Lợi dụng nạo vét lòng hồ, ngang nhiên lấy đất đổ đường cao tốc

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 16/06/2016

(TN&MT) - Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được thông tin phản ánh của người dân tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi về tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng sơ hở tổ chức khai thác đất trái phép để thu lợi. Những ngày qua, chúng tôi về thực địa và chứng kiến hàng loạt xe vận chuyển đất trái phép từ các mỏ Phước Hoà, An Phú, đập Hố Dọc… ra đổ cho công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn đi qua huyện Bình Sơn.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) diễn ra với quy mô lớn
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) diễn ra với quy mô lớn

Ngang nhiên múc đất đổ đường cao tốc

Trong mấy ngày qua, chúng tôi bất ngờ đi vào khu vực mỏ đất An Phú (thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên) của Công ty An Phú, nằm cách UBND xã Bình Nguyên không xa; được tận mắt chứng kiến nhiều xe đào múc dưới độ sâu chừng 4 - 5 mét đưa đất lên hàng chục xe vận tải nhanh chóng vận chuyển ra đổ các công trình bên ngoài.

Tình trạng “ăn cắp” đất ở xã Bình Đông còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Theo ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Đông, thời gian gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã diễn ra với quy mô lớn; tập trung chủ yếu về phía Tây - Nam của tuyến đường Bình Trị - Cảng Dung Quất.

Hiện, trên địa bàn xã Bình Đông có mỏ đất của Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Ngãi là được cấp phép khai thác đất với diện tích khoảng 100 ha, còn mỏ của Cty Cổ phần Phương Nam đã hết phép từ vài tháng nay. Lợi dụng việc xây dựng khu dân cư đập Cà Ninh do Tập đoàn Phúc Lộc trúng thầu thi công; nhiều cá nhân, đơn vị khác đã lén lút khai thác đất, đá, cát cung cấp cho công trình này thu lợi bất chính. UBND xã Bình Đông đã phối hợp Biên phòng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện bắt và lập biên bản đề xuất xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Việc khai thác trái phép khoáng sản làm vật liệu thông thường không chỉ diễn ra ở xã Bình Đông, mà xã nằm cạnh là Bình Thuận cũng diễn ra kéo dài; nhất là khu vực giáp ranh giữa 2 xã là Quảng Liên, liên tục bị xe tải lấy cát công khai giữa ban ngày đem đổ cho các công trình hạ tầng khu Dung Quất, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thu lợi bất chính.

Khu vực mỏ đất An Phú (thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên) của Công ty An Phú, nằm cách UBND xã Bình Nguyên không xa; nhiều xe đào múc dưới độ sâu chừng 4 - 5 mét đưa đất lên hàng chục xe vận tải nhanh chóng vận chuyển ra đổ đường cao tốc
Khu vực mỏ đất An Phú (thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên) của Công ty An Phú, nằm cách UBND xã Bình Nguyên không xa; nhiều xe đào múc dưới độ sâu chừng 4 - 5 mét đưa đất lên hàng chục xe vận tải nhanh chóng vận chuyển ra đổ đường cao tốc

Tại lòng hồ Hố Dọc thuộc xã Bình Nguyên, tình trạng lợi dụng nạo vét lòng hồ để lấy đất đi đổ đường cao tốc còn ngang nhiên hơn các địa điểm trên. Hàng loạt xe trọng tải lớn gắn logo Lý Tuấn ngang nhiên múc đất ngay tại hai bên lòng hồ Hố Dọc rồi đem đi bán cho đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết công ty Bến xe miền Trung ở Quảng Ngãi đã trúng thầu thi công công trình đập Hố Dọc (xã Bình Nguyên).

“Đất lậu” chui vào đường cao tốc

Qua tìm hiểu, được biết Tập đoàn Xây dựng giao thông Giang Tô (Trung Quốc) trúng thầu thi công gói thầu A3 (quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Đây là một trong 13 gói thầu xây lắp của dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, được khởi công ngày 24/8/2014. Dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7/2017.

