Tiên Lãng (Hải Phòng): Có hay không sự bao che sai phạm quản lý đất đai
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 30/07/2016
(TN&MT) - Đơn thư khiếu nại, tố cáo những sai phạm của lãnh đạo xã liên tục được gửi đi; UBND huyện cũng đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, xác minh và ban hành nhiều thông báo kết luận. Nhưng huyện càng kiểm tra, xác minh, nhân dân lại càng không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Vì sao vậy?.
“Lạ lùng” xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trong đơn thư gửi Báo Tài nguyên & Môi trường, các hộ dân ở xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) phản ánh: Từ cuối năm 1993, chính quyền xã này đã thực hiện giao đất nông nghiệp cho cá nhân, tổ chức theo Nghị định 64/ND-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Nhưng trong quá trình giao đất nông nghiệp cho bà con, một số cán bộ chủ chốt của xã đã “nhập nhèm” quỹ đất sản xuất nhằm trục lợi.
Phần diện tích đất trong đê (thuộc 130ha) đã được UBND huyện Tiên Lãng thu hồi năm 2004, nhưng đến năm 2014, trả lời đơn thư của công dân, UBND huyện Tiên Lãng vẫn cho rằng huyện chưa quản lý diện tích này (Một số suất đất đã được bán cho cá nhân xây nhà kiên cố). |
Theo đó, công dân xã Đông Hưng tố cáo, trong 3 khóa làm Chủ tịch UBND xã Đông Hưng (1991-1995; 1996-2000; 2001-2005), ông Nguyễn Xuân Tuyệt đã cùng một số cán bộ xã cắt dấu 216 ha đất nông nghiệp, không đưa vào sổ sách quyết toán hằng năm để tư lợi; Lợi dụng chức vụ bán 136 suất đất; tự ý cấp đất cho người thân sai quy định (cho em trai là Nguyễn Văn Hy, cho chú là Đoàn Văn Kinh, cho con trai là Nguyễn Xuân Diện, cho cháu gái là Nguyễn Thị Duyên)... Nhất là, lợi dụng việc huyện thu hồi 130ha đất trong đê của 15 hộ nuôi trồng thủy sản, ông Tuyệt đã chia lô bán hằng trăm suất đất cho cá nhân, tổ chức để thu lợi…
Trước đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân xã Đông Hưng, ngày 02/8/2007, UBND huyện Tiên Lãng đã có Quyết định số 1119/QĐ-UBND, thành lập Đoàn kiểm tra, xác minh. Đến ngày 08/10/2007, Đoàn kiểm tra, xác minh đã có Kết luận số 01/KL-TC, trong đó khẳng định, các nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân xã Đông Hưng là không có cơ sở.
Không đồng tình với kết luận này, công dân xã Đông Hưng tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Đến ngày 21/01/2014, UBND huyện Tiên Lãng mới có Thông báo số 37/UBND-TCT về kết quả kiểm tra, rà soát giải quyết đơn thư tố cáo.
Nhưng trong Thông báo này, UBND huyện chỉ xử lý nội dung khiếu nại, tố cáo ông Nguyễn Xuân Tuyệt lúc còn là Chủ tịch UBND xã đã cấp đất sai quy định cho chú và em trai (hộ ông Nguyễn Văn Hy-em trai ông Tuyệt được cấp đất sai về số đo, vị trí; hộ ông Đoàn Văn Kinh-chú ông Tuyệt, được cấp đất sai về nguồn gốc, diện tích tăng lên 335m2). UBND huyện Tiên Lãng đã có Công văn số 67/UBND-TCT ngày 16/1/2014, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Hy và hộ ông Kinh. Trong Công văn này không đề cập đến việc xử lý cá nhân, tổ chức liên quan đến việc cấp đất sai quy định.
Người dân không đồng tình với cách giải quyết của chính quyền, tiếp tục khiếu nại, tố cáo. |
Trước việc UBND huyện “bỏ qua” quá nhiều nội dung, công dân xã Đông Hưng tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Đến ngày 01/7/2014, UBND huyện Tiên Lãng có Thông báo số 283/TB-UBND, khẳng định các nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân xã Đông Hưng đã được kiểm tra, giải quyết. Đáng nói là, trong thông báo này, UBND huyện Tiên Lãng có “bàn” đến nội dung tố cáo ông Nguyễn Xuân Tuyệt và một số cán bộ xã Đông Hưng lợi dụng việc huyện thu hồi 130ha đất trong đê của 15 hộ nuôi trồng thủy sản để chia lô bán.
UBND huyện Tiên Lãng lý giải, đây là diện tích đất thuộc địa bàn 2 xã Đông Hưng và Tây Hưng, được UBND TP. Hải Phòng quy hoạch nuôi trồng thủy sản từ năm 2002. Diện tích đất này từ năm 2004 đến nay UBND huyện chưa quản lý.
