Mường Bon – Sơn La: Khi nào người dân có đất?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 26/06/2016
Nhiều hộ gia đình tại khu tái định cư bản Củ Pe đang không có việc làm do thiếu đất sản xuất. |
Giao đất…trên giấy
Điểm TĐC bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn có 10 hộ dân được chuyển về từ xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai từ tháng 11/2008. Tới nay, 8 năm đã trôi qua nhưng đời sống người dân vẫn gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất.
Ông Lò Văn Sáng, đại diện cho 10 hộ dân cho biết: Khi chuyển về đây, chúng tôi mới được hưởng ưu tiên nhận nhà làm đất thổ cư, mỗi nhà được 400m2 đất cùng một số tiền đền bù còn dư ở quê cũ. Về đất sản xuất, 10 hộ gia đình được giao 11,5ha nhưng diện tích đất này đã trồng cao su từ khoảng tháng 8/2008 (trước khi các hộ dân chuyển về). Sau đó, chúng tôi được cán bộ xã vận động, tuyên truyền là góp đất trồng cao su và trở thành công nhân của công ty này nên cũng đồng ý ký cam kết góp đất. Nhưng thực chất, chúng tôi không rõ diện tích đất của gia mình đang ở đâu.
Công việc tại Công ty cao su cũng ổn định được thời gian đầu. Từ năm 2014 tới nay, cây cao su đã khép tán, thu nhập trở nên bập bõm, tháng có tháng không.
Đến nay, chính sách hỗ trợ đã hết, 11 hộ dân (1 hộ mới tách khẩu) với 46 nhân khẩu đang lâm vào hoàn cảnh nghèo đói, khó khăn vì không có đất canh tác, sản xuất, không có nghề phụ, làm thuê cũng không ai mướn vì xa trung tâm.
“Trước đây ở quê cũ, chúng tôi toàn tự cung tự cấp. Sang nơi ở mới, đất đai không có, chúng tôi không biết làm gì. Điện, nước thì chập chờn. Trâu bò cũng không dám nuôi vì thiếu đất, không có nơi chăn thả. Giờ nhà tôi vẫn phải nuôi nhốt trâu bò dưới gầm sàn, rất mất vệ sinh.”. Đoạn, ông Sáng bưng mặt khóc: “Chúng tôi làm gì để sống...?”
Hiện nay, các hộ dân đã có đơn kiến nghị lên chính quyền huyện, xã để được hưởng chế độ hộ nghèo, xin được cấp đất canh tác và hưởng ưu tiên như những vùng TĐC khác; được tu sửa lại đường điện, đường nước. Nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
“Chính quyền xã bảo không thể chứng nhận hộ nghèo cho các gia đình vì chúng tôi có nhà cửa, xe cộ và một số đồ dùng điện tử khác. Nhưng thực chất, số vật dụng đó toàn đồ Tầu, mua từ lúc có tiền hỗ trợ từ dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La. Từ đó đến nay chúng tôi không làm ra được nghìn nào. Đã 2 tháng nay không ai có việc làm. Bọn trẻ cũng phải nghỉ học vì không có tiền đóng góp. Đến lúc đồng tiền cuối cùng tiêu hết, giọt nước cuối cùng không còn, đấu gạo cuối cùng cũng hết, nghề nghiệp không có, đất sản xuất không có... thì những vật dụng, xe cộ trong nhà cũng không để làm gì” – ông Lò Văn Sáng chua xót.
Gia súc vẫn được người dân nhốt ngay dưới gầm sàn, cũng vì thiếu đất. |
Chờ đến bao giờ…?
Trao đổi với PV, ông Lường Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Mường Bon cho biết: Tình trạng thiếu đất sản xuất do người dân đã góp hết đất trồng cao su là khó khăn chung của cả bản Củ Pe, không chỉ người dân TĐC. Để hỗ trợ các hộ dân, từ tháng 4-6, UBND huyện Mai Sơn đã hỗ trợ 15kg gạo/khẩu để cứu đói giáp hạt cho các hộ dân TĐC.
