Dân "tố" DN tự ý bơm cát lấp đất sản xuất và SVĐ xã

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 22/09/2016

(TN&MT) – Người dân xóm 10, xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An gửi đơn tố cáo một DN mở bến tập kết, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn tự ý bơm cát...

 

(TN&MT) – Vừa qua người dân xóm 10, xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An gửi đơn tố cáo một doanh nghiệp mở bến tập kết, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn tự ý bơm cát lên lấp đất sản xuất của họ. Mặt khác, doanh nghiệp này  cũng đang lấn đất sân vận động của xã để làm bến cát sỏi.

Toàn cảnh bến cát sỏi không phép gần cầu Yên Xuân
Toàn cảnh bến cát sỏi không phép gần cầu Yên Xuân

Theo đơn kiến nghị của hàng chục hộ dân xóm 10, xã Hưng Xuân có đất sản xuất tại bãi bồi xứ Bàu Phong ven sông Lam, cách chân cầu Yên Xuân khoảng vài trăm mét thì từ đầu tháng 9 đến nay một doanh nghiệp mở bến tập kết, kinh doanh cát sỏi đóng trên địa bàn (Công ty TNHH Khai thác cát sạch Yến Nhi) đã tự ý bơm hút cát đè lên đất sản xuất bấy lâu của họ. Sự việc trên đã khiến cho người dân bị ảnh hưởng vô cùng bất bình.

Đơn kiến nghị nêu rõ: “…Không biết ai đã chống lưng cho các nhà thuyền mà mấy hôm vừa qua (kể từ ngày 06/9/2016) họ đã dám dẫm đạp lên quyền lợi chính đáng của người dân chúng tôi, vi phạm một cách trắng trợn khi ngang nhiên hút cát đè lên diện tích đất canh tác, sản xuất nông nghiệp của chúng tôi. Họ đã vi phạm pháp luật, vi phạm Luật đất đai, dám hủy hoại tài sản thiêng liêng nhất của người nông dân chúng tôi (đó là đất sản xuất nông nghiệp). Phải chăng chính quyền không biết hay cố tình làm ngơ?...”.

Bà Nguyễn Thị Hương, nhà gần với bến cát và cũng có gần 1 sào đất canh tác nông nghiệp vừa bị bến cát sỏi không phép ngang nhiên hút cát đè lên lấn diện tích đất, bức xúc: “Gia đình tôi có gần 1 sào đất ở bãi bồi. Từ đầu tháng 9 này thấy một doanh nghiệp tự ý bơm cát lên tập kết ở đất của tôi và khoảng 15 hộ gia đình khác mà không có ý kiến gì. Thực sự là xem thường người dân chúng tôi quá mà”.

Doanh nghiệp tự ý hút cát lên chiếm đất khẩu của nhiều hộ dân xóm 10, Hưng Xuân mà không xin phép, thỏa thuận với người dân
Doanh nghiệp tự ý hút cát lên chiếm đất khẩu của nhiều hộ dân xóm 10, Hưng Xuân mà không xin phép, thỏa thuận với người dân

Cùng chung bức xúc với bà Hương, nhà sát cạnh là chị Nguyễn Thị Xuân, chia sẻ: “Chồng tôi thì đã mất, gia đình khó khăn, nhà chỉ có vài thước đất ở bãi bồi để canh tác. Thế mà doanh nghiệp cát sỏi đã tự ý hút cát lên lấp làm bãi tập kết mà không có ý kiến của người dân chúng tôi. Sau khi chúng tôi có ý kiến thì họ đã muốn thỏa thuận để thuê lại 1 sào 2 triệu đồng/năm. Cho dù có thuê chúng tôi cũng không đồng ý, nếu bơm cát lên về lâu về dài sẽ làm hư hại đất, khi dân chúng tôi cần canh tác ai sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả mặt bằng, cải tạo lại đất như ban đầu cho chúng tôi đây? Thà dân chúng tôi để cỏ mọc rồi cho bò ăn còn có lời hơn”.

