Dự án Nghĩa trang Hòa Ninh (TP. Đà Nẵng): Dân bức xúc vì đền bù kiểu... "nhỏ giọt"
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 02/06/2016
Đền bù chưa thỏa đáng
Hòa Ninh là một địa phương miền núi của huyện Hòa Vang, đời sống các hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa tại dự án nghĩa trang Hòa Ninh còn rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu tháng 6 này, chúng tôi có mặt tại thôn Mỹ Sơn (Hòa Ninh, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), đa số các hộ dân ở khu vực thôn này đang đứng ngồi không yên khi nhận bảng áp giá đền bù từ Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Đà Nẵng trong hơn tháng qua cho Dự án Nghĩa trang Hòa Ninh, TP. Đà Nẵng.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ gia đình tại thôn Mỹ Sơn tỏ ra bất bình với việc áp giá đền bù của thành phố. Theo sổ đỏ của hộ gia đình bà Lê Thị Hường, có 3.124m2 đất, nhưng khi áp giá đền bù thì Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Đà Nẵng lại phân chia lô đất ra nhiều mức: 900m2 đền bù giá 104.000 đồng/1m2; 1.500 m2 chỉ đền bù bằng 50% đơn giá 1m2 đất nêu trên; 1.500m2 chỉ đền bù 11.000 đồng/1m2; còn lại 724 m2 hỗ trợ 11.000 đồng/1m2. Tổng cộng hộ bà Hường được đền bù hơn 442 triệu đồng, được bố trí 5 lô đất, cho 3 hộ gia đình gồm gia đình bà và các con.
Nhiều hộ gia đình tại thôn Mỹ Sơn tỏ ra bất bình với việc áp giá đền bù của thành phố |
Sau khi nộp tiền đất tái định cư rồi, gia đình bà Hường và các con cũng chưa biết làm sao đủ tiền làm nhà mới. Lại có những hộ rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” như hộ bà Võ Thị Hoa, gia đình bà cũng có hơn 1000m2 đất đã sinh sống từ rất lâu đời, nhưng chưa kịp làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; gia đình ông Nguyễn Văn Minh, được gia đình ông Phan Văn Sĩ cắt cho 1000m2 đất ở, chưa kịp làm thủ tục chia tách cắt sổ, vậy là khi có dự án quy hoạch triển khai, theo quy định các hộ dân này không được bố trí đất tái định cư.
Những ngày này, hộ bà Hoa, hộ ông Minh đang như “ngồi trên đống lửa”, vì không biết sau khi giải tỏa sẽ sinh sống ở đâu ?!.
Sát bên cạnh là hộ ông Lữ Năng - một trong những hộ dân phải di dời giải tỏa nhường đất cho dự án nghĩa trang Hòa Ninh bức xúc: “Dự án đã quy hoạch gần 4 năm nay, nhà cửa, vườn đất đã kiểm định hết rồi, mà chẳng thấy triển khai, đời sống người dân chúng tôi cực quá…”.
Ông Năng cho biết, khó khăn nhất là vấn đề nước sinh hoạt, nghĩa trang mới đã mở, mồ mả mới chôn cất chỉ còn sát các hộ dân nằm trong diện di dời chưa đầy vài chục mét. Hộ gia đình ông Năng cũng chỉ cách có hơn 50 mét, hầu hết các giếng nước đều bị ô nhiễm không thể dùng để ăn uống. Toàn khu vực lại không có hệ thống nước máy, nên các hộ dân phải mua nước đóng bình để ăn uống.
Không những vậy, hiện nhà cửa tại khu vực này hầu hết đều xuống cấp, dột nát nhưng không thể sửa chữa vì đã kiểm định. Cuộc sống thì như vậy, còn chuyện di dời, giải tỏa như hộ ông Năng, có hơn 560m2 đất và nhà theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, cuối tháng 4/2016, Trung tâm phát triển quỹ đất đã gửi thông báo đến các hộ dân, về kết quả phê duyệt mức hỗ trợ và bố trí tái định cư. Hộ ông Năng chỉ được nhận số tiền 246 triệu đồng và bố trí 1 lô tái định cư diện tích 100m2.
Theo ông Năng, với số tiền đó, sau khi đã nộp tiền đất tái định cư, ông Năng không đủ để làm một ngôi nhà cấp 4, còn chuyện vốn liếng để làm ăn sinh sống thì chưa biết tính sao khi vườn đất không còn…!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiên cả thôn Mỹ Sơn có 15 trường hợp hộ dân rơi vào các tình trạng như đã nêu trên, người dân đã kiến nghị lên chính quyền địa phương đề nghị xem xét, hỗ trợ giải quyết.
Các hộ dân nằm trong diện giải tỏa ở dự án nghĩa trang Hòa Ninh ở thôn Mỹ Sơn, chưa đồng thuận với phương án đền bù, tái định cư tại đây |
Cần sớm tái định cư để ổn định
Trao đổi với Báo Điện tử TN&MT, ông Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: Dự án Nghĩa trang Hòa Ninh là dự án cấp thành phố, triển khai tại địa phương. Hiện có nhiều vấn đề vướng mắc đang đặt ra tại dự án này cần phải được xem xét giải quyết.
“Thứ nhất, giai đoạn 3 của dự án kéo dài đã khá lâu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân từ sinh hoạt đến làm ăn sản xuất. Vấn đề giải tỏa, đền bù, hỗ trợ và tái định cư, đề nghị thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất cũng cần xem xét các kiến nghị của nhân dân làm sao cho hợp lý, tạo điều kiện cho người dân sau khi di dời nơi ở cũ, tiếp tục tái định cư ổn định, và có điều kiện phát triển sản xuất, làm ăn sinh sống” - ông Lê Đức Thương cho biết.
“Đối với những hộ dân chưa đủ điều kiện về thủ tục hồ sơ nhà đất nơi ở hiện nay, đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm trước, một phần có lỗi của chính quyền và ngành chức năng, không kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền sở hữu nhà đất. Trên thực tế, các hộ dân này đã sinh sống từ lâu đời tại nơi ở hiện nay, khi triển khai quy hoạch dự án lại rơi vào tình cảnh đất đai không đủ điều kiện (không có sổ đỏ) theo quy định pháp luật, nên không được bố trí tái định cư, thành phố và ngành chức năng cũng cần linh động xem xét, giải quyết để người dân làm thủ tục giấy tờ hợp pháp theo đúng quy định” - ông Thương nói.
Bài & ảnh: Xuân Lam