Về phương án sắp xếp để có đất sản xuất cho người dân, lãnh đạo huyện, xã đã nhiều lần tổ chức họp, thống nhất sẽ bàn giao 6,4ha đất cho người dân mượn để sản xuất trong 3 năm (2016-2018). Trong đó, trước mắt sẽ bàn giao cho người dân 2,4ha đất; 4ha còn lại là diện tích đất trồng mía chưa tới hạn thanh lý nên sẽ bàn giao sau.
Còn để có đất sản xuất ổn định, lâu dài, UBND huyện đang đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét việc giao đất hoán đổi diện tích đất sản xuất của các hộ đã góp đất trồng cao su sang vị trí đất 5% của xã (khu lò gạch thủ công). Tuy nhiên, tất cả các hộ dân đều không chấp nhận phương án trên. Mặc dù cán bộ xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nhưng tới nay vẫn không có kết quả.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết. Việc người dân không chịu nhận đất vì… không tin chính quyền xã. Ông Lò Văn Sáng bức xúc: Người ta chỉ nói cho vui thôi. Đây không phải lần đầu xã hứa giao đất. Ngay từ năm 2013-2014, xã cũng hứa sẽ san lò gạch cho người dân có đất làm ruộng. Đã họp trên huyện, ở xã và tiến hành đo đạc trên thực địa nhưng tới nay vẫn không triển khai.
Giờ lại có thời hạn bàn giao đất trong 3 năm. Nếu nhận diện tích đất đó thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới có đất ổn định để sản xuất? Chúng tôi chỉ nhận đất khi các hộ được giao ổn định và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Tiếp tục liên hệ làm việc với UBND huyện Mai Sơn, ông Lê Minh Tâm, Trưởng ban Quản lý Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La huyện Mai Sơn lại cho rằng: Trước khi chuyển đến nơi ở mới, các hộ dân đã được biết đây là vùng quy hoạch trồng cao su và đã đồng thuận sẽ góp đất, trở thành công nhân cao su. Người dân đã ký biên bản nhận đất cụ thể với từng thửa một. Từ đó tới nay, mọi chính sách liên quan đến tái định cư đã được UBND huyện chi trả đầy đủ. Việc tu sửa đường điện nước cho người dân cũng đang được chúng tôi triển khai.
Nhưng khi đặt câu hỏi về mốc thời gian hoàn thành thì ông Tâm chỉ nói sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất.
Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn thông tin thêm: Chúng tôi đã nắm được tình hình đời sống người dân khó khăn do góp đất trồng cao su. Nhưng hiện nay, Công ty Cao su gặp khó khăn, thu nhập từ cây cao su không có nên cũng không có chính sách gì để hỗ trợ người dân.
Hiện nay, UBND huyện đang đẩy nhanh tiến độ bàn bạc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La để lấy 10ha diện tích đất thao trường trên địa phận xã Mường Bon. Khi nào đất được chuyển nhượng xong thì huyện sẽ bàn giao đất cho người dân và cấp sổ đỏ theo đúng quy định.
“Nhưng để làm được việc này cần có thời gian. Chúng tôi rất mong người dân tạm nhận phần đất đã sắp xếp được để tạm sản xuất trong mùa vụ năm nay. Còn để bàn giao đất vĩnh viễn, trong năm nay chưa thể khẳng định xong được hay không. Người dân phải chờ… vì công tác bàn giao đất cần thực hiện theo đúng lộ trình” – ông Thắng cho biết.
An cư mới có thể lạc nghiệp. Nhưng hơn 8 năm đã trôi qua, mong ước đơn giản ấy của 10 hộ dân nơi đây vẫn chưa được thực hiện. Trước mắt, người dân cũng nên nhận đất sản xuất để có việc làm, đảm bảo phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Song thiết nghĩ, các cấp chính quyền của tỉnh Sơn La cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp diện tích đất trên thực địa như đã hứa với dân; có một câu trả lời rõ ràng, cụ thể để người dân an tâm. Khi đó, người dân mới càng thêm tin tưởng vào chính quyền địa phương, yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Bài & ảnh: Nguyễn Nga