Ngoài diện tích đất của bà Hương, bà Xuân ra thì theo đơn kiến nghị của người dân, đất canh tác của khoảng hơn 10 hộ khác ở xóm 10 cũng đã bị bến cát sỏi chiếm dụng một cách trắng trợn. Đơn cử như đất của các hộ bà Hồ Thị Tâm; ông Nguyễn Văn Dũng; Nguyễn Văn Thắng; Phạm Thị Bé; Phạm Thị Toàn; Nguyễn Thị Nhung…

Nước chảy lênh láng gây ô nhiễm môi trường
Nước chảy lênh láng gây ô nhiễm môi trường

Ngoài ra, theo phản ánh của ông Phạm Đức Phiệt (SN 1948), cán bộ hưu trí, trú tại xóm 10, xã Hưng Xuân thì bến cát sỏi nói trên còn đổ cát sỏi lấn vào diện tích đất sân vận động của xã. Điều này không chỉ có nguy cơ làm mất đất cộng đồng mà còn gây ô nhiễm môi trường. “Đúng là doanh nghiệp ni quá liều lĩnh, không xem dân ra gì khi không thông qua dân mà dám chiếm đất để làm bến cát; nghiêm trọng hơn nữa là họ còn đổ cát lấn vào đất sân vận động của xã làm mất khuôn viên vui chơi giải trí của các cháu nhỏ. Ngoài ra, quá trình hút cát lên thì nước bẩn và bùn chảy lênh láng khắp sân vận động gây ô nhiễm môi trường” – ông Phiệt bức xúc nói.

Còn trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Quốc Đoàn, xóm trưởng xóm 10, xã Hưng Xuân, cho rằng: “Chủ doanh nghiệp tập kết cát có trao đổi với tôi là muốn thuê lại diện tích đất khẩu ở xứ Bàu Phong để làm bến tập kết cát. Nhận thấy đất người dân không canh tác từ vài ba năm nay để hoang thì phí nên tôi đã thông báo cho dân đến hội quán họp. Ngày 12/9 thì các hộ dân đã đến họp, có khoảng 15 hộ với diện tích trên 9 sào đến họp vào hôm đó. Có hộ đồng ý nhưng có hộ cũng đang có ý kiếm về giá thuê”(?).

Bến cát nằm gần cầu đường sắt Yên Xuân
Bến cát nằm gần cầu đường sắt Yên Xuân

Sáng 19/9, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Phận – Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân. Khi PV đặt vấn đề liên quan đến nội dung đơn thư của người dân thì vị chủ tịch này nói: “Tôi vừa mới nhận đơn sáng nay, thế mà Nhà báo đã biết thông tin rồi? Tôi nói nhé! Trong các hộ ký đơn dưới này chỉ có 1 hộ có đất bị ảnh hưởng thôi. Chắc ở đây có vấn đề làm ăn cạnh tranh không lành mạnh nên mới có đơn từ kiểu này”(?)

Nói về việc bến cát này có tự ý hút cát lên lấp đất của dân hay không thì ông Phận giải thích: “Đất ở đây là đất bãi bồi vên sông nhưng đã bỏ hoang lâu lắm rồi. Doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất thì phải ủng hộ họ”. PV đặt câu hỏi: “Nhưng phải được dân đồng ý cũng như phải có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như phải được cấp phép bến thủy nội địa thì mới được làm?”. “Thì họ đang “chạy” thủ tục đó” – Vị chủ tịch thản nhiên đáp.

Trong cuộc trao đổi, ông Phận cũng thừa nhận là bến cát này trước đây đã bị đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh dẹp bỏ. Thế nhưng, bến này đã hoạt động trở lại được khoảng 1 tháng nay. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi vì sao biết là họ hoạt động động không phép nhưng xã không xử lý theo quy định thì vị chủ tịch này không trả lời được.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này. 

Bài & ảnh: Phạm Tuân