TPHCM: Người dân khốn đốn vì công trình chống ngập trăm tỷ
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 03/08/2016
(TN&MT) - Công trình chống ngập dài gần 4km trên đường Kinh Dương Vương, trước cửa Bến xe miền Tây, thuộc phường An Lạc A, quận Bình Tân được TPHCM đầu tư hơn 300 tỷ đồng, đang triển khai được khoảng 70% khối lượng, lại một lần nữa phải ngưng thi công. Việc tính toán thiếu khoa học đã khiến hàng nghìn hộ dân hai bên đường phải sống trong ngập nước, bụi bặm, ô nhiễm môi trường. Còn chủ đầu tư thì dở khóc, dở cười bởi không biết đến khi nào công trình mới làm xong.
Do cách làm thiếu khoa học, công trình chống ngập trên đường Kinh Dương Vương gây khổ cho người dân |
Sau vài trận mưa to vào cuối tháng 7 vừa qua, hàng trăm hộ dân hai bên đường Kinh Dương Vương bị nước tràn vào nhà, hư hỏng nhiều đồ đạc. Ông Võ Văn Lợi, người dân ở phường An Lạc A, quận Bình Tân cho biết: “Từ hơn 3 tháng nay, khi con đường này bắt đầu thi công, sau mỗi trận mưa to, nhà tôi đều bị ngập như vậy. Chuyện làm ăn nó bị đứt đoạn thì mình phải chấp nhận, nhưng cứ mưa thì nước tràn vào nhà. Đơn vị thi công thì lúc làm, lúc nghỉ, chúng tôi không biết là họ tính toán như thế nào. Còn về độ cao thì cao quá. Nhà tôi đã nâng nền mấy lần rồi. Giờ mà nâng nữa là đụng nóc nhà luôn”.
Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên & Môi trường online, công trình chống ngập này có nhiều vấn đề không hợp lý. Ngay từ khi thiết kế, việc nâng độ cao mặt đường lên hơn 1,5m và độ cao vỉa hè 1,2m là quá cao so với hai bên đường. Trong khi đó, con đường Kinh Dương Vương này đã nhiều lần được nâng lên. Sau mỗi lần nâng đường, người dân hai bên lại phải nâng nền nhà lên theo. Đến lần này, đường đã cao gần đến mái của những nhà cấp 4, còn nhà 2- 3 tầng cũng không thể cơi nới thêm.
Một điều bất hợp lý nữa là chủ đầu tư và nhà thầu chọn đúng thời điểm mùa mưa để thi công công trình. Cứ sau mỗi trận mưa, nước ở đường lại tràn vào, ngập nhà dân hai bên đường. Bà Nguyễn Thị Lan, người bán nước giải khát ở đường Kinh Dương Vương rầu rĩ than: “Ở đây cứ trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội. Xe máy, ô tô cứ kẹt như thế này thì chúng tôi buôn bán làm sao được. Tôi thấy đường làm cao quá. Cao đến mức mà đồ kê lên nó ngập quá đầu rồi”.
Một số chuyên gia chống ngập cho rằng, nếu chủ đầu tư nâng đường kiểu này, nước tràn vào nhà dân. Người dân nâng nhà, nước lại tràn ra đường. Vậy là Nhà nước và người dân cùng chống, mà ngập thì vẫn ngập. Chủ đầu tư nên làm cống thoát nước ở phần diện tích còn lại giữa đường, thay vì chỉ để trồng hoa làm cảnh như trước đây. Ít nhất, cống này cũng chứa nước và thoát nước được cho chính con đường cao như con đê kia. Còn về lâu dài, cần cải tạo hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt, nước mưa, nước thủy triều ở lưu vực khoảng 90ha chịu ảnh hưởng của công trình này.
Về thực trạng nêu trên, sau buổi kiểm tra việc thi công tắc trách gây ảnh hưởng đến đời sống người dân vào ngày 8/6/2016, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo: “Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án giảm thiểu cao độ vỉa hè (có độ dốc tiếp giáp nhà dân phù hợp) kết hợp với xây dựng hệ thống mương dọc theo tuyến đường Kinh Dương Vương, nạo vét kênh rạch, cửa xả và hệ thống đê bao, van ngăn triều, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập cho cả khu vực. Việc này phải được thực hiện ngay, khẩn trương và báo cáo cho UBND TPHCM trong thời gian sớm nhất”. Nhưng đã cả tháng trôi qua, dự án vẫn án binh bất động.
Sở Giao thông - Vận tải TPHCM cho biết, đơn vị mới nhận văn bản của chủ đầu tư về việc tổ chức lấy ý kiến người dân để làm cơ sở điều chỉnh thiết kế đối với công trình này. Tuy nhiên, việc “nghe ngóng dư luận”, hay lấy ý kiến người dân chỉ là biện pháp mang tính trực quan, cảm tính. Điều quan trọng nhất là phải tìm ra được những điều bất hợp lý của dự án để sửa chữa, khắc phục. Còn người dân ở phường An Lạc A, quận Bình Tân thì mong mỏi, thành phố sớm có phương án xử lý để công trình này được hoàn thành, trả lại sự bình yên cho cuộc sống của họ.
Theo chuyên gia giao thông TS Phạm Sanh, tuyến đường Kinh Dương Vương đã hai lần thi công trước đó, nhưng không nắm được số liệu ngập và cao độ bao nhiêu thì hợp lý, nên vẫn cứ ngập nặng. Cống nước trên tuyến đường này đi không tới nơi, một số cống miệng cao lên nên không thoát nước được. Theo ông Sanh, việc nâng đường hiện nay không phải là giải pháp tốt nhất, bởi khi nâng đường lên hơn 1m, nhà người dân hai bên đường cũng nâng theo thì ngập vẫn ngập. Cơ quan chức năng nên tìm ra nguyên nhân thông qua khảo sát cụ thể, cao bao nhiêu là đủ, tại sao đường Kinh Dương Vương đã thi công chống ngập hai lần nhưng vẫn ngập?. |
Bài & ảnh: Thục Vy