên địa bàn phường?
Qua tìm hiểu, được biết, theo Quyết định số 574/QĐ-UBND, TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê - đoạn từ dốc La Pho đến cống Đõ, giao Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 224 tỷ đồng. Năm 2008, dự án được chuyển giao cho UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Tây Hồ với nhiệm vụ cống hóa mương Thụy Khuê bằng hệ thống cống hộp 2 làn, mặt đường rộng trên 5m, có vỉa hè 2 bên và hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng trên mặt. Dự kiến, dự án hoàn thành sau 17 tháng thi công nhưng đến nay mặt bằng vẫn ngổn ngang, công trình thi công vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Ông Nguyễn Công Quảng – Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Dự án quận Tây Hồ cho biết: Dự án này chính thức khởi công từ năm 2012, tuy nhiên, TP phải đưa dự án vào danh mục tạm đình, tạm hoãn ngay sau đó do không bố trí được vốn để thực hiện khiến dự án “đắp chiếu” suốt mấy năm qua. Năm 2015, TP mới bố trí vốn và bắt đầu thi công lại dự án và giao cho BQL Dự án quận Tây Hồ làm đơn vị thực hiện.
Về nguyên nhân khiến việc triển khai dự án “ì ạch”, ông Nguyễn Công Quảng lý giải: Quá trình chuyển giao dự án cũng như công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây đại diện chủ đầu tư cũ cơ bản đã điều tra GPMB xong, nhưng sau mấy năm, tình trạng đất đã có nhiều thay đổi nên phải tiến hành điều tra lại toàn bộ 326 trường hợp thuộc dự án. Riêng việc xác định nguồn gốc đất để lên phương án bồi thường đã kéo dài khoảng 6-7 tháng.
Bên cạnh đó, BQL cũng phải điều chỉnh lại toàn bộ chính sách bồi thường do cơ chế bồi thường của TP đã thay đổi. Năm 2015, chính sách bồi thường của thành phố cho từng vị trí chứ không cố định như thời điểm năm 2011. Mới đây nhất, thành phố cũng đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng lên do chi phí GPMB, đơn giá đầu tư xây dựng sau các năm đều tăng lên.
Ông Nguyễn Công Quảng – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án quận Tây Hồ trao đổi với nhóm PV Báo Tài nguyên và Môi trường |
“Đặc biệt, quá trình GPMB phát sinh vướng mắc do có những hộ dân không đồng thuận về giá, việc xác định nguồn gốc đất của chính quyền và phương án tái định cư. Điều này dẫn đến tình trạng GPMB theo kiểu “xôi đỗ” – ông Nguyễn Công Quảng nhấn mạnh.
Mặt khác, hiện tượng cơi nới, lấn chiếm của các hộ dân hai bên bờ mương khiến cho lòng mương ngày càng hẹp, chỉ còn rộng khoảng 2m so với 4,5m trước đây, gây nhiều bất lợi cho quá trình GPMB và thi công. Việc đẩy nhanh tiến độ dự án khó thực hiện bởi lối vào mương chỉ có một con đường độc đạo, các ngõ vào đều rất hẹp.
Để hoàn thành nhiệm vụ TP giao là hoàn thiện toàn bộ dự án trong năm 2018, ông Nguyễn Công Quảng khẳng định: BQL Dự án đã lên kế hoạch và yêu cầu đơn vị nhà thầu tổ chức thành nhiều mũi thi công để chỗ nào có mặt bằng sẽ thi công ngay, không chờ giải phóng hết mặt bằng. Phấn đấu trong tháng 12/2016 sẽ hoàn thành phê duyệt các phương án GPMB và đến tháng 5/2017, triển khai thi công xong toàn bộ phần cống hộp của dự án.
Đề nghị BQL Dự án quận Tây Hồ tích cực triển khai kế hoạch cũng như có nhiều phương án thi công phù hợp để sớm hoàn thành dự án đầu tư cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.'
Bài & ảnh:Mai Đan – Tuyết Chinh