UBND huyện Sơn Động có vô can khi để cha con Chủ tịch TT Thanh Sơn phá rừng trái phép?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 11/06/2016
(TN&MT) - Theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì lãnh đạo huyện Sơn Động sẽ phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm...
(TN&MT) – Theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng thì lãnh đạo huyện Sơn Động sẽ phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật khi để rừng bị phá.
Vụ việc phá rừng tự nhiên trái phép xảy ra tại xã Tuấn Mậu (Sơn Động – Bắc Giang) liên quan tới cha con Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn cho tới thời điểm này là hơn 2 năm nhưng rất có thể sẽ chìm xuồng nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo TN&MT là cơ quan đầu tiên đưa vụ phá rừng này ra ánh sáng.
Những tấm gỗ còn sót lại trên phần diện tích rừng tự nhiên bị con trai Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn chặt phá trái phép |
Để bảo vệ rừng, Chính phủ đã có những quy định rất chi tiết khi giao đất, giao rừng cho các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc để phủ xanh đất trống, đồi trọc cũng như bảo vệ, quản lý, khai thác rừng sẵn có. Chính vì vậy, vụ việc phá rừng tự nhiên tại xã Tuấn Mậu là hành vi xâm hại rừng đặc biệt nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng sẽ buộc phải đối chiếu theo các quy định của pháp luật để xử lý chứ không thể coi đó là “tai nạn” để rút kinh nghiệm bởi cũng chính tại địa phương này đã có những vụ việc tương tự và các cá nhân phá rừng phải trả giá bằng những bản án nghiêm khắc của tòa án.
Bên cạnh đó không thể bỏ qua trách nhiệm của lãnh đạo huyện Sơn Động khi để xảy ra việc phá rừng trái phép trong thời gian dài như vậy mà không xử lý.
Cụ thể, tại Điều 2, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng chính phủ quy định rõ: "Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật".
Ngoài ra, chính quyền các cấp phải tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án bốn tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần); kịp thời báo cáo lên cấp trên đối với vụ việc khi vượt quá tầm kiểm soát của xã; giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật.
Toàn bộ hồ sơ vụ con trai Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn phá rừng trái phép đã được chuyển qua Công an Sơn Động để đề nghị khởi tố tội "hủy hoại rừng" |
Trong chuyện này, ông Phạm Văn Thắng đang là đương kim Chủ tịch thị trấn, đồng thời là chủ rừng nhưng lại để con là cán bộ tư pháp ngang nhiên phá rừng tự nhiên (thời điểm ông Thắng còn đang làm Trưởng công an thị trấn) nhưng đến giờ này, công an huyện Sơn Động vẫn không khởi tố vụ án thì phải chăng có thế lực nào “chống lưng” cho cha con ông Chủ tịch mặc dù Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ phá rừng tự nhiên trái phép sang công an huyện Sơn Động đề nghị khởi tố con trai ông Chủ tịch tội “hủy hoại rừng”.
Trả lời phóng viên về vụ phá rừng nghiêm trọng này, ông Nguyễn Văn Khái - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bắc Giang cho biết hành vi phá rừng tự nhiên là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, không bao che sai phạm bất kể là ai.
“Tôi đã giao Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Giang lập đoàn thanh tra kiểm tra sự việc và sau khi có báo cáo đầy đủ, chi tiết từ Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang sẽ xem xét trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm tại huyện Sơn Động” – ông Khái nói thêm.
Trước đó như chúng tôi đã đưa tin. Bức xúc trước việc cha con ông Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn Phạm Văn Thắng ngang nhiên lấn chiếm đất lâm nghiệp của hàng xóm và chặt phá trái phép 26.056m2 rừng tự nhiên tại xã Tuấn Mậu (Sơn Động – Bắc Giang), người dân nơi đây đã làm đơn tố cáo hai cha con ông Chủ tịch tới các cơ quan chức năng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động quyết định chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT bởi những chứng cứ không thể bàn cãi được trong vụ việc con trai Chủ tịch phá rừng |
Hạt Kiểm lâm Sơn Động sau đó đã phải lập Tổ công tác đi xác minh thông tin. Kết quả cho thấy phản ánh của người dân về việc ông Phạm Văn Thắng – Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn phá rừng là có cơ sở nhưng thủ phạm chính, người trực tiếp chỉ đạo phá 26.056m2 rừng tự nhiên lại là Phạm Văn Cương - con trai ông Chủ tịch.
Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhóm phóng viên phát hiện giấy ủy quyền của ông Phạm Văn Thắng cho con trai là Phạm Văn Cương toàn quyền sử dụng 9,5 ha đã bị làm giả với sự góp sức của cha con ông Chủ tịch thị trấn và một PCT xã khác.
Cụ thể là vào đầu năm 2016, nhân dịp phải giải quyết một vụ việc liên quan tới người dân tố cáo ông Thắng phá rừng và con trai ông này lấn chiếm đất rừng của người hàng xóm, thì ông Hoàng Văn Tuệ - PCT xã Tuấn Mậu đã “liều lĩnh” ký xác nhận một giấy ủy quyền cho cha con ông Thắng.
Liều lĩnh là bởi giấy này ghi ngày ủy quyền là ngày 24/02/2014 (giấy do con trai ông Thắng mang tới) nhưng thời điểm đó ông Hoàng Văn Tuệ chưa làm PCT xã Tuấn Mậu. Phải đến ngày 14/11/2014, ông Tuệ mới chính thức là PCT xã sau khi nhận Quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử PCT UBND xã Tuấn Mậu, nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Nguyễn Quang Ngạn.
Bản thân ông Tuệ cũng như ông Thắng, khi được phóng viên hỏi về vụ việc này đều đã thừa nhận có sự việc này nhưng chỉ là do sơ suất (ông Tuệ) hoặc đổ lỗi cho con trai Phạm Văn Cương và ông Tuệ tự làm để khớp hồ sơ.
Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bích Động – Yên Thế