Việc khai thác trái phép khoáng sản làm vật liệu thông thường không chỉ diễn ra ở xã Bình Đông, mà xã nằm cạnh là Bình Thuận cũng diễn ra kéo dài
Việc khai thác trái phép khoáng sản làm vật liệu thông thường không chỉ diễn ra ở xã Bình Đông, mà xã nằm cạnh là Bình Thuận cũng diễn ra kéo dài

Tuy nhiên, những ngày qua, người dân tại huyện Bình Sơn liên tục phản ánh trong quá trình thi công gói thầu A3,  nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) đã sử dụng đất, cát không đạt chất lượng để thi công. Nhiều đoạn còn dùng cả đất đen, đá to tại đồi 103 (đất tại đồi này Dự án không cho sử dụng lại) đổ vào Km 106. Qúa trình bốc phong hóa (bốc lớp đất bùn bề mặt trước khi đổ đất lên) không đạt yêu cầu, chỉ làm lấy lệ.

Tại Km 106+800 và khu vực Bàu Sen, người dân phản ánh, Công ty Giang Tô cho xe ủi qua loa trên mặt, còn để nguyên cây cối rồi đổ cát lấp lên trên. Ngoài ra, nhà thầu này còn sử dụng đất ở một số mỏ đất mà trước đó Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam -  VEC) thí nghiệm nhưng không đạt chất lượng.

Ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (VEC) cho biết, toàn bộ dự án (dài hơn 139km) đều có tư vấn giám sát thường xuyên kiểm soát chất lượng hàng ngày. Theo đó, nhà thầu cũng có lúc làm dối để “qua mặt” nhưng đều bị tư vấn giám sát và chủ đầu tư phát hiện, yêu cầu khắc phục ngay. Riêng gói thầu Giang Tô thì chúng tôi đã đuổi giám đốc thi công vì lý do làm ăn gian dối.

Về xác định nguồn gốc, chất lượng vật liệu dùng để thi công đường cao tốc, ông Hưng nói chỉ giám sát về chất lượng còn nguồn gốc thì nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm. Sắp tới, Hội đồng nghiệm thu nhà nước sẽ vào kiểm tra.

"Đất lậu" chất lượng kém chui vào đường cao tốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của công trình ngàn tỷ

Cần một biện pháp mạnh

Việc vận chuyển đất, đá quá tải và không hề có bọc phủ thùng đã gây ô nhiễm môi trường; làm cho nhiều tuyến đường giao thông liên thôn của các xã nói trên hư hỏng, xuống cấp trầm trọng; tạo thành những ổ voi lớn ngập bùn, rất trở ngại cho người đi đường, nhất là các em học sinh cấp 1, 2… UBND các xã cũng đã nhiều lần lập biên bản ghi nhận, nhưng không xử lý phương tiện được vì Công an xã không được chặn xe khi đang lưu thông.

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, TP trực thuộc tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nguy cơ mất an toàn trong khai thác khoáng sản trên địa bàn. Ông Trần Ngọc Căng cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành như: Xây dựng, Công Thương, Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, TP; yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, báo cáo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận theo quy định; tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng mức độ an toàn các mỏ đất đá, các bãi thải đất đá…

Tại lòng hồ Hố Dọc thuộc xã Bình Nguyên, tình trạng lợi dụng nạo vét lòng hồ để lấy đất đi đổ đường cao tốc còn ngang nhiên hơn
Tại lòng hồ Hố Dọc thuộc xã Bình Nguyên, tình trạng lợi dụng nạo vét lòng hồ để lấy đất đi đổ đường cao tốc còn ngang nhiên hơn

Hiện nay nhu cầu cần lượng đất, đá và cát phục vụ cho một số dự án trọng điểm như: Đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường Bình Trì - cảng Dung Quất, khu dân cư đập Cà Ninh (Bình Đông, Bình Sơn)… là rất lớn thì tình trạng khai thác đất, đá và cát đang xảy ra tràn lan tại huyện Bình Sơn, nhiều đơn vị, cá nhân khai thác bất chấp các quy định về cấp giấy phép, bảo vệ môi trường, hoàn thổ... nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.

Để ngăn chặn có hiệu quả và chấm dứt nạn khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi sớm có biện pháp chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Sơn vào cuộc và chịu trách nhiệm để kiên quyết xử lý các chủ doanh nghiệp và phương tiện vi phạm.

Bài & ảnh: Xuân Lam