Đà Nẵng: Cấm phương tiện nghề cá công suất nhỏ, ngư dân bức xúc
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 15/11/2016
Làng chài Nam Ô hiện có khoảng 200 thuyền thúng |
Theo Quyết định số 4991/QĐ- UBND của UBND TP. Đà Nẵng, đến năm 2020, trên địa bàn thành phố sẽ không còn thuyền thúng gắn máy hoạt động ven bờ; số lượng tàu vỏ gỗ công suất nhỏ hơn 20CV, sức chở tối đa 0,5 tấn trở xuống còn khoảng 150 tàu. Đối với chính sách hỗ trợ để ngư dân xả bản tàu, chuyển đổi ngành nghề bằng hình thức thu mua phương tiện để xả bản: đối với phương tiện đã đăng ký tàu cá có vỏ nan tre be gỗ (ghe nan) hỗ trợ 20 triệu đồng/chiếc; tàu vỏ gỗ có sức chở tối đa, loại từ 0,5 tấn trở lên: 30 triệu đồng/chiếc; loại dưới 0,5 tấn: 20 triệu đồng/chiếc; thuyền thúng gắn máy từ 0,5 tấn trở lên: 15 triệu đồng/ chiếc; dưới 0,5 tấn: 10 triệu đồng/ chiếc. Đối với các phương tiện không đăng ký, với tàu vỏ là các loại vật liệu: 10 triệu đồng/ chiếc; thuyền thúng gắn máy với vỏ là các loại vật liệu: 5 triệu đồng/ chiếc. Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho các lao động trên các phương tiện sau khi đã được thu mua xả bản với mức 10 triệu đồng/lao động, không hỗ trợ cho lao động trên các phương tiện không đăng ký.
Ông Bùi Dư, một ngư dân ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu bức xúc: "Gia đình tôi 4 đời làm nghề chài lưới. Tôi năm nay đã 64 tuổi nhưng vẫn hàng ngày vẫn ra khơi bám biển kiếm sống. Dù thu nhập không cao, nhưng trung bình mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 400- 500 nghìn đồng, đủ lo cho gia đình, vợ con. Nay thành phố có chủ trương cấm các phương tiện đánh bắt nhỏ lẻ, trong đó có cấm hẳn thuyền thúng sẽ góp phần đẩy gia đình tôi vào cảnh khốn khó".
Còn ông Nguyễn Nếp, năm nay 63 tuổi, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà vừa tỉ mẩn phết nhựa lên chiếc thuyền thúng đã cũ, vừa nói bằng giọng miền biển nghe nằng nặng: "Nhà tui có 3 đứa con, một chết vì biển, hai đứa còn lại cũng làm nghề biển nhưng cũng chỉ đủ sống. Tôi ngoài 60 rồi mà vẫn hàng ngày đi biển kiếm ăn. Còn vợ tui thì ở nhà đợi con cá, con mực tôi đánh về để bán. Dù không giàu có nhưng vẫn đủ chi phí sinh hoạt, thỉnh thoảng có đồng ra đồng vào cho con cho cháu. Nay cấm đánh bắt bằng thuyền thúng thì 2 thân già chết đói mất thôi. Với 10 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ xả bản thuyền thúng thì chưa bẳng 1/5 công sức đầu tư; và 10 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi công ăn việc làm, thử hỏi hai vợ chồng ngoài 60, chỉ biết sống nhờ biển như chúng tôi sẽ chuyển sang được nghề gì, sống được bao nhiêu tháng?".
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Đô- Bí thư Chi bộ khu vực làng chài Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu cho biết: thực hiện Quyết định Số 4991/QĐ-UBND của UBND thành phố, một số ban ngành địa phương đã trực tiếp đến tận nhà dân để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ thuyền thúng gắn máy tuy nhiên đã gặp phải sự phản ứng khá quyết liệt từ phía người dân.
Ông Đô phân tích: hiện trung bình một chiếc thuyền thúng tre có giá trên 10 triệu đồng, thuyền thúng nhôm có giá từ 30- 40 triệu đồng. Nếu tính thêm cả máy gắn, ngư cụ để đánh bắt thì trung bình mỗi chiếc thuyền thúng tre phải đầu tư cỡ 50 triệu đồng, thuyền thúng nhôm cỡ 130 triệu đồng, nếu áp theo giá đền bù xả bản với mức hỗ trợ từ 10- 30 triệu đồng là quá thấp. Thứ nữa, thuyền thúng chủ yếu dành cho những người ở tuổi qua trung niên dùng để đánh bắt ven bờ với mức thu nhập trung bình khoảng 400 nghìn đồng cho một lao động và 500 nghìn đồng cho 2 lao động, nếu như chồng đánh bắt, vợ trực tiếp bán sản phẩm. Nay chỉ hỗ trợ 1 lao động với mức 10 triệu đồng là quá thấp. Ngoài ra, như đã nói, hoạt động thuyền thúng là đối với lứa tuổi qua trung niên, có người 70 tuổi vẫn tham gia đánh bắt. Nếu chuyển đổi nghề thì sẽ bố trí họ làm nghề gì, chẳng lẽ lại vào làm công nhân ở khu công nghiệp, trong khi cả đời họ đã gắn bó với biển.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lĩnh- Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết: “Hiện toàn TP. Đà Nẵng có khoảng trên dưới 1.000 thuyền thúng, tàu có công suất nhỏ dưới 20CV, giải quyết việc làm cho ít nhất 1.500 lao động. Việc cấm thuyền có công suất nhỏ, thuyền thúng gắn máyđánh bắt ven bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm tác động tiêu cực là một chủ trương chưa hợp lý của UBND TP. Đà Nẵng. Ông Lĩnh phân tích: nếu nói rằng cấm đánh bắt ven bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh tác động tiêu cực thì hoàn toàn sai lầm bởi theo số liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, vùng bờ biển và đới bờ biển ở nước ta có hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 hệ sinh thái. Mà đã là hệ sinh thái thì rất đa dạng về giống loài động vật cũng như thực vật thủy sinh. Để tránh tác động tiêu cực thì cần phải nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng để có phương án khai thác hợp lý chứ không nên cấm hẳn. Mặt khác, thuyền thúng không chỉ là phương tiện mà còn là nét văn hóa rất đặc sắc của các làng chài ven biển Việt Nam, đã và đang được xuất khẩu đi nhiều nước như: Thụy Sỹ, Thái Lan, Nhật Bản...”.
“Việc cấm hàng nghìn thúng máy, thuyền có công suất nhỏ sẽ ảnh hưởng tới đời sống mưu sinh của hàng nghìn người cũng như của cả hệ sinh thái ven bờ, việc phản ứng của người dân cũng khá dễ hiểu khi miếng cơm manh áo của họ có nguy cơ bị tước bỏ. Trước đây, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng đã từng có chủ trương dẹp bỏ thuyền thúng nhưng không thực hiện được do ảnh hưởng quá nhiều đến người dân, chủ yếu là đối với các dân chài có thu nhập thấp. Vì vậy, UBND TP. Đà Nẵng nên xem xét lại tính hiệu quả của đề án và cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”- ông Lĩnh đề nghị.
Bài & ảnh:Đức Huy