Nhưng theo hồ sơ, diện tích 130ha đất nuôi trồng thủy sản này đã được thu hồi theo Thông báo số 213/TB-UB, ngày 25/6/2004 của UBND huyện Tiên Lãng. Theo đó, UBND huyện Tiên Lãng yêu cầu 15 hộ (8 hộ ở xã Đông Hưng, 7 hộ ở Tây Hưng) có đất nuôi trồng thủy sản ở trong đê và 3 hộ có đất nuôi trồng thủy sản ở ngoài đê được sử dụng đến tháng 12/2004, sau đó bàn giao diện tích đất cho huyện quản lý.
Câu hỏi đặt ra là, 130ha đất nuôi trồng thủy sản đã có quyết định thu hồi của UBND huyện từ năm 2004, nhưng vì sao trong Thông báo 283/TB-UBND ngày 01/7/2014, huyện Tiên Lãng vẫn lý giải là chưa quản lý diện tích đất này? Liệu lý giải này có nhằm “lấp liếm” cho việc công dân tố cáo Chủ tịch UBND xã Đông Hưng cắt bán nhiều suất đất ở khu vực này?
Có dấu hiệu bao che cán bộ sai phạm
Nghi vấn này không phải không có cơ sở khi Thông báo số 283/TB-UBND ngày 01/7/2014 của UBND huyện Tiên Lãng vẫn không làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. Do đó, công dân xã Đông Hưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo.
Mãi đến ngày 17/11/2014, UBND huyện Tiễn Lãng mới có Kết luận số 05/KL-UBND về kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng của UBND xã Đông Hưng. Theo đó, UBND huyện Tiên Lãng xác định, từ năm 1993, việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn có nhiều khuyết điểm. Lãnh đạo xã Đông Hưng đã cấp đất, giao đất, cho thuê đất cho một số cá nhân, tổ chức trái thẩm quyền.
Kết luận số 05/KL-UBND ngày 17/11/2014 của UBND huyện Tiên Lãng nhấn mạnh: “Chính việc làm trên của UBND xã Đông Hưng và những người sử dụng đất là những nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện của một số công dân xã Đông Hưng thời gian vừa qua”.
Kết luận này cũng đã nêu đích danh 6 cán bộ chủ chốt của xã Đông Hưng để xảy ra các sai phạm, kéo dài tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, trong đó có ông Nguyễn Xuân Tuyệt, Bí thư Đảng ủy xã (nguyên Chủ tịch UBND xã), ông Nguyễn Tiến Chinh, Chủ tịch UBND xã,… Nhưng thật lạ lùng, các cán bộ được nêu đích danh này không bị bất cứ hình thức xử lý nào.
Một trong những diện tích đất công của xã mà ông Nguyễn Xuân Tuyệt khi còn là Chủ tịch UBND xã Đông Hưng đã cấp cho người thân sai quy định. |
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, một điều khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên là, mặc dù hàng chục năm nay, công dân xã Đông Hưng đã có đơn thư khiếu nại, tố cáo những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Tuyệt, nhưng không hiểu sao, ông này vẫn giữ chức Chủ tịch UBND xã liên tiếp 3 khóa (từ 1991 đến 2005). Nhiệm kỳ 2005-2010, ông Tuyệt trúng chức Bí thư Đảng ủy xã Đông Hưng. Và liên tiếp 2 nhiệm kỳ tiếp theo (2010-2015; 2015-2020), ông Tuyệt vẫn trúng cử chức Bí thư Đảng ủy xã (!?).
Trả lời chất vấn của phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Đức Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Lãng, cho rằng, theo quy định thì người giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã không được quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
“Nhưng trong trường hợp người đó được “tín nhiệm” thì vẫn có ngoại lệ, được làm Chủ tịch xã liên tiếp 3 nhiệm kỳ”, ông Cảnh nói.
Được biết, 3 nhiệm kỳ ông Tuyệt làm Chủ tịch xã (từ 1991 đến 2005), việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn xã, ông đã có nhiều “thành tích” khiến lòng dân ai oán. Là lãnh đạo xã để xảy ra nhiều sai phạm và được cơ quan chức năng chỉ rõ; nhân dân xã cũng đã đứng lên khiếu nại, tố cáo Chủ tịch UBND xã Đông Hưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi, gây bức xúc trong dư luận. Ngay cả anh họ của ông Tuyệt là ông Đoàn Văn Gấc (mẹ ông Gấc là chị ruột mẹ ông Tuyệt) cũng bất bình trước những hành động sai trái của người em mình và đã phải đứng lên tố cáo những sai phạm của ông Tuyệt.
Ông Đoàn Văn Gấc (anh họ của ông Tuyệt) nhiều năm nay bất bình với việc hành xử của anh mình và đã đứng ra tố cáo những sai phạm. |
Vậy mà ông Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tiên Lãng lại khẳng định, ông Nguyễn Xuân Tuyệt có được sự “tín nhiệm” để liên tiếp 3 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND xã Đông Hưng?.
Dư luận huyện Tiên Lãng đang hoài nghi về “lợi ích nhóm”. Có hay không sự dung túng, bao che, thậm chí bảo vệ nhau trong lợi ích “miếng bánh ngọt” với diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ?
Câu hỏi này rất cần được TP. Hải Phòng và huyện Tiên Lãng sớm trả lời để rộng đường dư luận. Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Bài & ảnh: Xuân Vũ – Sỹ Hào